Vụ 30 tấn cá nục bị phát hiện nhiễm độc tố: Ngư dân Quảng Trị khốn đốn

Thứ hai, 13/06/2016 10:38

(Cadn.com.vn) - Thông tin “nóng hổi” trên báo chí từ chiều 10–6, về kiểm nghiệm phát hiện cá nục tại kho đông lạnh ở TT Cửa Tùng (H. Vĩnh Linh, Quảng Trị) nhiễm chất cực độc khiến ngư dân Quảng Trị khốn đốn.

Chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi của ngư dân Cửa Việt về thực hư tin cá nục bị nhiễm độc đăng tải trên báo chí với một tâm trạng rất lo lắng. “Hãy xuống giúp ngư dân chúng tôi, cầu cứu đến chính quyền, cơ quan chức năng khẩn trương kiểm nghiệm cá nục bà con vừa đánh về để xác định độ an toàn với”, ông Bùi Đình Sành, Trưởng ban tự quản tàu thuyền khối phố 5, TT Cửa Việt, gọi cho chúng tôi.

 

Tin gây sốc

Theo bà con, đang cao điểm vụ cá nam, ngày 10–6, nhiều thuyền ra lộng đánh bắt cá nục, trở về ít nhất cũng được vài tạ, vừa cập bờ thì đụng tin dữ trên. “Dạo ni người tiêu dùng đã ăn hải sản trở lại, bà con tui mừng lắm, ai ngờ...”, ngư dân Bùi Đình Kim thở dài sườn sượt. Cảng biển đìu hiu nhưng đi đâu cũng nghe ngư dân bàn tán xôn xao. “Ri thì đói, ri thì chết. Phải làm răng đây chừ”. Dù chúng tôi cung cấp chi tiết thông tin có được liên quan đến việc kiểm nghiệm cá nục tại TT Cửa Tùng, ngư dân vẫn không bớt căng thẳng.

Trở lại cuối tháng 5-2016, H.Vĩnh Linh đang tồn kho khoảng 120 tấn cá đông lạnh chưa tiêu thụ được. Trong số này, có lô hàng được cơ sở kinh doanh, tiểu thương mua trữ trước khi có hiện tượng cá chết, một số khác mua trong và sau sự cố trên. Chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh Trần Hữu Hùng cho biết, sau khi có thông báo của cơ quan chức năng xác nhận thủy hải sản khai thác ở vùng biển đảm bảo an toàn, nhiều hộ kinh doanh tiếp tục mua để tạm trữ, cung cấp dần cho thị trường. Vì chưa tiêu thụ được, khiến việc bảo quản gây rất nhiều tốn kém cũng như khó tránh hư hỏng nếu kéo dài thêm. Trước nỗi lo này, hộ kinh doanh đã liên tục kêu cứu lên chính quyền nhằm tháo gỡ vướng mắc cho họ.

Ngày 31–5–2016, H.Vĩnh Linh trình UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm nghiệm để có phương án xử lý tránh thiệt hại và ô nhiễm môi trường. Ngay lập tức, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính chỉ đạo Sở Y tế, Sở Công nghiệp và Sở NN & PTNT phối hợp với địa bàn huyện tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm tại các kho đông lạnh tại TT Cửa Tùng. Kho của bà Lê Thị Thuộc (TT Cửa Tùng) còn tồn số lượng lớn nhất với khoảng 110 tấn, là điểm lấy mẫu kiểm nghiệm đầu tiên. Trong đó có 70 tấn cá nục, 10 tấn cá ngừ, 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn lẫn lộn khác. Bà Thuộc cho biết có khoảng 40 tấn cá nục, cá lẹp và cá trích được mua trước thời điểm cá chết hàng loạt ở miền Trung. Sau khi lấy ngẫu nhiên 3 mẫu gồm cá ngừ, cá trích, cá sòng và 3 mẫu cá nục ở 3 thời điểm mua sản phẩm, cơ quan chức năng đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy 5 mẫu phân tích có chỉ tiêu kiểm nghiệm đều nằm trong giới hạn cho phép.

 

Mẫu còn lại có gì?

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Thành, mẫu đại diện cho 30 tấn cá nục mua sau thời điểm cá chết không phát hiện Asen, chì, thủy ngân, cyanua và hàm lượng Cadimi crom, niken, đồng, sắt, kẽm và mangan đều nằm trong giới hạn cho phép, nhưng đã phát hiện chất Phenol, hàm lượng 0,037mg/kg. Ông Thành khẳng định đây là chất cực độc tuyệt đối cấm có trong thực phẩm. Kết quả này là cú sốc thực sự. Ngư dân cho biết cá nục có cả ven bờ lẫn trung bờ nhưng tập trung chính ngư trường xa bờ, và khi trời yên biển lặng thì cá nục mới di chuyển nhiều từ khơi xa vào lộng. Trong sự cố cá chết trước đây lại chưa ghi nhận bất kỳ thông tin nào về cá nục. Vậy lô cá nhiễm độc bị “dính” vào thời điểm nào, ở khu vực nào? Câu hỏi này rất cần ngành chức năng sớm làm rõ.

