Viết tiếp bài lừa đảo qua điện thoại: Vì sao các bị hại nộp tiền?

Thứ bảy, 15/11/2014 13:48

(Cadn.com.vn) - Báo Công an TP Đà Nẵng trong những số gần đây liên tục đăng các tin, bài phản ánh về tình trạng các đối tượng lừa gọi qua điện thoại rồi “đổ tội” cho nạn nhân để chiếm đoạt tiền bạc. Sau khi Báo đăng, chúng tôi tiếp tục nhận thêm nhiều thông tin về các vụ việc tương tự, qua đó cho thấy, nguyên nhân chính các nạn nhân chịu chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng là vì sợ liên đới đến pháp luật sau khi nghe những màn đe dọa quá “ngọt” của kẻ lừa đảo.

Sáng 14-11, tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông Nguyễn Thanh Tuấn (1952, trú đường Hoàng Diệu, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn không hiểu nổi với sự cảnh giác cao độ của mình mà cũng lọt vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Mấy ngày nay, dù chỉ còn hai vợ chồng già ở với nhau, nhưng tình hình lúc nào cũng “căng thẳng” bởi đây là số tiền tích góp bao nhiêu lâu nay để dành cho việc dưỡng già đã bay vèo đi mất mà chưa biết đến khi nào mới lấy lại được. Câu chuyện của ông Tuấn cũng giống như những nạn nhân trước đây đã từng bị các đối tượng lừa đảo qua điện thoại giăng bẫy đưa họ vào cuộc.

Ông Tuấn thẫn thờ vì toàn bộ số tiền tiết kiệm chẳng biết bao giờ lấy lại được.

Cụ thể là sau khi thông báo ông Tuấn nợ hơn 8 triệu đồng tiền cước điện thoại, các đối tượng đổ oan cho ông có tham gia vào một đường dây tội phạm do Nguyễn Quang Dũng cầm đầu (không biết là ai) và “chiến lợi phẩm” của ông là phần tiền 280 triệu đồng mà các đối tượng đã chuyển vào tài khoản cá nhân của ông. Vì vậy, ông cần phải khai báo số tiền hiện có trong tài khoản. Đồng thời, đối tượng còn đe dọa đã có chứng cứ ông có tiền trong tài khoản… nên lúc này ông Tuấn thật thà khai nhận là có 45 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm. Bắt được thóp, đối tượng liền yêu cầu ông Tuấn chuyển số tiền nói trên vào một tài khoản cá nhân để “kiểm tra”, nếu là tiền sạch sẽ trả lại ngay. Tuy nhiên, do ông Tuấn cảnh giác, nhiều lần phủ nhận các thông tin do đối tượng đưa ra thì chúng đe dọa: “Mọi thông tin này ông phải bí mật, nếu ông để lộ, các đối tượng giang hồ trong đường dây sẽ “xử” ông và người thân trong gia đình”. Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng còn đe dọa tiếp: “Hiện CAQ Mộc Bài đã khởi tố và có lệnh tạm giam ông 2 tháng, nếu ông không chuyển số tiền theo yêu cầu thì chúng tôi sẽ chuyển lệnh khởi tố, bắt giam này cho CQĐT CAQ Hải Châu thực hiện lệnh bắt ông. Lúc đó ông có hối cũng không kịp”, đến lúc này ông Tuấn toát mồ hôi hột thực sự…

Ông Tuấn cho biết, sau khi tiếp nhận cuộc gọi, ban đầu tôi không tin nhưng khi các đối tượng nói đã khởi tố vụ án, chuẩn bị bắt tạm giam khiến tôi quá hoảng sợ và làm theo yêu cầu của chúng như một cái máy và ngay sau đó đi ra ngân hàng, rút toàn bộ số tiền tiết kiệm có được của hai vợ chồng rồi đến Ngân hàng Sacombank chuyển vào một tài khoản cá nhân ở tỉnh Lâm Đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu dân cư của ông Tuấn có hàng chục người khác cũng nhận được các cuộc gọi tương tự, tuy nhiên do họ cảnh giác nên đã tắt máy nên các đối tượng không kịp thực hiện hành vi.

Cũng như ông Tuấn, trường hợp của chị Lưu Thanh Thủy (1960, trú P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đang trong tình cảnh “dở khóc dở cười” khi bị các đối tượng “vét” đến đồng cuối cùng trong tài khoản ngân hàng mà không một chút suy nghĩ mình bị lừa. Chị Thủy cho biết, trưa 11-11, chị nhận được một cuộc gọi nói là từ tổng đài VNPT thông báo chị đang đứng tên số máy điện thoại 0663716320 nợ số tiền cước 8.930.000 đồng. Để đánh lừa, các đối tượng này hỏi chị Thủy có mất CMND hay phô-tô CMND ở đâu không, lúc này do thật thà nên chị nói có phô-tô vài lần. Bắt được thóp, các đối tượng cũng đe dọa chị Thủy y hệt như ông Tuấn và “đổ” cho chị đã bán tài khoản cho ông Nguyễn Văn Dũng giá 2,5 triệu đồng. Hiện CQĐT đã bắt được ông Dũng, qua đấu tranh, ông Dũng khai nhận đã chi cho chị Thủy 160 triệu đồng vào tài khoản cá nhân. Đồng  thời chúng còn gài “chuyện này chị phải giữ bí mật tuyệt đối, không được nói với ai vì đây là một vụ lừa đảo xuyên quốc gia. Nếu nói chị sẽ bị phạt tù vì làm lộ bí mật”. Sau đó, các đối tượng tiếp tục “tra khảo” chị Thủy và biết được chị hiện có 196.913.000 đồng trong tài khoản nên yêu cầu chuyển tất cả cho chúng để “kiểm tra” và hẹn sáng 12-11 sẽ trả lời là tiền sạch hay không. Tuy nhiên chị Thủy chờ đến tận chiều thì câu trả lời là chị đã... bị lừa.



Các giấy chuyển tiền của chị Thủy đã chuyển cho đối tượng.

Theo thông tin ghi nhận được của chúng tôi, thủ đoạn gọi điện thoại lừa đảo xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng từ khoảng đầu năm 2014 và khá phổ biến trong vài tháng gần đây. Đã có hàng chục trường hợp bị các đối tượng lừa đảo với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Qua tìm hiểu, hầu hết những người bị lừa đều có nhân thân tốt, có tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng… nên khi bị các đối tượng dùng lời lẽ truy vấn, đe dọa như: sẽ bắt giam, bỏ tù, giết hại người thân… khiến họ sợ hãi không trao đổi với người thân và cơ quan chức năng mà âm thầm đi chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.

Trao đổi với chúng tôi chiều 14-11, Thượng tá Trần Văn Tám - Phó trưởng CAQ Hải Châu cho biết, hiện CAQ đã nhận được một số đơn tố cáo của các nạn nhân bị lừa đảo dưới hình thức các cuộc gọi điện thoại và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành điều tra, xác minh làm rõ. Tuy nhiên, qua đây cũng thông báo cho người dân phải hết sức cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo này. Khi nhận được cuộc gọi có nghi vấn cần trao đổi với người thân và báo cáo ngay cho CA các phường hoặc cơ quan chức năng nơi gần nhất để tìm hiểu thông tin. Tránh trường hợp tự ý chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng rồi mới đến cơ quan CA báo cáo sự việc.

Nguyễn Tuấn