Vì sao bão nhỏ mà cây lớn đổ liểng xiểng?
(Cadn.com.vn) - Trong ngày 14-9, mặc dù ảnh hưởng của bão số 3 tới TP không lớn nhưng 460 cây xanh loại lớn trên các tuyến đường Đà Nẵng ngã đổ la liệt. Vậy nguyên nhân từ đâu, và nếu bão lớn hơn, khả năng chống chịu của hệ thống cây xanh thành phố sẽ thế nào?
Cây đổ là... đương nhiên!
Bão số 3 ảnh hưởng tới Đà Nẵng chỉ có gió cấp 6-8, so với nhiều cơn bão trước đây thì không lớn song hàng trăm cây xanh ở các tuyến đường trọng yếu của TP đã ngã đổ. Điều đáng nói, hầu hết cây xanh ngã đổ thuộc loại cây lớn, có đường kính từ 20-30cm. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Kim- Phó Giám đốc Cty Công viên- Cây xanh TP Đà Nẵng cho biết, số lượng cây ngã đổ chủ yếu tập trung trên đường Lê Đức Thọ, Hoàng Sa, khu vực cầu Thuận Phước, kênh Phú Lộc. Sở dĩ cây ngã đổ một phần vì các tuyến đường đó gần biển, gió lớn, hơn nữa mưa dầm thấm đất khiến gốc cây dễ bị đánh bật.
Song, yếu tố cơ bản khiến cây ngã đổ, mà chủ yếu cây lớn, được ông Kim giải thích vì... trồng cây lớn quá. Tức là trên nhiều tuyến đường, các cây không được trồng từ nhỏ, mà bứng cây lớn từ vườn về trồng. Khi cây đã lớn, muốn bứng đi trồng chỗ khác phải cắt rễ chính, chỉ để lại rễ phụ. Lúc đó cây đã suy kiệt, lại phải thay đổi "môi trường" phát triển, khả năng trổ rễ mới để bám trụ trên các tuyến đường rất chậm, phải mất vài tháng. Cây vẫn có rễ hút nước và sống được, nhưng khả năng chống chịu bão không có. Nhiều cây đường kính 30cm, mà bọc rễ dưới gốc đường kính chỉ 40cm, khi gặp bão, dù chỉ là bão nhỏ, việc ngã đổ là đương nhiên.
![]() |
Cây xanh trước làng thể thao Tuyên Sơn đường kính hơn 40 cm vẫn bị ngã đổ. |
Ông Kim nói rằng, chức năng chính của Cty là tiếp nhận, duy tu bảo dưỡng hệ thống cây xanh, còn việc trồng là do đơn vị khác, làm theo thiết kế có sẵn, đôi khi họ sẽ trồng cây gì, như thế nào bên Cty Công viên- Cây xanh cũng không biết. "Đà Nẵng là vùng bão, chúng tôi đề xuất trồng cây đường kính từ 5-7 cm là hợp lý, nhưng họ cứ trồng cây đường kính từ 20-25cm, nên chỉ cần mưa dầm, gió lớn sẽ đổ"- ông Kim nói. Đã trồng cây lớn không phù hợp, một số đơn vị còn trồng ẩu, không xé bì bọc ở rễ, trồng quá nông... Một thực tế khác, cây lớn bị ngã đổ vì các đơn vị thi công đường, cống đã... cắt rễ của cây, quỹ đất để cây phát triển quá hẹp, có khi rễ trổ ra là gặp bê-tông, cáp quang...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay việc trồng cây xanh trên địa bàn TP được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Vì thế có nhiều đơn vị trong gói thầu của mình có thể trồng cây xanh ở một hoặc nhiều tuyến đường. Tại nhiều dự án, khu dân cư mới, để sớm hoàn thiện dự án, chuyển nhượng được đất, các đơn vị đã trồng cây lớn, có bóng mát ngay, thay vì phải trồng từ nhỏ để chờ lớn dần. "Nhiều khi kinh phí trồng cây xanh không phải của TP. Như dự án đường vành đai, vốn trồng cây xanh là của Ngân hàng Thế giới, nên họ giao cho đơn vị nào mình cũng không biết"-ông Kim nói.
![]() |
Công nhân nỗ lực trồng lại các cây xanh bị ngã đổ. |
Xử lý... từ gốc
Để chống tình trạng cây xanh ngã đổ phải xử lý từ gốc, tức là trồng cây từ nhỏ, rễ bám sâu nuôi cây trưởng thành. Một cán bộ kỹ thuật của Cty CV-CX chia sẻ, cây lớn đã ngã đổ, dù trồng lại thì đợt bão sau cũng sẽ đổ. Các giải pháp gia cố cây xanh bằng cọc để chống ngã đổ hiện nay chỉ là phần ngọn. Trong khi đó, kinh phí thì không nhỏ. Ông Kim nói, mỗi cọc gỗ 10 ngàn đồng, để gia cố 1 cây xanh tốn 5 cây gỗ, toàn thành phố có hơn 90 ngàn cây xanh, nếu cần thiết phải gia cố cũng lên tới hàng chục ngàn cây gỗ. Đơn cử như tuyến đường Nguyễn Văn Linh thường xuyên cây xanh đổ buộc phải gia cố bằng cột sắt, vì còn đảm bảo mỹ quan. Cũng theo ông Kim, trong ngày 14-9, Cty đã phải huy động 400 công nhân xuống đường để khắc phục các sự cố về cây xanh, trong đó ưu tiên xử lý các cây ngã đổ ra đường cản trở giao thông, ngã vào dây điện và các cây có nguy cơ ngã đổ vào nhà dân.
Tới gần 23 giờ đêm thì cơ bản các cây xanh ngã đổ nguy hiểm đã được khắc phục, công nhân toàn Cty mới được nghỉ. Hiện tại, Cty tiếp tục căng sức khắc phục gần 300 cây ngã đổ còn lại và xử lý 450 cây khác bị gãy cành. Nhờ việc chủ động khắc phục kịp thời nên thiệt hại về cây xanh theo ông Kim không đáng kể. Đa số các cây ngã đổ được dựng kịp thời nên sẽ sống. Theo kế hoạch, tới tháng 11-2015, Cty sẽ hoàn thành việc cắt tỉa hơn 60 ngàn cây xanh để chống bão. Tuy vậy, cái khó hiện nay là nguồn kinh phí eo hẹp. "Để cắt tỉa, trồng lại cây chúng tôi phải thuê 6 xe cẩu, mỗi ngày tốn 12 triệu đồng, trong khi nguồn kinh phí duy tu thường xuyên khá eo hẹp"- ông Kim nói.
Hải Hậu