Xử lý vụ lật tàu trên sông Hàn: Truy cứu trách nhiệm đến từng cá nhân

Thứ ba, 07/06/2016 08:48

(Cadn.com.vn) - Tại cuộc họp khẩn ngày 6-6 nhằm giải quyết hậu quả vụ lật tàu du lịch trên sông Hàn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ truy vấn trách nhiệm từng sở, ngành đồng thời cho đình chỉ công tác ngay Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa và Đội trưởng quản lý bến Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì cuộc họp.

Truy trách nhiệm nhiều cơ quan

“Không thể tưởng tượng được một con tàu giấy tờ chưa đầy đủ, chở gấp đôi số người quy định, đối xử một cách cực kỳ cẩu thả và vô trách nhiệm, coi thường tính mạng con người mà vẫn ngang nhiên hoạt động” - ông Thơ đã nói vậy ngay tại đầu cuộc họp và chỉ đạo, ngay trong cuộc họp này phải tìm rõ trách nhiệm, vi phạm từ tập thể, cá nhân nào để xử lý. “Tôi nói trách nhiệm là cán bộ của mình chứ còn ông chủ tàu, lái tàu thì rõ rồi, không thoát được rồi, đáng tử hình thì tử hình, chung thân thì chung thân, tù 10 năm thì tù 10 năm. Vụ này phải làm thật nhanh, phải đưa ra xét xử sớm nhất, để cả năm là không được”- ông Thơ nhấn mạnh.

Khởi tố vụ lật tàu trên sông Hàn

Ngày 6-6, Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ lật tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn dẫn đến 3 người tử vong hôm 4-6. Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cho biết, việc khởi tố vụ án để điều tra theo điều 212 Bộ luật Hình sự tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Theo đó, Cơ quan CSĐT ngoài xem xét trách nhiệm của chủ tàu và lái tàu còn xem xét cả những cá nhân, tổ chức có liên quan. Riêng chủ tàu Võ Quốc Hùng và lái tàu Lê Công Trí, sau khi lực lượng biên phòng lấy lời khai hiện được bàn giao cho Cơ quan CA để thụ lý theo thẩm quyền.

Giám đốc Sở GT-VT Lê Văn Trung nói, trên cảng hiện quản lý 27 tàu đủ điều kiện kinh doanh du lịch và 3 tàu không đủ điều kiện trong đó có tàu Thảo Vân 2. Về quy trình xuất bến thì rất chặt chẽ, qua 4 bước, từ thuyền trưởng kiểm tra hồ sơ từng khách lên tàu, trình cảng vụ, cảng vụ kiểm tra đủ điều kiện báo cho Biên phòng và cho xuất bến. Riêng tàu Thảo Vân 2 nhiều lần đã bị xử lý hành chính, trong đó ngày 2-6 (trước tai nạn 2 ngày) đã bị áp tải về cảng không cho hoạt động nữa. Tuy nhiên do sơ suất của Cảng vụ đường thủy nội địa nên tàu này đã hoạt động chui, dẫn đến sự cố. Ông Trung cho biết sắp tới sở sẽ họp có quyết định xử lý từng cá nhân.

Về trách nhiệm của Bộ đội biên phòng, Đại tá Lê Văn Phúc - Chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng nói, BĐBP xin nhận trách nhiệm ở bước cuối cùng trước khi cho tàu xuất bến. Tuy nhiên ông Phúc cũng nói, văn bản quy định bước cuối cùng chỉ trình báo cho BĐBP, trong khi đó BĐBP không được kiểm tra, do đó biên phòng cảng chỉ làm nhiệm vụ cứu nạn là chính. Nhiệm vụ kiểm tra phải ra khỏi cửa biển. Song ông Phúc cũng nói sẽ điều tra cụ thể, nếu CBCS biết về con tàu này tình trạng như thế vẫn cho xuất bến sẽ kỷ luật nghiêm kể cả cho ra khỏi ngành.

