Vì sao lãi suất cho vay không giảm?

Thứ bảy, 22/12/2018 11:53

Một trong những mục tiêu chính của ngành Ngân hàng cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng trong năm 2018 là phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và vay được vốn ngân hàng để tháo gỡ khó khăn, đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn lại cả năm 2018, lãi suất cho vay của ngành Ngân hàng không giảm như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Khách hàng đến giao dịch ở một chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng.

Qua tìm hiểu tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Đà Nẵng cho thấy: đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường, hiện mức lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam loại ngắn hạn khoảng từ 6,8-9%/năm, loại trung và dài hạn khoảng từ 9-11%/năm. Các mức lãi suất cho vay này không có gì thay đổi so với thời điểm đầu năm. Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ một doanh nghiệp chuyên hoạt động xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng ở Q. Thanh Khê chia sẻ: “Ngành nghề xây dựng ngày càng cạnh tranh khốc liệt kéo lợi nhuận ngày càng xuống thấp nhưng lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao khiến chúng tôi không dám mạo hiểm vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh”. Đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh thực phẩm tại Q. Hải Châu cho biết thêm: không chỉ gặp trở ngại vì mức lãi suất cho vay của ngân hàng neo ở mức cao, doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi việc tiếp cận vốn vay để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh do thủ tục cho vay ở một số ngân hàng còn rườm rà, kéo dài.

Vì sao lãi suất cho vay của ngân hàng không giảm? Theo ông Nguyễn Nhất Linh, Giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á – Chi nhánh Đà Nẵng, lý do chính là từ đầu năm 2018 đến nay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng thương mại - cơ sở cho việc giảm lãi suất cho vay, nhìn chung vẫn không hề giảm, do đó, việc giảm lãi suất cho vay là khó khả thi. Thậm chí, những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại còn đua nhau tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền gửi, có ngân hàng đã đưa mức lãi suất tiết kiệm lên mức cao nhất là 8,6%/năm, chưa kể các ngân hàng còn cộng thêm từ 0,1-0,3% khi khách hàng gửi tiền online...

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng có nguyên nhân từ việc nợ xấu tăng lên nên các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, dẫn tới giảm lợi nhuận, do đó không dễ gì ngân hàng muốn giảm lãi suất cho vay để giảm thêm biên lợi nhuận. Trong khi đó, nguồn lợi nhuận đóng góp chính của hầu hết ngân hàng vẫn từ tín dụng. Hoạt động cho vay vẫn chiếm chủ yếu trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng, dao động trong khoảng 70 - 90%. Do đó, giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa với giảm lợi nhuận đáng kể nếu ngân hàng không kiếm được nguồn lợi nhuận lớn từ những hoạt động khác bù vào.

PHÚ NAM