Vẹn nguyên ký ức một thời

Thứ hai, 28/08/2017 12:02

Sáng 26-8, Ban liên lạc Khu 2 Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tổ chức gặp mặt truyền thống, nhân kỷ niệm 50 năm ngày H. Hòa Vang chia tách thành lập 3 khu trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1967 - 2017). Gần 400 cựu binh Khu 2 cùng với đồng chí Nguyễn Văn Chi - nguyên UVBCT, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra T.Ư Đảng; đồng chí Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà... có buổi gặp mặt đầy ấm áp, xúc động. Gặp nhau, tay bắt, mặt mừng, rưng rưng trong phút chốc, mọi ranh giới như xóa nhòa, họ sẻ chia những câu chuyện của người lính năm xưa, nhưng không phải là trước bom đạn kẻ thù, trước lằn ranh giới sự sống và cái chết mà là giá trị vĩnh hằng của nghĩa tình đồng đội.

Ông Trần Thận (giữa) và các cựu binh Khu 2 Hòa Vang trong ngày vui gặp mặt.

Trong kháng chiến, Khu 2 Hòa Vang đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, như các trận đánh ở xóm Đình Bồ Bản (nay thuộc xã Hòa Phong), Gò Sỏi Điện Sơn (nay thuộc xã Điện Tiến, TX Điện Bàn, Quảng Nam). Trong đó, tiêu biểu là trận tiêu diệt 1 trung đội địch tại Cấm Chu Hương (An Tân, xã Hòa Phong) vào ngày 28-1-1973 trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Tiếp nối những thắng lợi quan trọng trong phong trào đấu tranh giành đất, giành dân đó, CBCS Khu 2 cùng với quân, dân toàn huyện nổi dậy khắp chiến trường với khí thế trong cuộc tổng tiến công, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975. "Chưa hết giặc, chưa về quê hương" đã trở thành khẩu hiệu xuyên suốt của CBCS Khu 2 với tinh thần "Có dân - có tất cả, mất dân mất tất cả"... Chiến tranh kết thúc, hầu hết những người lính Khu 2 trở về với đời thường, nhưng trong tâm khảm của họ đều canh cánh nỗi niềm đồng đội. Nhiều người trong số họ đã đi gần tới chặng cuối cuộc đời. Trăm mảnh đời, trăm nẻo sống với bộn bề những lo toan. Bên cạnh đó, việc tìm hài cốt đồng đội, động viên giúp đỡ các cựu binh bệnh tật, gia đình khó khăn cũng là việc làm thường xuyên, thắm đượm nghĩa tình của họ. Cựu binh Trần Chiến Chinh (67 tuổi, trú Q. Hải Châu - nguyên Đại đội trưởng C2, Khu 2 Hòa Vang) bộc bạch: "Mỗi người lính, khi ở trong mưa bom bão đạn, họ cảm thấy cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến đánh quân thù, còn khi trở lại với cuộc sống đời thường; ngoài việc góp phần xây dựng, phát triển quê hương thì nghĩa tình đồng đội còn là điều cháy bỏng nhất trong mỗi trái tim của họ. Đó là một thứ tình cảm cao quý không thể nói hết bằng lời".

Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Huyện ủy Hòa Vang về việc hiến tặng các hiện vật và tư liệu có liên quan đến quá trình đấu tranh cách mạng, CBCS Khu 2 đã hiến tặng nhiều kỷ vật vẹn nguyên ký ức một thời như: tấm khăn dù, võng, ba lô, radio, thắt lưng, bọc đạn, bao súng cùng với nhiều tấm ảnh tư liệu giá trị. Hơn 42 năm trôi qua, bà Phạm Thị Hương (63 tuổi, trú xã Hòa Tiến - nguyên Y tá đơn vị C2) vẫn giữ bên mình những kỷ vật thời chiến. Bà nâng niu gìn giữ như báu vật, để rồi mỗi khi nhớ đồng đội, nhớ đến những năm tháng đau thương nhưng rất đỗi hào hùng, bà lại mang ra để cho ký ức tuổi xuân ùa về. Cuộc sống dẫu có nhiều biến cố, khó khăn, thế nhưng dù đi đâu, làm gì bà Hương vẫn giữ vẹn nguyên kỷ vật thời kháng chiến, gồm hộp dụng cụ cứu thương, 1 soong nhôm được trang bị để cứu chữa thương bệnh binh trong kháng chiến chống Mỹ. Còn kỷ vật của ông Nguyễn Bá Thành (64 tuổi, trú xã Hòa Châu - nguyên Cán bộ giao liên Huyện ủy) là 1 hòm thư chết được làm từ lon nhôm để bí mật trao đổi thông tin liên lạc giữa các xã Hòa Châu, Hòa Lợi, Hòa Thái cũ... Mỗi kỷ vật chiến tranh được hiến tặng đều gắn liền với cuộc đời của những chiến sĩ cách mạng năm xưa như là một câu chuyện kể muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ hiểu thêm về lịch sử dân tộc, quá khứ hào hùng của cha anh đi trước, để từ đó có thêm lòng tự hào và quyết tâm vững bước trên hành trình bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.

Mái đầu xanh của những người lính trẻ năm xưa giờ đã bạc màu. Mỗi lần gặp nhau là dịp để họ cùng nhắc lại ký ức về chiến tranh, được sống trong tình đồng đội, tình quân dân như thuở nào. Có lẽ đó là niềm hạnh phúc lớn nhất dành cho những cựu binh Khu 2 Hòa Vang, vì hơn ai hết họ hiểu cái giá để có được hòa bình như hôm nay.

VY HẬU