Vài ý kiến đóng góp về việc thực hiện Năm Văn hóa, văn minh đô thị
(Cadn.com.vn) - Hiện nay trên toàn quốc, tại các vùng nông thôn, Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cũng như các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đã và đang chỉ đạo cũng như vận động toàn dân trong đó có các tổ chức tôn giáo thực hiện xây dựng nông thôn mới; còn tại các phường, thị trấn, thị xã, thành phố thì thực hiện nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Chủ trương này mang tính nhân văn sâu sắc, hợp lòng dân cho nên đã được tất cả các tầng lớp nhân dân khắp nơi phấn khởi và hưởng ứng. Bởi vì việc xây dựng nông thôn mới hay đời sống văn hóa văn minh đô thị, mục đích cuối cùng cũng đều phục vụ cho con người, nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người và đem lại đời sống hạnh phúc an lạc cho mọi người về cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần.
Từ khi được Chính phủ công nhận là Đô thị loại I, tốc độ đô thị hóa tại Đà Nẵng phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, góp phần quan trọng cùng với sự phát triển của đất nước. Những tuyến đường mới, những tòa nhà cao tầng, các khu công nghiệp, trung tâm thương mại mọc lên từng ngày; những cây cầu hiện đại, bệnh viện, trường học, nhà ga, sân bay ngày càng thay đổi diện mạo theo chiều hướng hiện đại. Sự đô thị hóa nhanh chóng đó đã mang lại cho người dân thành phố được hưởng thụ chất lượng cuộc sống tốt hơn, các dịch vụ xã hội, an sinh xã hội phục vụ cho nhu cầu con người ngày càng đầy đủ.
Tuy nhiên, những yếu tố đó không phải là tất cả để có thể gọi là một thành phố văn hóa văn minh; và cũng không thể nói rằng những người sống ở những thành phố hiện đại, đầy đủ tiện nghi ấy là những con người có văn hóa văn minh. Bởi vì, văn hóa là những nét đặc trưng, là bản sắc của một dân tộc, làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, thể hiện qua tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống, được kết tụ lâu đời theo dòng lịch sử mà hình thành, chẳng hạn như cách tổ chức cộng đồng, phong tục, tập quán, thần thoại, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, tín ngưỡng, nghi lễ, luật pháp, giáo dục, nghệ thuật...
Còn văn minh là trình độ phát triển của một cộng đồng, chủ yếu về mặt vật chất, về khoa học kỹ thuật, tạo đời sống tiện nghi và thuận lợi cho con người trong cộng đồng đó. Đó là lý do vì sao có những quốc gia có một nền văn hóa rất phong phú và lâu đời, nhưng đời sống của người dân vẫn nghèo nàn lạc hậu; ngược lại, có những quốc gia mới thành hình, chưa có những nét văn hóa nào đáng kể, nhưng mức sống của người dân rất cao. Cho nên, bên cạnh sự phát triển đô thị thì việc xây dựng đô thị văn hóa văn minh là điều mà Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội rất quan tâm.
Người dân và lực lượng vũ trang tham gia dọn vệ sinh các tuyến đường trên địa bàn Q. Thanh Khê. Ảnh: Lê Kiếm |
Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 25-12-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện "Năm Văn hóa, văn minh đô thị năm 2015". Là một Tu sĩ Phật giáo, tôi xin được tham gia một số nội dung sau:
Trước hết, khi nói đến văn minh đô thị là thái độ ứng xử của cộng đồng cư dân đô thị đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Một đô thị có văn minh là nơi đó con người biết bảo vệ, chăm lo môi trường sống, có ý thức cao vì cộng đồng chung, là nơi đó con người ứng xử có văn hóa với nhau, cùng bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp.
Bất kỳ người nào khi đến Đà Nẵng, họ đều phải ngạc nhiên và thán phục bởi một thành phố "5 không", rồi tận mắt nhìn thấy những ứng xử của những con người thân thiện mến khách, chỉ chừng ấy thôi cũng đã thể hiện rõ nét một đô thị văn hóa, văn minh. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng để sản xuất kinh doanh lộn xộn, nhếch nhác; xả rác bừa bãi nơi công cộng, quảng cáo rao vặt in dán tùy tiện mất mỹ quan, thiếu nhà vệ sinh công cộng, vi phạm luật giao thông, uống rượu bia rồi lái xe lạng lách, vượt đèn đỏ; tình trạng đốt rải vàng mã trong những đám cúng, đám tang gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, những chợ tạm, chợ cóc tự phát gây ảnh hưởng giao thông, nạn bắt trộm chó dã man,… vẫn đã và đang diễn ra hằng ngày gây ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo đô thị văn hóa, văn minh của Đà Nẵng.
Rồi tình trạng phổ biến hiện nay cũng làm mất vẻ đẹp văn hóa và tôn nghiêm nơi cảnh chùa chiền; đó là mỗi dịp lễ hội hay khóa tu, người ta bày biện những pháp khí của đạo Phật như chuỗi hạt, tranh tượng, sách Phật, hay treo quần áo tu sĩ, cư sĩ,... ngay trước cổng tam quan của chùa hoặc trên mặt đất để kinh doanh buôn bán, rồi việc câu cá trước những ngôi chùa có sông hồ phía trước gây phản cảm cho những người có tâm từ bi hướng thiện, bắt nhốt chim cá trong lồng để trước cổng chùa để bán phóng sanh lợi dụng lòng tin của Phật tử và những người tin Phật rồi giả danh tu sĩ để khất thực, bán nhang, lừa đảo quyên góp từ thiện xây chùa để trục lợi...
