Vì sao phải thay đổi phương án nạo vét gần 350 nghìn khối bùn của âu thuyền Thọ Quang?

Thứ tư, 03/08/2022 09:48
Phương án bơm hút thu gom lớp bùn, sét, cát rồi chuyển lên sà lan chở đi không hiệu quả, chủ đầu tư và đơn vị thi công hạng mục nạo vét, nhận chìm gần 350 nghìn khối bùn của âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng phải tạm dừng để điều chỉnh phương án mới.
Phương pháp tàu ngoạm cạp, xúc bùn đáy sẽ được áp dụng để nạo vét phần lớn lượng bùn ở âu thuyền Thọ Quang.
Phương pháp tàu ngoạm cạp, xúc bùn đáy sẽ được áp dụng để nạo vét phần lớn lượng bùn ở âu thuyền Thọ Quang.

Ngày 2-8, ông Nguyễn Minh Huy – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã yêu cầu nhà thầu tạm dừng việc nạo vét bùn đáy tại âu thuyền Thọ Quang trong thời gian qua và đề nghị UBND thành phố chỉ đạo thay đổi phương pháp nạo vét cho phù hợp sau khi nghe báo cáo những khó khăn, bất cấp trong quá trình thi công. Hiện phương án mới cũng đã hoàn chỉnh, trình UBND thành phố Đà Nẵng đưa ra hội đồng thống nhất để tiếp tục triển khai.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 18-5-2021, nhà thầu là Liên danh Cty CP 126 và Cty CP Phú Xuân sẽ dùng tàu hút bơm bùn sét, cát lẫn rác lên sà lan cho lắng bùn, cát và tách nước trên từng khoang. Đất, bùn, sét, cát đã lắng đọng sau khi bóc tách rác trên sà lan được vận chuyển đến vị trí nhận chìm trên biển tại phao số 0, cách âu thuyền 19,6km. Rác được thu gom bằng lưới lọc sẽ được đưa đi xử lý riêng. Tháng 4-2022, nhà thầu tiến hành thử nghiệm nạo vét bùn đáy âu thuyền Thọ Quang bằng phương pháp là tàu ngoạm cạp, xúc bùn đáy. Gàu múc ngoạm sâu để thu gom lớp bùn bên trên khoảng 0,5-0,7m, tiếp đó là các lớp bùn pha sét, lớp sét và sét pha cát với độ dày 3 lớp này 1,3-1,5m. Khi đổ vào sà lan dung tích 600m3 sẽ có màng lưới sắt giữ lại các loại rác phân loại và xử lý riêng, bùn sẽ lắng xuống để chở đi. Phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể múc đầy một sà lan, sau đó thêm gần 1 tiếng để di chuyển ra vị trí được phê duyệt nhận chìm tại tọa độ 16°11'25.10"N - 108°17'32.78"E. Tại đây, các cửa xả ở dưới đáy sà lan được mở để xả chất nạo vét xuống biển ở độ sâu khoảng 30m và gần như không có dòng chảy trên biển.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là vị trí tối ưu, thuận lợi để làm lắng nhanh chất nạo vét với đa phần là sét, sét pha cát xuống đáy biển. Vào thời điểm đó, ông Trần Đức Sang – phụ trách kỹ thuật của dự án cho biết với 2 tàu ngoạm loại lớn và 4 sà lan có sức chứa 600 khối bùn hoạt động liên tục, mỗi ngày có thể xử lý dứt điểm khoảng 3.000 khối.

Sau khi đi vào quy củ, tàu thuyền được sắp xếp ngăn nắp thì công suất sẽ được nâng dần lên, đảm bảo hoàn thành trong tháng 10-2022, ngay trước mùa mưa bão.

Tuy nhiên việc nạo vét bằng phương pháp tàu ngoạm cạp, xúc bùn đáy sau đó không được chấp nhận, cơ quan chuyên môn yêu cầu phải thi công bằng biện pháp hút. Giữa tháng 5-2022, nhà thầu đã huy động thêm tàu hút có công suất lớn đến công trường để tiếp tục thi công theo phương án đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau một thời gian vận hành, các đơn vị chức năng đánh giá việc sử dụng tàu hút để bơm bùn sét, cát lẫn rác lên xà lan là không hiệu quả. Điều mà nhà thầu không lường trước được là việc sử dụng tàu hút theo phương án được phê duyệt trong DMT chỉ bơm được khoảng 10% là bùn, sét lên sà lan, phần lớn còn lại là nước. Điều này gây lãng phí về thời gian, nhiên liệu. “Đơn vị thi công làm đúng theo phương án đã được phê duyệt. Tuy nhiên vừa làm vừa đánh giá thì thấy hiệu quả không cao và lãng phí. Chở nước từ đất liền ra đổ xuống biển thì rõ ràng là bất cập, không hiệu quả nên chúng tôi đã thống nhất tạm dừng để kiến nghị UBND thành phố điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường theo hướng áp dụng cả 2 phương pháp hút và cạp xúc để đưa được nhiều bùn lên xà lan, bảo đảm hiệu quả về kinh tế và môi trường”, ông Huy cho hay.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, hiện Sở Xây dựng cũng đã có văn bản tham mưu UBND thành phố xem xét điều chỉnh phương án để thi công hiệu quả hơn trên thực tế. Đó là kết hợp giữa việc dùng gàu cạp và bơm hút tùy theo vị trí trong âu thuyền. Thành phố sẽ sớm họp hội đồng, xem xét, thống nhất việc điều chỉnh DMT để sớm triển khai trở lại, đảm bảo tiến độ dự án. Khi thi công trở lại, nhà thầu sẽ không thực hiện rải men vi sinh mặt nước mà thay thế bằng phun chế phẩm khử mùi hôi 4 lần/ca trong thời gian nạo vét; điều chỉnh định mức dung dịch vi khuẩn quang hợp để làm trong nước sau khi nạo vét từ 0,024 lít/m2 thành 0,04 lít/m2. Cùng với đó là bổ sung 600m phao quây đường kính D300, vải màn 200/200mm sâu 4m nhằm hạn chế bùn phát tán tại khu vực nạo vét. Phương án, vị trị nhận chìm vẫn giữ nguyên, bổ sung 500m phao nổi đường kính D700mm nhằm hạn chế chất nổi sang khu vực khác khi nhận chìm đồng thời bổ sung 50 tấm hút dầu (1000x1000x5mm) để thấm hút váng dầu và thu gom, xử lý chất nổi.

Nạo vét bùn âu thuyền Thọ Quang là một hạng mục trong kế hoạch do UBND TP Đà Nẵng ban hành, hướng tới việc đưa "điểm nóng" này ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường vào năm 2025. Tổng kinh phí cho hạng mục này là 99 tỷ đồng do Trung ương bố trí vốn.

Công Khanh