Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ tư, 24/12/2014 07:28

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, hàng triệu người dân cả nước không khỏi bức xúc khi tai nạn xảy ra làm 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng mắc kẹt, chủ đầu tư - Chủ tịch HĐQT, kiêm Phó Tổng Giám đốc Vietracimex lại đang bận... công tác nước ngoài? Giờ là lúc phải nói đến trách nhiệm và thực tế thì các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm giám sát cho nhau.

HẦM SẬP - CHỦ ĐẦU TƯ ĐI ĐÂU?

Số phận 12 công nhân đã trở thành tâm điểm chú ý đối với người dân cả nước, các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội những ngày qua. Ngay khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện chỉ đạo huy động mọi lực lượng, khẩn trương triển khai các biện pháp cứu nạn, cứu hộ. Đích thân Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các Bộ trưởng Xây dựng, Công Thương, Y tế có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ.

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã chủ động vào cuộc kịp thời, “bám” sự cố, triển khai một lực lượng đông đảo để dồn sức cứu người; ngoài ra còn có sự tham gia của 11 lực lượng T.Ư và 21 lực lượng trong tỉnh, quân số là trên 750 người tham gia cứu hộ. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Vietracimex - Cty mẹ của Cty Long Hội lại đang bận... công tác nước ngoài? Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu phải thông báo buộc về ngay. Đến ngày 22-12, ông Võ Nhật Thanh - Phó Tổng Giám đốc Cty Long Hội - chủ đầu tư mới “xuất hiện” tại cuộc họp báo rút kinh nghiệm về công tác cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Sáng 23-12, chị Đặng Thị Hồng Ngọc (trú H. Thanh Chương, Nghệ An) - nạn nhân cuối cùng
trong số 12 công nhân bị nạn trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo đã xuất viện
sau hơn 4 ngày được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

THẤY GÌ QUA CÔNG TÁC KIỂM TRA?

Theo quy định, để triển khai dự án, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải thực hiện các bước như khảo sát điều kiện tự nhiên, môi trường, đánh giá tác động kinh tế - xã hội… Trong đó, việc khảo sát các điều kiện tự nhiên như địa hình, địa mạo, địa chất… hết sức quan trọng. Đây là cơ sở để chủ đầu tư bảo đảm hiệu quả dự án, nhà thầu triển khai biện pháp bảo đảm an toàn lao động trong quá trình thi công.

Về nguyên tắc, nguyên nhân có thể xuất phát từ rất nhiều khâu, trong đó có 5 khâu cốt yếu: Thứ nhất, do điều kiện địa chất phức tạp.Thứ hai, công tác khảo sát địa chất không tốt. Thứ ba, công tác thiết kế chưa tuân thủ đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn.Thứ tư,công tác thi công chưa đúng thiết kế. Thứ năm, khâu giám sát thi công không chặt chẽ... Vậy quá trình triển khai, chủ đầu tư, nhà thầu dự án Thủy điện Đạ Dâng đã thực hiện việc khảo sát như thế nào?

Theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng dù trước mắt chưa thể nói chính xác nguyên nhân xuất phát từ đâu, tuy nhiên qua quan sát tại hiện trường cũng như trước một sự việc mà hàng nghìn mét khối đất đá đã sụp trong quá trình thi công, thì kết cấu hầm “có vấn đề”.

