Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ “hun khói” khu dân cư ?
Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ thuộc Cty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam nằm ngay trong khu dân cư khối phố Xuân Nam (khối 7 cũ, P. Trường Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam) với nhiều hoạt động chế biến, sản xuất đã gây ô nhiễm khói bụi cho khu dân cư lân cận. Nhiều năm qua, không chịu thấu mức độ ô nhiễm, người dân địa phương đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
XN LĐS Tam Kỳ nằm giữa khu dân cư nhưng chưa được di dời khiến người dân bức xúc. |
Mới đây, hàng chục hộ dân sống xung quanh Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ (XN LĐS Tam Kỳ) tiếp tục gửi đơn đến cơ quan báo chí cầu cứu. Theo nội dung đơn: XN LĐS Tam Kỳ đóng tại địa phương đã hơn 15 năm liên tục xả bụi gỗ, khí độc ra bên ngoài làm cho môi trường sinh sống của các hộ dân xung quanh ô nhiễm nặng nề, gây độc hại, làm phát sinh bệnh nan y cho nhiều người. “Xí nghiệp hoạt động cả ngày lẫn đêm, mùi hôi nồng nặc của khí thải, mùi sơn, PU len lỏi vào từng ngôi nhà làm cho khu dân cư thêm ngột ngạt, khó thở. Đã có nhiều người dân xung quanh xí nghiệp mắc bệnh ung thư, nhiều người đã chết. Trước thực tế trên, UBND P. Trường Xuân đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa dân và lãnh đạo xí nghiệp. Qua đó đại diện lãnh đạo xí nghiệp hứa đến đầu tháng 9-2019 sẽ không còn ô nhiễm; nếu khắc phục không được thì đến tháng 12-2019 sẽ hoàn thành việc di dời xí nghiệp ra khỏi khu dân cư.
Hết năm 2019 vẫn không di dời nên lãnh đạo xí nghiệp tiếp tục hứa đến tháng 3-2020 sẽ không làm công đoạn phun sơn, PU, đồng thời hợp đồng với các đơn vị đưa máy móc công nghệ vào xử lý để hạn chế bụi trong thời gian chờ di chuyển xí nghiệp đến địa điểm mới… Thế nhưng đến nay, xí nghiệp vẫn liên tục hoạt động bình thường, khói bụi nồng nặc, mùi sơn, PU lan tỏa khắp nơi. Qua đây chúng tôi kiến nghị công luận lên tiếng để XN LĐS Tam Kỳ dừng ngay các hoạt động có xả khí thải, khói bụi độc hại ra bên ngoài, nếu không phải di dời xí nghiệp đi nơi khác”- theo đơn người dân đề nghị.
Đơn phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm của XN LĐS Tam Kỳ. |
Bà Lê Thị Bích Thủy thông tin thêm, lúc xí nghiệp phun sơn, PU pha loãng với xăng phủ lên thanh gỗ bốc mùi lan ra khu dân cư. Nhiều người dị ứng với mùi chịu không nổi phải cửa đóng then cài. Không chỉ đối mặt thường xuyên với ô nhiễm tiếng ồn, không khí, các hộ sống gần khu vực nhà máy còn lo lắng về nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi tường rào bao bọc quanh xí nghiệp nằm lọt thỏm trong khu dân cư, lại không đảm bảo về khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, và thực tế xí nghiệp này đã xảy ra các vụ cháy.
Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống ống nhả khói từ trong nhà máy bay lơ lửng trên không trung, gặp gió bụi bám xuống nhà cửa, vườn cây của các hộ dân quanh khu vực cách xí nghiệp chỉ vài mét. Do đó việc một số hộ dân bức xúc là hoàn toàn chính đáng. Theo người dân, sở dĩ một thời gian dài họ sống chung với ô nhiễm vì hoạt động của nhà máy phần nào giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho thanh niên địa phương; nhưng gần đây mức độ ô nhiễm thêm nghiêm trọng nên một số người dân có kiến nghị tập thể lên UBND P. Trường Xuân. Sau khi có ý kiến của người dân, chính quyền địa phương có tổ chức họp, doanh nghiệp cam kết khắc phục hậu quả, song đến nay việc xử lý mùi, khói bụi vẫn chưa triệt để. Do không được xử lý triệt để nên thời gian qua, một số thanh niên địa phương bức xúc đã nhiều lần leo tường vào xí nghiệp gây rối, buộc xí nghiệp không được xả khí thải ra môi trường xung quanh. Sự việc trên ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương và tiềm ẩn nguy cơ xung đột dẫn đến xô xát giữa người dân và xí nghiệp…
Trước sự việc trên, chiều 3-12, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng - Giám đốc XN LĐS Tam Kỳ cho rằng, trước sự phản ứng của người dân, phía xí nghiệp đã nhiều lần gửi công văn lên TP Tam Kỳ và UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất di dời xí nghiệp lên Khu công nghiệp Thuận Yên (TP Tam Kỳ) để tránh tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên công văn gửi đi hơn 1 năm nhưng đến nay cấp trên chưa trả lời dứt khoát về việc này.
Trong khi đó, đại diện UBND TP Tam Kỳ cho biết, để dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm, xí nghiệp cần di dời nhưng di dời thì kinh phí hỗ trợ cho xí nghiệp quá lớn; địa điểm di dời xí nghiệp đến nơi mới cũng chưa thu xếp được. Do đó, trước mắt yêu cầu xí nghiệp không làm công đoạn phun sơn, PU cũng như đốt nguyên vật liệu bằng than, củi để hạn chế bay khói, bụi ra môi trường.
Để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại XN LĐS Tam Kỳ, chính quyền các cấp cần khẩn trương có phương án di dời cơ sở sản xuất của đơn vị này đến địa điểm phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường. Tình trạng trên tiếp tục kéo dài e rằng sẽ dẫn đến những xung đột và nguy cơ mất ANTT tại địa phương.
B.B