Còn phía Cảnh sát giao thông, khi được hỏi trách nhiệm, Trung tá Đặng Hữu Tài- Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông đường thủy nói rằng 2 hôm trước khi tàu Thảo Vân 2 gặp nạn, trong cuộc họp với Sở GTVT ông đã có ý kiến ngay lập tức phải kéo tàu này lên bờ để tránh hoạt động chui vì không đảm bảo điều kiện. Sau đó con tàu này được giao cho biên phòng quản lý. Ông Tài cũng nói thẳng công tác quản lý tại bến còn nhiều sai sót, đồng thời khẳng định mình không hề trốn tránh trách nhiệm khi nói như vậy.

Sau phát biểu của Trung tá Tài, ông Thơ liền quay sang truy Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng Lê Sáu: “Trong ca trực hôm tàu Thảo Vân 2 xuất bến có mấy người, các anh làm việc gì để tàu xuất bến mà không biết”? Ông Sáu nói ca trực có 3 người, lúc tàu Thảo Vân 2 xuất bến thì 3 cảng vụ viên đang làm nhiệm vụ cho 6 tàu du lịch khác xuất bến. Ông Thơ lại hỏi: Bây giờ trách nhiệm của anh thế nào? Một con tàu to đùng như thế ngang nhiên đi khắp nơi, rồi đậu chỗ này, chỗ khác, vào cảng chất lên một lượng khách gấp đôi như thế thì lực lượng của mình ở đâu, làm cái gì, mà vẫn để nó ra ngoài bến. Thế thì theo anh, trách nhiệm của anh đến cỡ nào?

Ông Sáu tỏ ra lúng túng, nhận lỗi kiểm tra không hết, song lại cho biết phương tiện này (tàu Thảo Vân 2) không nằm trong quản lý của cảng vụ. Nghe thế, ông Thơ liền nói: Bến cảng này là tạm thời nhưng vẫn đầy đủ theo quy chế của cái bến. Cảng vụ được giao nhiệm vụ quản lý cái bến đó và quản lý tất cả những hoạt động liên quan đến thủ tục trước khi tàu xuất bến. Thế nhưng anh làm không tròn trách nhiệm, quản lý quá lỏng lẻo, để một phương tiện như vậy ra vào cập cảng, đón khách, chất lên cả lượng khách gấp đôi mà không hề hay biết, không hề có biện pháp xử lý kịp thời trước khi xuất bến. Việc này không phải diễn ra tích tắc mà cả quá trình đậu đỗ, bán vé, đón khách. Rõ ràng trách nhiệm của anh quá hời hợt.

Sau đó, ông Thơ quyết định đình chỉ chức vụ Giám đốc Cảng vụ của ông Sáu. Khi nghe Giám đốc Sở GTVT nói tại cảng có hai đơn vị, ngoài cảng vụ còn Đội quản lý bến nữa, ông Thơ liền cắt ngang, thông báo đình chỉ luôn chức vụ Đội trưởng đội quản lý bến của ông Nguyễn Công Hiệu. Sau khi đình chỉ chức vụ 2 cá nhân trên ông Thơ giao cho Giám đốc Sở GTVT  tìm người thay thế, sớm đưa Cảng vụ vào hoạt động quy củ, an toàn. Ông Thơ cũng yêu cầu Giám đốc Sở GTVT tự nhận hình thức kiểm điểm kỷ luật nào đó.

Đại tá Nguyễn Văn Chính - Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng cho biết, hiện công tác điều tra vụ việc đang được triển khai tích cực. Cơ quan CA đã hoàn thành khám nghiệm tử thi, ghi lời khai của 22 nhân chứng về quá trình liên lạc, mua vé, hình thức tàu vận hành... để lập hồ sơ, chứng cứ xác định trách nhiệm từng cá nhân. Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Chính, trong vụ việc này có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, CA sẽ tập trung làm rõ và có báo cáo cụ thể.

 Ông Lê Sáu vừa bị đình chỉ Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng.

