Vạch mặt những kẻ kích động biểu tình
Thời gian gần đây, tại Lâm Đồng đã xuất hiện nhiều đối tượng kích động, tổ chức biểu tình và tham gia biểu tình gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Ban đầu chỉ là bức xúc việc Nhà nước cho các nhà đầu tư thuê đất tại 3 Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc với thời hạn là 99 năm, nhưng ngay cả khi QH quyết định lùi thời gian thông qua dự án Luật này thì các tổ chức phản động vẫn không từ bỏ dã tâm chống đối mà quay sang kích động phản đối Luật An ninh mạng. Tại Lâm Đồng, trong các ngày từ 10 đến 17-6 đã có ít nhất 9 người bị cơ quan chức năng triệu tập vì có liên quan trực tiếp đến các hoạt động kích động biểu tình.
Các đối tượng Phúc, Thương, Long, Quyết. |
Sáng 10-6 tại trước Nhà Triển lãm khu Hòa Bình, TP Đà Lạt, Huỳnh Khánh Kim Long (1988, trú P. 2), Hoàng Ngọc Phúc (1969, trú P. 6, cùng TP Đà Lạt) và Vũ Công Bích (1990, trú xã Đạ Ròn, H. Đơn Dương) cùng khoảng 30 người đã trưng 2 biểu ngữ có nội dung phản đối Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu, sau đó quay phim tung lên mạng xã hội. Vụ việc được lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Long, Phúc và Bích đã bị triệu tập về cơ quan CA để làm rõ động cơ. Lực lượng CA cũng đã và đang làm rõ, Phúc là đối tượng cốt cán trong tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” đã bị cơ quan chức năng xử lý nhiều lần. Ngoài ra, Phúc còn có hành vi làm giả quyết định của một tổ chức tôn giáo quốc tế, tự phong là Phó Chủ tịch Hội Từ thiện quốc tế và dùng quyết định này đến một số cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP Đà Lạt để kêu gọi làm từ thiện nhưng lại lấy tiền bỏ túi cá nhân. Cơ quan chức năng đã xác minh và kết luận, Cty cổ phần Hoàng Pháp TW quốc tế mà Phúc mạo nhận là không có thật.
Đầu giờ chiều ngày 11-6, lực lượng chức năng cũng phát hiện 3 người của quán Bún Ty ở P. 6, TP Đà Lạt đang viết, vẽ 10 biểu ngữ có nội dung phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng cùng 2 cờ Tổ quốc để chuẩn bị ra khu Hòa Bình tổ chức biểu tình. 3 người là Nguyễn Phương Anh (1972 - chủ quán) cùng 2 nhân viên Trần Thị Dung (1994, quê Hà Tĩnh, tạm trú số 6/3-Hải Thượng, P.6) và Đinh Thị Thu Ngọc (1994, quê Quảng Ngãi, tạm trú số 71-Cổ Loa, P. 2, cùng TP Đà Lạt) thừa nhận toàn bộ sự việc và cho biết chỉ là a dua theo những người biểu tình ở các tỉnh khác.
10 giờ 30 ngày 17-6, Vũ Thị Thanh Thương (1971, trú 51/2-Huyền Trân Công Chúa, P. 5, TP Đà Lạt), Đỗ Văn Quyết (1981, quê Thái Bình) và Vũ Anh Tuấn (1989, hộ khẩu Q. Tân Bình, TPHCM, cùng tạm trú 16-Huyền Trân Công Chúa, TP Đà Lạt) đang phát tán tài liệu tuyên truyền có nội dung kích động biểu tình tại quán nước trước rạp chiếu bóng 3-4, trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt cùng bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. 3 người được đưa về cơ quan để làm việc và đã thừa nhận, Quyết là người đứng ra tổ chức và chuẩn bị tài liệu, sau buổi lễ tại nhà thờ sáng 17-6, rủ nhau ra trước rạp 3-4 phát tài liệu tuyên truyền, phân công 1 người quay phim đưa trực tiếp lên mạng. 3 người cũng thừa nhận, mục đích của việc phát tán tài liệu phản động một phần cũng để xem lực lượng chức năng sẽ xử lý như thế nào. Riêng Vũ Thị Thanh Thương, tháng 4-2017, lợi dụng việc một số phần tử quá khích biểu tình phản đối Formosa, Thương đã tán phát hình ảnh kích động lên mạng xã hội và đã bị xử lý.
Ngoài 3 sự việc kể trên, nhiều âm mưu kích động biểu tình cũng đã bị lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời, trong đó có không ít người không hiểu gì về Luật Đặc khu hay Luật An ninh mạng nhưng cũng nhiệt tình hoặc hưởng ứng, hoặc đứng ra vận động mọi người đi biểu tình. Điển hình như bà T.T.H. (1970, trú xã Tân Hà, H. Lâm Hà). Từ đầu tháng 6-2018, bà H. đã vận động khoảng 50 người dân ở xã Tân Hà, đặt in 3 loại băng rôn có nội dung “phản đối Chính phủ cho Trung Quốc thuê đất 99 năm”, quyên góp tiền, thuê ô-tô dự kiến sáng 10-6 sẽ lên Đà Lạt để biểu tình. Hay như trường hợp của bà N.T.M.T. (trú H. Đức Trọng), bức xúc việc Nhà nước cho Trung Quốc thuê đất 99 năm nên đã treo biểu ngữ phản đối trên cột biển báo giao thông. Qua làm việc, bà T. cho biết, khi ra chợ, nghe mọi người nói đến vụ cho thuê đất 99 năm, nhiều người phản đối đã bị cơ quan chức năng triệu tập làm việc nên bà nghĩ ra cách treo biểu ngữ để được CA triệu tập làm việc nhằm được bày tỏ chính kiến.
Ngoài việc lực lượng chức năng phát hiện và kịp thời ngăn chặn các hoạt động kích động biểu tình gây rối thì cộng đồng mạng xã hội ở Lâm Đồng, nhất là facebook cũng đã kịp thời phát hiện các biểu hiện kích động và “kịch liệt phản đối những âm mưu thâm độc của bọn phản động”. Những thông tin về việc phát hiện các âm mưu hay hoạt động kích động biểu tình liên tục được chia sẻ trên các trang facebook cá nhân. Từ đây, người dùng mạng xã hội ở Lâm Đồng và cả nước đã thấy rõ hơn bản chất, âm mưu thâm độc của các tổ chức phản động đằng sau những lời kêu gọi biểu tình là lôi kéo, xúi giục tụ tập gây rối, quấy phá, gây bất ổn về chính trị.
Nếu không gian mạng xã hội đang được các tổ chức phản động sử dụng làm phương thức tuyên truyền kích động thì cũng chính không gian mạng đã và đang phát huy hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn và tẩy chay các âm mưu thâm độc có tư tưởng chống phá đất nước. Những âm mưu thâm độc, hoạt động kích động biểu tình gây rối đang bị cộng đồng mạng xã hội ở Lâm Đồng tẩy chay, những đối tượng phản động đã và đang bị cô lập và hành vi kích động gây rối của chúng đã thất bại hoàn toàn.
“Yêu nước nhưng phải tỉnh táo”, “Không để lòng yêu nước bị lợi dụng” - đó là những khẩu hiệu đang được cộng đồng mạng xã hội tại Lâm Đồng chia sẻ nhiều nhất trong những ngày qua. Qua những sự việc này, thiết nghĩ mọi người cần cảnh giác, không nên có hành động a dua để rồi phải làm con tốt thí cho bọn phản động.
P.V