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này cơ bản là do ý thức của mỗi người. Bên cạnh đó là việc quan tâm giải quyết các vấn đề đô thị của chính quyền các cấp chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả. Chẳng hạn như việc giả danh tu sĩ, hay buôn bán trước cổng chùa, vấn đề này thì nhà chùa hay người xuất gia hoặc cư sĩ Phật tử hay người dân bình thường không thể nào có thể ngăn cản hay làm chấm dứt được; mà phải cần đến các cơ quan chức năng, nhất là ngành công an nhiệt tình ủng hộ thì mới có thể giải quyết được.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử có dạy: “cây gỗ tay ôm mọc từ cái mầm nhỏ, cái lầu 9 tầng khởi từ hòn đất, cuộc đi xa ngàn dặm bắt đầu từ dưới gót chân”. Hoặc trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật Thích Ca có dạy: “Con người là hơn cả vì có thể thực hiện được mọi sự tốt đẹp ở đời”. Điều đó có nghĩa là, con người thiện thì xã hội tốt đẹp, con người ác thì xã hội xấu xa đổ nát. Vì vậy, muốn xây dựng một đô thị văn hóa, văn minh thì trước hết phải xây dựng con người có văn hóa văn minh.
Muốn xây dựng con người có văn hóa, văn minh, theo chúng tôi, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục trong mỗi con người để họ thấy rõ trách nhiệm của chính mình đối với cộng đồng xã hội. Trước hết là xây dựng nhận thức cho đội ngũ cán bộ; tổ chức nhiều diễn đàn, chuyên đề, hội thảo, tập huấn... về văn hóa, văn minh đô thị, như giáo dục về luật giao thông đường bộ, ứng xử văn hóa cho các học sinh từ bậc Tiểu học trở lên đến Đại học, những lái xe, những người làm dịch vụ vận tải, tài xế taxi, xe ôm; tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường cho các cộng đồng dân cư; tuyên truyền văn minh thương mại cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh; tuyên truyền không lấn chiếm hành lang vỉa hè, bảo vệ cây xanh cho các hộ dân cư ở mặt phố,...
Điều kỳ lạ là cuộc đời đức Phật từ khi Đản sanh, xuất gia, thuyết pháp lần đầu tiên, thành đạo hay Niết-bàn cũng đều diễn ra ở môi trường thiên nhiên; và cách đây hơn 2.600 năm, Đức Phật cũng như mọi người, không thấy ai nói đến nạn ô nhiễm môi trường, nhưng Ngài vẫn thường dạy Phật tử xuất gia lẫn tại gia phải luôn giữ thái độ bất hại (ahimsa) đối với động thực vật. Bất hại không có nghĩa là không được đụng chạm đến, mà là không được tàn hại và phá hủy. Đây là yếu tố cơ bản trong việc bảo vệ môi trường, là văn hóa văn minh. Đạo lý Duyên sinh vô ngã của đạo Phật chỉ ra rằng, giữa cá nhân và tập thể, giữa con người và thế giới có mối tương hệ trùng trùng lẫn nhau. Con người có trong thiên thiên và thiên nhiên cũng có trong con người. Cho nên, nếu con người vì tham lợi nhất thời mà phá hoại thiên nhiên môi trường cũng tức là phá hoại chính bản thân mình trong tương lai... Ý thức được điều đó, con người sẽ sống có văn hóa và văn minh.
Ngoài công tác tuyên truyền giáo dục ý thức của mỗi người về văn hóa, văn minh đô thị, các cấp chính quyền cần phải thực hiện biện pháp xử phạt các vi phạm về trật tự đô thị. Biện pháp này cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng xã hội. Khi mỗi người đã có thói quen ứng xử văn hóa một cách nền nếp thì dù sống ở bất cứ nơi đâu, tính tự giác của họ cũng được phát huy tốt nhất.
Khi môi trường sống chưa được đảm bảo đầy đủ, còn gặp nhiều điều bất tiện như kẹt xe, ngập nước, thiếu nhà vệ sinh công cộng,... sẽ dễ khiến người ta có những cách ứng xử thiếu văn hóa. Cho nên, muốn xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng, lắp đặt hệ thống thùng rác công cộng, hệ thống đèn chiếu sáng, đường giao thông, mương thoát nước, xây dựng vườn hoa, công viên sạch đẹp, tạo không gian thông thoáng và các điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong sinh hoạt để từ đó họ có điều kiện tốt hơn để thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
Văn hóa nơi công sở cũng là yếu tố quan trọng hình thành nên văn hóa, văn minh đô thị; cho nên, chính quyền cũng cần phải chấn chỉnh nghiêm mệnh lệnh hành chính, kỷ luật lao động, hiện đại hóa công sở, giảm bớt rườm rà trong các thủ tục hành chính, quản lý tốt đội ngũ cán bộ làm công tác giữ gìn trật tự đô thị, khiến cho người dân khi tiếp xúc với chính quyền không còn rụt rè lo sợ, mà cảm thấy yên tâm hơn với chính quyền và họ sẽ tự nguyện thực hiện các quy định về trật tự đô thị.
Trên đây là vài ý kiến nhỏ đóng góp cho việc triển khai thực hiện "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015". Bên cạnh đó, chúng tôi tin tưởng rằng, bằng sự tuyên truyền giảng giải sâu rộng lời Phật dạy trong Tăng Ni và quần chúng Phật tử, cũng như quyết tâm thực hiện các tiêu chí văn hóa, văn minh đô thị mà Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc đã đề ra, thành phố chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện tốt văn hóa văn minh đô thị không những cho năm 2015 mà mãi mãi về sau.
Đại Đức Thích Thông Đạo