Đừng mất bò mới lo làm chuồng

Ông Thơ nói chế tài với du lịch đường thủy không thiếu song quản lý bên dưới còn nhiều bất cập. TP mới có 27 chiếc tàu du lịch mà đã quản lý lúng túng như thế, sắp tới còn phát triển du lịch đường thủy trên sông Cu Đê, Túy Loan, Cổ Cò và trên các hồ, rồi quản lý thế nào? Vì thế, để không “mất bò mới lo làm chuồng” ông Thơ chỉ đạo sau vụ lật tàu là bài học xương máu này, các công tác quản lý nhà nước cần nhìn rộng hơn. Ông Thơ nói thêm, việc cần kíp ngay bây giờ phải khen thưởng những ngư dân, thợ lặn, đã đóng góp lớn trong công tác cứu hộ. Bởi chính những ngư dân trên tàu cá, tàu du lịch khác là những người đã cứu hộ cơ động, hiệu quả nhất.

Còn 7 nạn nhân đang điều trị

Trưa 6-6, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản – Nhi cho biết, hiện vẫn còn 7 nạn nhân trong vụ lật tàu trên sông Hàn vào tối 4-6 đang được điều trị. Theo đó, 3 nạn nhân (1 du khách nước ngoài) đang được các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục theo dõi. Tình hình sức khỏe, tâm lý có biến chuyển tích cực nhưng cần được theo dõi, điều trị thêm một thời gian.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Vân - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Phụ sản – Nhi), hiện còn 4 bệnh nhi trong vụ lật tàu đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại khoa Nhi hô hấp và khoa Nhi cấp cứu - Hồi sức tích cực, chống độc. “Có một trường hợp xin được chuyển về Bình Định điều trị trong sáng nay trên cơ sở đã được các bác sĩ khám, chẩn đoán tình hình sức khỏe đã ổn định. Hiện tại, các trường hợp còn lại đều đã ổn, sức khỏe tiến triển tốt”, bác sĩ Vân nói.

Trí Dũng

“Phải tập hợp các thợ lặn, ngư dân vào đội cứu hộ đồng thời phải tập huấn cứu hộ cho nhân viên các tàu du lịch, khi có tàu gặp nạn, loa thông báo ầm ĩ, các tàu này phải nhanh chóng ập đến cứu người. Đây là lực lượng cơ động, ứng phó nhanh nhất. Tàu mà chìm chỉ 5 phút là người chết, trong khi lực lượng chủ lực có nhanh nhất cũng phải 15 phút mới tới. Lúc đó tới chỉ để vớt xác chứ làm gì. Tôi nói đừng tự ái, biên phòng nhanh cỡ nào khi tới hiện trường thì người ta cũng chết rồi. Chúng ta chỉ có 2 phút hành động và không nhiều hơn được”- ông Thơ nói.

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Ngô Quang Vinh đồng tình với đề nghị của ông Thơ và cho rằng các tàu du lịch phải được trang bị tín hiệu báo nạn khẩn cấp, đồng thời khi xuất nên cho 2-3 tàu xuất một lúc để có điều kiện tương trợ nhau khi gặp nạn.

Đại tá Lê Văn Phúc cho rằng, cần loại bỏ ngay những tàu cá cải hoán thành tàu du lịch, bởi vì nó vừa không đảm bảo mỹ quan, không đảm bảo an toàn. Tàu du lịch phải được thiết kế chuyên dụng, không thể cải hoán từ tàu cá sang được. Riêng về việc cải hoán tàu cá thành tàu du lịch, TP đã có văn bản không cấp phép mới. Tàu Thảo Vân 2 gặp nạn cũng là một dạng tàu cải hoán, ai cũng hiểu con tàu nhỏ như vậy, thiết kế sàn trên tầng 2 rồi đưa hết khách lên. Đặc thù khách du lịch họ nghiêng bên nọ, bên kia để chụp hình, tàu sẽ lắc, chòng chành, sớm muộn cũng sẽ lật.

Chủ tịch TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo, tạm dừng tất cả hoạt động du lịch đường thủy trên sông Hàn để rà soát chất lượng, điều kiện của tất cả các tàu du lịch, đảm bảo đủ điều kiện mới cho hoạt động lại.