Tháo khó cho ngư dân

Phó Chủ tịch UBND TT Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) Trần Đình Mãn không giấu được nỗi niềm khi ngư dân trên địa bàn gặp quá nhiều khó khăn do cá chết bất thường dù công tác hỗ trợ đã rất khẩn cấp và kịp thời. TT Cửa Việt có 167 tàu thuyền khai thác hải sản, trong đó 44 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, còn lại đánh bắt ven bờ và trung bờ. Có 85 hộ kinh doanh dịch vụ hải sản và 43 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại bãi tắm Cửa Việt. Con số thiệt hại tính đến tháng 5 – 2016 của TT Cửa Việt đã ngoài 20 tỷ đồng với hơn 1.500 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngày 10 – 6 – 2016, ông Trần Đình Mãn cho biết hiện TT Cửa Việt có một bộ phận không nhỏ đánh bắt gần bờ không được hỗ trợ khẩn cấp theo Quyết định số 722 ngày 9 – 5 – 2016 của Chính phủ.

Theo quyết định này, hỗ trợ gạo cho nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của người lao động trên tàu khai thác ven bờ, vùng lộng không lắp máy, hoặc lắp máy có công suất dưới 90CV, ngoài ra hỗ trợ tiền 1 lần tối đa 5 triệu đồng/ tàu không lắp máy hay công suất dưới 90CV phải tạm ngừng ra khơi khai thác. Căn cứ theo điều này nên hơn 40 tàu trên 90CV đến 350CV của TT Cửa Việt đánh bắt ven bờ bị ảnh hưởng nặng nề chưa thể nhận được hỗ trợ. Tương tự như Cửa Việt, nhiều địa bàn trong tỉnh có tàu đánh bắt ven bờ hơn 90CV đều đang khắc khoải chờ hỗ trợ. Trước tình hình này, UBND TT Cửa Việt liên tục họp bàn và đề xuất lên cấp trên nhằm có phương án hỗ trợ, tháo gỡ cho bà con trong thời gian sớm nhất. “Nhiều người cứ nghĩ khai thác ven bờ là chỉ 90CV trở xuống, nhưng thực tế tàu công suất lớn như trên đánh bắt ven bờ rất hiệu quả”, ông Mãn khẳng định.

Chúng tôi cũng ghi nhận rõ tình cảnh của bãi tắm Cửa Việt. Mặc dù không còn ảm đạm nhưng cơ bản chưa chuyển biến nhiều. Các hộ kinh doanh kêu cứu. Trước hoàn cảnh này, ngày 10 – 6 – 2016, UBND TT Cửa Việt thống nhất quyết định trích 10% kinh phí hoạt động của tất cả khối đoàn thể, đảng, ủy ban trong năm 2016 để hỗ trợ cho 43 hộ kinh doanh tại bãi tắm. “Ước khoảng 100 triệu đồng, chúng tôi sẽ nhanh chóng trao đến hộ dân”, ông Mãn cho biết. Khi được hỏi việc cắt giảm kinh phí có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động khối, đoàn thế, ông Mãn khẳng định đã tính toán kỹ, không tác động tiêu cực gì. Sự chung sức chia sẻ lúc khó khăn này của TT Cửa Việt chính là liều thuốc tinh thần quý giá cho bà con.

Thời điểm này, nhiều thôn, làng ven biển tại Triệu An (H.Triệu Phong), Gio Hải, Trung Giang (H.Gio Linh), Cửa Tùng, Vĩnh Thái (H.Vĩnh Linh) vẫn đứng ngồi không yên nếu tình trạng “mắc cạn” vẫn tiếp diễn. “Năm ni nắng hạn nhưng mùa lúa đông xuân vừa qua Quảng Trị lại bội thu, sản lượng cao nhất từ trước đến nay, có nơi đạt 7 tấn/ha. Dân biển tui nghe mà mừng, muốn chuyển sang nghề lúa nhưng lấy mô ra ruộng. Biển khơi chính là cánh đồng của bà con tui, tính chuyển đổi nghề khác, khó lắm, khó lắm”, lão ngư Hoàng Văn Lạng vời vợi sầu lo. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái Ngô Thế Thanh cũng cho biết toàn xã này có đến hơn 85% làm nghề đánh bắt ven bờ, thời gian qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng phải chuyển đổi nghề gì, có được người dân ủng hộ là cả một quá trình và chiến lược lâu dài.

Tại xã ven biển Trung Giang, nhiều hộ kinh doanh nhà hàng hải sản đã nhảy một bước khi chuyển đổi thực đơn. Tuy vậy, khi trở lại Gio Hải, một địa bàn có nhiều tàu, thuyền đánh bắt ven bờ, bà con ngư dân nơi đây vẫn một lòng hướng biển. “Tui không muốn nghĩ đến chuyển đổi nghề. Bởi nghĩ đến rứa là đau nhói tâm can, nghĩa là vùng biển khơi mà tui cần mẫn hàng chục năm qua không thể trở lại ư?  Đừng nói rứa, hãy làm răng để trả lại biển sạch và an toàn cho ngư dân. Tui sẽ đợi, sẽ đợi...”, lão ngư Lê Văn nói.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TT Cửa Việt Trần Đình Mãn cũng cho biết, một số ngư dân trên địa bàn đã chuyển sang đánh bắt cá trên sông. Một số đi làm ăn nơi khác. Nhưng sinh kế đó không bền vững, họ muốn trở về đánh bắt trên vùng biển quen thuộc. Đó là tâm nguyện, là mong ước, khát khao của họ duy trì qua bao đời nay.

Bảo Hà

Một ngư dân bên chiếc thuyền thúng lật úp ở Quảng Trị. 30 tấn cá nục có mẫu phẩm phát hiện chất phenol trong kho của bà Thuộc được niêm phong. Ảnh: Thanh Lộc