Vàng - máu & nước mắt (4)

Thứ năm, 17/04/2014 11:19

* Kỳ 4:  Chuyện ghi ở "thung lũng vàng"

(Cadn.com.vn) - Trong “hành trình” tìm kiếm vàng, người trở nên giàu có chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn những nạn nhân của “giấc mộng vàng” thì ngày một nhiều. Có người sớm nhận ra ảo mộng thì biết dừng lại, nhưng có kẻ đã “đâm lao phải theo lao” khiến cuộc sống ngày càng chìm dần vào hố sâu.

Kỳ tích của “Bi nghiện”

Không những tại khu vực thôn 8, xã Phước Hiệp mà hầu như “giới làm vàng” ở Phước Sơn ai cũng biết đến Bi “nghiện” - tên thật là Lê Văn Tâm (1976, trú xã Bình Trị, H. Thăng Bình, Quảng Nam). Họ biết bởi trước đây Tâm là con nghiện nặng. Từ hút đến chích rồi Tâm lay lắt khắp các bãi vàng Phước Thành, Phước Kim, Phước Chánh… trong gần chục năm trời. Thật tình cờ, gặp chúng tôi tại một lán trại, người thanh niên trông nhanh nhạy, được mọi người giới thiệu chính là Bi “nghiện” năm xưa.

Không cần vòng vo, Tâm bảo, nếu sống kiểu của Tâm thời đó ở các bãi vàng thì quả là cái chết luôn lơ lửng trên đầu. Rồi một ngày đầu năm 2003, Bi “nghiện” tuyên bố với mọi người từ nay sẽ bỏ thuốc, cai nghiện. “Khi nghe mình nói, ai cũng lắc đầu, cười cợt, rằng có biết bao đứa nói như vậy rồi nhưng có bỏ được đâu. Rồi tụi nó cũng chết cả đó. Mi nghiện nặng như rứa mà bỏ được tao vái làm cụ” - Tâm nhớ lại lời các chủ bãi vàng nói với mình.

Tuy nhiên, nhờ ý chí quyết tâm, Bi “nghiện” đã bỏ được ma túy trước sự thán phục của nhiều người. Hỏi về nguyên nhân khiến Tâm từ bỏ được ma túy, anh thật thà: “Tại lúc đó thấy nhóm bạn nghiện nó chết nhiều quá nên đâm ra sợ mà bỏ thôi”. Nguyên nhân nghe có vẻ rất đơn giản nhưng khó có người làm được như Tâm. Ai cũng biết xã Bình Trị trước đây được mệnh danh là “làng ma túy”, “làng chết trẻ”. Bởi những năm 2000, thanh niên địa phương này đổ xô đi làm vàng và hậu cơn lốc vàng ấy là “cái chết trắng” đã “cướp” đi hàng chục thanh niên nơi đây.

Để thoát khỏi cơn nghiện thấm sâu gần chục năm là điều không dễ. “Lúc đó mỗi ngày mình phải chi cho việc hút chích là 500 nghìn đồng. Làm trong hầm lò không đủ tiền, mình phải đi cõng chuyến thuê cả ngày lẫn đêm cho các chủ bãi vàng. Lúc này nhóm bạn nghiện hàng chục đứa đều chết cả, còn mình thì thân tàn ma dại, sống không bằng chết. Thế nhưng khi đã quyết tâm, mình tự cai nghiện mà không cần đến các trung tâm” - Tâm tâm sự. Dứt ra khỏi ma túy, Tâm được nhiều chủ Cty biết đến và “chiêu mộ” về đầu quân cho mình. Với tính chịu khó, cần cù, Tâm được chủ ưu ái cho làm quản lý. Qua những năm làm lại cuộc đời, nhờ biết quý trọng những gì mình đã từng đánh mất, Tâm lao vào làm việc cật lực. Và hiện tại Bi “nghiện” năm xưa đã có một cuộc sống sung túc, khá giả bên vợ và hai con xinh xắn.

Anh Lê Văn Tâm với cuộc sống hằng ngày.

Hai phụ nữ, một số phận

Ở khu vực thôn 8 Phước Hiệp có  nhiều số phận, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Quán nước chúng tôi ghé vào do hai phụ nữ tên Lược và Lưu tuổi đã ngũ tuần làm chủ có lẽ là một điển hình.

Bà Lược người gốc Nam Định, “lưu lạc” vào đây từ những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đầu bà mưu sinh tại các bãi vàng Phước Thành, Phước Lộc bằng nghề “tọ mọ” - làm vàng trái phép quy mô nhỏ. Sau đó vì hoàn cảnh đưa đẩy nên bà “dạt” sang bên này. Còn bà Lưu thì dân Hội An nhưng không muốn sống nơi cổ kính, bà kết duyên với một người đàn ông gốc Nam Định rồi dắt nhau lên xứ này lập nghiệp. “Nói đến Sáu Lưu thì cả Phước Sơn này ai cũng biết. Trước đây tôi cũng từng dẫn dắt hàng chục quân đi làm vàng khắp nơi. Những năm 1990 tôi đã có tiền tỷ trong tay. Nhưng sau vụ một quân của tôi bị sập hầm chết, tôi bị tù, ra tù bắt đầu làm lại thì không được gì. Bao nhiêu tiền của đổ vô cho quân lính khai thác nhưng vàng chẳng thấy đâu. Đâm lao phải theo lao, cứ thế đến khi tài sản không còn đồng nào” - bà Lưu tâm sự về cuộc đời trước đây của mình.

Ngôi nhà của bà Lưu và bà Lược sinh sống.

Không còn đủ khả năng dẫn quân làm vàng, bà “lui” về mở quán tạp hóa nhỏ ven đường, rồi kiêm luôn nghề nấu rượu, nuôi heo. Cô con gái mới 19 tuổi cũng được bà đưa vào đây phụ mẹ nấu rượu. Trong lúc nói chuyện với chúng tôi, thấy bên kia đang đánh bài, bà vội vào trong nói với con gái: “Lấy đưa cho mẹ 500 đi”. Cầm tờ 500 ngàn đồng, trong cái nắng oi ả của miền cao, bà Lưu nhanh chân qua nhà bên cạnh nhập hội, bỏ mặc khách ngồi trong quán.

Tuy đã rút chân khỏi làm vàng, nhưng bà Lưu vẫn gắn bó với mảnh đất này
bằng nghề nấu rượu, nuôi heo.

Theo quan sát của chúng tôi, những nhà nơi đây được dựng bởi những tấm ván gỗ rồi trùm lên đó là những tấm bạc, trông giống như những ngôi lều di động, khi cần có thể chuyển đi nơi khác dễ dàng. Duyên số đưa đẩy, bà Lược và Lưu sống chung tại đây. Nhưng ngoài mở quán bán hàng nước, bà Lược còn “lưu luyến” với cái nghiệp mà mình chưa bỏ được. Sau khi ra tù về tội mua bán trái phép chất độc, bà Lược tiếp tục chuyển sang tuyển quân đưa vào đây làm vàng trái phép. Chính vì thế, trong lúc chúng tôi ngả lưng nghỉ trưa, bà vội đi thông báo cho quân mình biết “có nhà báo vào” để họ thu dọn “chiến trường”.

Không biết duyên số đưa đẩy hoặc “bèo nước” gặp nhau, bà Lưu và bà Lược đều có chung một số phận - cả cuộc đời hai người đang gắn bó với “thung lũng vàng” này. Mà theo họ nói thì đó đã thành cái nghiệp, không thể rút lui được.

Phóng sự: Trần Tân
(còn nữa)