Hải Hậu

Công ty CP Trung Nam hỗ trợ gia đình các nạn nhân 30 triệu đồng

(Cadn.com.vn) - Chia sẻ nỗi đau với gia đình có thân nhân tử nạn trong vụ lật thuyền trên sông Hàn, chiều 6-6, đại diện lãnh đạo Công ty CP Trung Nam (tầng 7, KS One Opera DN, 115-Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) đã đến Tòa soạn Báo Công an TP Đà Nẵng trao số tiền 30 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình 3 nạn nhân tử vong là ông Phạm Tấn Cường (1970, trú  tỉnh Bình Định) và 2 chị em ruột Trịnh Kim Phượng (2009), Trịnh Huy Hoàng (2012, cùng trú tỉnh Thái Nguyên), mỗi trường hợp 10 triệu đồng. Thượng tá Nguyễn Đức Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Công an TP Đà Nẵng chân thành cảm ơn tấm lòng nhân ái của lãnh đạo Công ty CP Trung Nam và cho biết sẽ chuyển ngay số tiền này đến gia đình các nạn nhân.

Đại diện Lãnh đạo Cty CP Trung Nam trao tiền hỗ trợ các nạn nhân cho đại diện Lãnh đạo Báo Công an TP Đà Nẵng. Ảnh: T.H

Thanh Hoa

Khen thưởng ngư dân phát hiện thi thể anh Cường

Ngày 6-6, UBND P. Thuận Phước (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) phối hợp với Trạm Biên phòng cửa khẩu Cảng sông Hàn thưởng nóng cho nữ ngư dân Nguyễn Thị Bé (1974, trú Phòng 210, chung cư 2, Tổ 39, P. Thuận Phước, Q. Hải Châu) và biểu dương anh Đỗ Chính (chồng chị Bé), anh Nguyễn Xuân Hà (người thân chị Bé) vì đã phát hiện, cứu vớt thi thể anh Phạm Tấn Cường (1970, quê Bình Định) nạn nhân trong vụ lật thuyền du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn tối 4-6.

Trước đó, lúc 14 giờ ngày 5-6, chị Bé điều khiển thuyền đánh cá mang số hiệu DNa 07179 trên khu vực vịnh Đà Nẵng để đánh cá, khi đến đoạn gần cầu Phú Lộc thì phát hiện thi thể anh Cường. Chị điện báo cho chồng và người thân là anh Hà ra trợ giúp, đồng thời chị Bé cũng điện báo lãnh đạo UBND P. Thuận Phước và Ban chỉ huy Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng sông Hàn.

Lãnh đạo UBND P. Thuận Phước và Trạm Biên phòng cửa khẩu Cảng sông Hàn thưởng nóng cho chị Bé.

A.T

Thưởng nóng tài xế cứu giúp hành khách tàu Thảo Vân 2

Chiều 6-6, Công ty CP vận tải và dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa (TP Đà Nẵng) đã thưởng nóng cho tài xế Trần Ngọc Sơn vì đã trả lại tài sản và tự nguyện chở nạn nhân trong vụ lật tàu trên sông Hàn đi cấp cứu. Vào tối 4-6, anh Trần Ngọc Sơn tự nguyện chở miễn phí tiến sĩ Ong Tah Fatt (Trường đại học Mara, Malaysia) – hành khách trên tàu Thảo Vân 2 đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng hôn mê. Khi quay về, anh Sơn phát hiện trên xe có một túi xách, bên trong chứa nhiều tiền, thẻ ATM, giấy tờ tùy thân nên trình báo với công ty. Sau đó lãnh đạo Công ty CP vận tải và dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa trực tiếp đến tận Bệnh viện Đà Nẵng để trao giấy tờ tùy thân, tài sản cho tiến sĩ Ong Tah Fatt.

Lãnh đạo Công ty CP vận tải và dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa khen thưởng cho tài xế Trần Ngọc Sơn.

H.A