Về bài viết “Ai đứng sau vụ phá rừng Tiên Lãnh?”: Xem xét rút hồ sơ lên CA tỉnh điều tra

Thứ bảy, 23/09/2017 15:00

Chiều 22-9, sau một ngày đi thực tế kiểm tra vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh (xã Tiên Lãnh, H. Tiên Phước, Quảng Nam), đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND H. Tiên Phước cùng các ngành chức năng ngay tại UBND xã Tiên Lãnh để nghe thông tin cụ thểvề tình trạng phá rừng, đồng thời nêu ra những giải pháp cụ thể để xử lý vụ việc cũng như những góp ý để quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn.

Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam kiểm tra vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh.

Tại buổi làm việc, Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh Quảng Nam thông tin, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã Tiên Lãnh do Trạm KL địa bàn xã Tiên Hiệp phụ trách và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Hạt phó Hạt KL Nam Quảng Nam. Tổng diện tích rừng phòng hộ ở khu vực này có 2.500ha. Từ năm 2010 đến ngày 15-9-2017, trên địa bàn xã Tiên Lãnh đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất, gây thiệt hại 124,821ha rừng tự nhiên (gồm 87,913ha rừng phòng hộ, 36,908ha rừng sản xuất). Trong tổng số diện tích rừng thiệt hại nói trên có 68,296ha giao khoán bảo vệ rừng do Ban quản lý trồng rừng H. Tiên Phước giao cho nhóm hộ, 49,359ha ngoài diện tích giao khoán bảo vệ rừng do UBND xã Tiên Lãnh quản lý. Riêng năm 2017 phát hiện 10 vụ vi phạm, thiệt hại 24,790ha rừng chức năng phòng hộ. Hạt KL Quảng Nam đang phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xử lý…

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, ông Phùng Văn Bảy - người bị phát hiện thuê 7 người dân tộc Ca Dong phá rừng vào tháng 8 vừa qua là hộ nghèo ở địa phương thì làm sao có tiền thuê người phá rừng. Ông Đức cho rằng ông Bảy cũng chỉ là người làm thuê và đặt vấn đề các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ người đứng đằng sau thuê ông Bảy để dư luận không còn hoài nghi...

Trong khi đó, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: Dù đi chưa hết các khu vực rừng bị phá nhưng qua kiểm tra đã phát hiện tình trạng phá rừng phòng hộ ở đây rất nghiêm trọng. “Hiện CAH Tiên Phước đã khởi tố vụ án và đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can. Vì sao trong thời gian rất dài mà không xử lý mà để xảy ra sự việc này? Tại đây, tôi đề nghị các ngành chức năng gồm Sở NN&PTNT, CA tỉnh, KL tỉnh phải làm rõ các vấn đề này...”- ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho rằng, qua kiểm tra thực tế nhận thấy các đối tượng phá rừng cơ bản mục đích không phải lấy gỗ. Bởi thực tế khu vực này không có những cây gỗ quý. Vì vậy mục đích phá rừng để trồng keo là chính. “Tuy nhiên, đây vẫn là rừng phòng hộ Sông Tranh 3, có chức năng phòng hộ. Do vậy tác hại đến môi trường vẫn rất lớn. Toàn bộ khu vực rừng bị phá sẽ nằm trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3 khi hồ này tích nước. Có thể thấy đối tượng phá rừng đã tính toán để trồng keo trước, khi thủy điện tích nước sẽ có đường vận chuyển”- ông Thanh nói.

Người dân địa phương phản ánh tình trạng rừng bị tàn phá với ông Lê Trí Thanh
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Nói về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng phá rừng trên, ông Thanh cho rằng trước tiên trách nhiệm thuộc về Ban quản lý trồng rừng Tiên Phước. Đây là cơ quan trực tiếp quản lý khu vực này, thế nhưng chưa chặt chẽ, còn chủ quan. Công tác nghiệm thu để thanh toán chi trả cho dịch vụ bảo vệ rừng các hộ còn chậm; đối với UBND xã Tiên Lãnh, là đơn vị trực tiếp quản lý địa bàn, quản lý dân, quản lý tài nguyên nhưng vẫn có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Công tác tuyên truyền, công tác dân vận, nắm bắt thông tin chưa kịp thời, không tích cực. “Mấy đồng chí cứ nghĩ rằng đã ký hợp đồng giao khoán cho các hộ dân rồi thì rừng sẽ được bảo vệ, nhưng thực tế không phải vậy. Khi các tổ quản lý bảo vệ rừng phát hiện có vụ phá rừng báo về cho địa phương nhưng địa phương chậm xử lý, khiến người dân giảm lòng tin. Riêng đối với Hạt KL Nam Quảng Nam và KL địa bàn xử lý vụ việc rất chậm, trong đó có một số vụ đáng lẽ phải xử lý hình sự nhưng lại xử lý hành chính, do vậy đã không đủ sức răn đe, không đúng bản chất vụ việc khiến người dân mất lòng tin. Nhiều vụ đã khởi tố vụ án nhưng không đủ hồ sơ để chuyển cho CQĐT khởi tố bị can. Diện tích rừng không lớn, chỉ có 2.500ha nhưng lại để xảy ra xâm hại nghiêm trọng như vậy” - ông Thanh dẫn chứng.

“Tôi đề nghị CQĐT khẩn trương điều tra khởi tố bị can vụ phá rừng trên. Đối với vụ án này, CA tỉnh xem xét tính chất vụ án, có thể rút hồ sơ lên tỉnh để xử lý, coi đây là vụ án điểm để mang tính răn đe. Phải tìm ra kẻ chủ mưu, phải xử lý đúng người đúng tội, đúng kẻ chủ mưu. Luật pháp không có khái niệm quy định vùng cấm, cho dù đó là ai. Qua đây tôi cũng kêu gọi việc tố giác tội phạm để tìm ra đối tượng đích thực. Người dân nghèo không thể phá rừng kiểu này được, phải là kẻ có thế lực, có tiềm lực tài chính”- ông Thanh nhận định.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề cần xem xét trách nhiệm của lực lượng KL, cơ quan chức năng ở địa phương khi để rừng bị tàn phá trong thời gian dài như vậy. Ông Dũng cho biết thực tế, một số vụ án được kiểm lâm khởi tố nhưng chậm bàn giao hồ sơ cho CA nên việc tìm ra thủ phạm là rất khó khăn. Về vụ án trên, Đại tá Dũng cho biết, hiện CQĐT đang tiếp tục thu thập củng cố tư liệu, sẽ xử lý nghiêm vụ phá rừng mới xảy ra. Đồng thời sẽ rà soát các vụ phá rừng khác mà KL đã phát hiện, nếu đủ yếu tố sẽ tổ chức điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. “Thực ra vụ án này thuộc thẩm quyền xử lý của CAH, nhưng xét thấy cần thiết thì CA tỉnh sẽ rút vụ án lên để xử lý cho đảm bảo khách quan, nghiêm minh, đồng thời giải quyết được nhiều vụ việc khác. Tinh thần của CA tỉnh là chỉ đạo quyết liệt và xử lý nghiêm trên cơ sở tài liệu chứng cứ thu thập được. Do vậy, cần có sự kết hợp giữa lực lượng KL và Công an, làm sao cho tốt hơn để bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên của Quảng Nam nói chung, của Tiên Lãnh nói riêng” - Đại tá Nguyễn Đức Dũng nói.

TRẦN TÂN - LÊ VƯƠNG