Ông Dương Minh Nghĩa - Trưởng Phòng Giám định 2 - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) là người trực tiếp kiểm tra đường hầm thủy điện Đạ Dâng cho biết, trong khoảng 400m từ miệng hầm đến nơi xảy ra vụ sập, chỉ có đoạn cửa hầm có gia cố khung thép hình chữ Y, sau đó đổ bê-tông chèn. Còn bên trong, rất nhiều đoạn không được gia cố, đơn vị thi công chỉ đào trần. “Vấn đề cần quan tâm là các bước gia cố, kết cấu bê-tông có hợp lý không, những đoạn không gia cố có bảo đảm không?” - ông Nghĩa đặt vấn đề.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn (Giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng), sau khi cùng đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra cho biết: “Khi để xảy ra sự cố như thế là có vấn đề rồi. Nếu chủ dự án và đơn vị thi công làm thật chặt chẽ thì sao có thể xảy ra như thế được. Nếu thiết kế, kết cấu đúng và việc thi công đúng thì tôi nghĩ không có vấn đề gì”. Ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Vietracimex - Cty mẹ của Cty Long Hội, chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng, sau khi “mất tích” đã thay mặt chủ đầu tư xin lỗi lãnh đạo tỉnh và nhân dân vì sự cố. Ông Thăng nói: “Sự cố sập hầm là bất khả kháng, là do tự nhiên. Mong tất cả ban, ngành xem xét”.

Theo các chuyên gia, một dẫn chứng khác cho việc thi công không an toàn ở đường hầm thủy điện này là không hề có cửa thông gió. Ở các hầm thủy điện, khi đào đến đâu phải có cửa thông gió đến đó để hạn chế thiệt hại nếu xảy ra sự cố. Tuy nhiên, đường hầm thủy điện Đạ Dâng không có cửa thông gió nên khi bị sập, các nạn nhân hoàn toàn bị nhốt trong đoạn hầm không hề có ô-xy, ánh sáng.



Những hình ảnh về công tác cứu hộ vụ sập hầm.

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

Có mặt và tham gia công tác chỉ đạo cứu hộ tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định: Trong mọi trường hợp thì chủ đầu tư, nhà thầu là đơn vị chịu trách nhiệm chính về chất lượng công trình. Theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 6-2-2013 của Chính phủ thay thế NĐ 209/2004/NĐ-CP, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được đổi mới theo hướng quy định rõ về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, trong đó Bộ Công Thương quản lý chất lượng công trình thủy điện. Đồng thời, nghị định cũng quy định rõ về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình của các cơ quan chuyên môn về xây dựng thông qua việc thẩm tra thiết kế (tiền kiểm/kiểm soát chất lượng đầu vào) và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình của chủ đầu tư trước khi đưa vào sử dụng (kiểm soát đầu ra). Trong quá trình thực hiện thi công xây dựng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình, các nhà thầu chịu trách nhiệm về phần việc do mình thực hiện liên quan đến chất lượng công trình.

Như vậy, theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì sự cố sập kết cấu hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng là sự cố cấp 2 và UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân sự cố. UBND tỉnh có thể đề nghị Bộ Quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết (Điều 39 Nghị định 15/2013/NĐ-CP)

Theo ông Đỗ Đức Quân - Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Bộ Công Thương), trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng công trình đối với thủy điện Đạ Dâng thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng, trong đó hai sở Công Thương, Xây dựng là những cơ quan quản lý về chất lượng. Tuy nhiên, điều làm cho dư luận “bất ngờ” là các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm giám sát cho nhau. Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Cảnh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng công trình trên là của Sở Xây dựng. Còn ông Nguyễn Hữu Tâm - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, phân bua: “Chủ đầu tư giữ hồ sơ hết rồi. Sở Xây dựng đâu có hồ sơ nên đâu biết ông nào giám sát, ông nào thiết kế, ông nào thi công, chỉ biết mỗi chủ đầu tư là Cty Long Hội!”.

Có lẽ chính vì sự đùn đẩy trách nhiệm như vậy mà trước đây, vào tháng 4-2014, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra hiện trường và qua kiểm tra, Sở Xây dựng tỉnh đã kết luận hồ sơ quản lý chất lượng công trình của chủ đầu tư còn thiếu theo quy định. Thời điểm đó đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đơn vị thi công phải gia cố, xử lý theo quy định nhằm tránh xảy ra các sự cố trong quá trình thi công. Tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, cấp phát đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định; tuân thủ biện pháp thi công, các giải pháp về an toàn lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Nhưng chủ đã “bỏ ngoài tai” khiến tai nạn xảy ra?                          

Lê Kiên