Xả súng kinh hoàng tại Mỹ: Không loại trừ âm mưu khủng bố

Thứ sáu, 04/12/2015 08:02

(Cadn.com.vn) - Việc hai nghi phạm xả súng kinh hoàng ở California, Mỹ đã thiệt mạng đang khiến giới điều tra gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra động cơ gây án thật sự.

Trung tâm đào tạo người khuyết tật Inland Regional tại San Bernardino ở bang California hôm 2-12 (giờ địa phương) rơi vào hỗn loạn khi một người đàn ông và một phụ nữ - được trang bị súng trường - nổ súng liên tiếp nhằm vào các đồng nghiệp, giết chết 14 người và khiến 17 người khác bị thương.

Theo Reuters, hai nghi phạm được xác định là Syed Rizwan Farook, 28 tuổi cùng vợ Tashfeen Malik, 27 tuổi, bị bắn chết trong cuộc đọ súng với cảnh sát sau đó vài giờ. Cảnh sát trưởng San Bernardino, ông Jarrod Burguan cho biết, dường như không còn nghi can thứ 3.

Đặc nhiệm Mỹ truy lùng 2 nghi phạm xả súng ở San Bernardino, và bắn chết cả hai
trong vụ đọ súng sau đó. Ảnh: Reuters

Buổi tiệc đẫm máu

Vụ xả súng xảy ra khi Trung tâm Inland Regional đang tổ chức buổi tiệc trong khuôn viên tòa nhà. Nghi phạm Farook – một chuyên gia về môi trường làm việc trong cơ quan y tế công cộng địa phương – cũng tham dự bữa tiệc này.

Y rời khỏi đó rất sớm và sau đó bất ngờ trở lại cùng với Malik, xả súng điên cuồng vào những người tham gia buổi tiệc. Các nghi phạm cài lại một số thiết bị nổ, dường như là bom ống, tại hiện trường vụ thảm sát trước khi chạy trốn trên chiếc ô-tô thể thao đa năng (SUV). Cảnh quay truyền hình cho thấy, hàng chục con tin tháo chạy khỏi tòa nhà. Lực lượng phản ứng nhanh SWAT được triển khai và phong tỏa hiện trường vụ xả súng. Đội đặc nhiệm Mỹ mở cuộc truy lùng 2 nghi phạm này và bắn chết cả hai trong vụ đọ súng kinh hoàng sau đó vài giờ.

Syed Farook, sinh ra tại Mỹ, nhưng gia đình có nguồn gốc từ Nam Á. Y là chuyên gia giám sát kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các nhà hàng. Y cũng có nhiệm vụ kiểm tra các bể bơi công cộng tại các địa điểm như các tòa nhà chung cư... Hồ sơ cho thấy, gần đây nhất, Farook làm những công việc này là vào tháng 7, trong đó nhiều người nhận thấy, y không có bất kỳ điều gì khác thường. Trong khi đó, vợ y, Malik được cho là đến từ Pakistan và đã sống ở Saudi Arabia trước khi đến Mỹ.

Chưa rõ động cơ gây án

Cảnh sát trưởng Burguan cho biết, đây là vụ việc được lên kế hoạch rất kỹ càng, nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ động cơ gây án. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng xác nhận hiện vẫn chưa biết động cơ gây án là gì. Mặc dù vậy, giới chức Mỹ khẳng định không loại trừ đây là âm mưu của chủ nghĩa khủng bố. “Chúng tôi chưa xác định được động cơ gây án nhưng không loại trừ khả năng khủng bố”, ông Burguan nhấn mạnh. Khả năng về một âm mưu khủng bố càng được nói đến nhiều khi 2 nghi phạm đã cài nhiều quả bom tại hiện trường trước khi rời đi nhằm gây thương vong lớn. Cha của nghi phạm Farook cũng cho biết, con trai ông là một người Hồi giáo rất mộ đạo.

Đây là vụ bạo lực từ súng đẫm máu nhất ở Mỹ kể từ sau vụ thảm sát tại Trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut hồi tháng 12-2012, vốn khiến 27 người chết. Vụ xả súng lần này tiếp tục làm bùng lên những lo ngại về bạo lực súng và an ninh quốc gia trong sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa khủng bố trên khắp thế giới. Phát biểu trên kênh tin tức CBS News ngay sau vụ xả súng, Tổng thống Obama kêu gọi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cùng nỗ lực giải quyết tình trạng các vụ xả súng xảy ra liên tiếp tại nước này.

Khả Anh