Xứ sở “tắc”, “hò”, “rì”

Thứ hai, 03/03/2014 08:25

(Cadn.com.vn) - Vừa đến vùng  “thâm sơn, cùng cốc”  Hướng Linh, H. Hướng Hóa (Quảng Trị), vị trưởng thôn tốt bụng mời khách ở lại thôn Cốc, ngay chính nhà mình và  không quên lời hứa dẫn khách du hí trên những  “phương tiện giao thông” biết nghe lời chủ.

CON TRÂU LÀ ĐẦU… PHƯƠNG TIỆN

Thôn Cốc là thôn xa nhất của dự án tái định cư thủy điện lòng hồ Rào Quán. Khi thủy điện này tích nước, những hộ dân chuyển vào đây sinh sống từ năm 2007. Cung đường vào Cốc làm ngán ngẩm những tay lái thích kiểu địa hình. Nói chung, đường bị xé tan hoang bởi những cơn  mưa rừng làm trơ ra đá cuội. Và chốc chốc, bên bụi bờ lại xuất hiện những “chú” xe đeo lục lạc và dây mũi băng ngang mà không cần xi- nhan, xi-nhiếc gì cả.

Vị trưởng thôn trẻ Hồ Văn Du ( 1985) vừa cưới vợ, ra riêng kể về cái khổ của bản làng bằng ngay chính hoàn cảnh của mình: “Ra riêng bố mẹ cho dựng cái nhà. Vật liệu thì mua ở chợ huyện, cái gì tận dụng được thì vào rừng thôi. Nhưng đưa được về bản làng thì cần phải huy động đến dàn trâu kéo suốt một tháng ròng rã”. Du là người đi tiên phong trong bản làng về vấn đề làm nhà kiên cố bằng bê-tông cốt thép. Đi khắp bản chỉ có ngôi nhà vừa hoàn thành xong phần móng của anh là nức mùi xi-măng.

Anh bảo: “Gỗ lạt bữa nay hiếm rồi, mà khai thác một cách ồ ạt để làm nhà thế thì còn gì núi rừng nữa. Đánh liều ra tận chợ huyện cách vài chục cây số để bê vào. Lúc đầu đi xem đường, bác tài xe tải vật liệu lắc đầu nguầy nguậy than rằng không thể được, mà có được thì phải đổ ở đường cái chứ vào đây thì chờ vài năm nữa. Nhưng nhờ đàn trâu kéo thuần thục của bản làng mà cả núi vật liệu to tướng chuyển vào. Dân bản thấy vậy ai cũng mừng rỡ vì chỉ vài tháng nữa thôi họ biết ở cái nhà này khác cái nhà sàn bằng gỗ như thế nào”.

Chỉ có sức trâu mới đưa được những thớ gỗ từ rừng về dựng cái nhà sàn.

Bố của Du là ông Hồ Văn Oi (1953) là một tay huấn luyện trâu chuyên nghiệp của bản. Ông bảo: “Tôi có hai con trâu đực kéo vật liệu hay gỗ lạt khá tốt. Ở đây mọi thứ vượt qua sức người đều chuyển qua sức trâu cả. Anh thấy đó, đường sá kiểu này thì có con trâu sắt nào lội nổi chứ”.

Với địa hình đặc biệt, những hộ dân ở đây xem phương tiện và là công cụ hữu ích của mình là những con trâu. Phần lớn thôn bản nhà nào cũng gầy dựng cho mình một đội trâu kéo chuyên nghiệp. Nhà ít thì một hai con, nhà nhiều đến cả chục là chuyện thường.

Nói về phương tiện đặc biệt được nhiều người sử dụng, dân bản giải thích rằng có nhiều điều lợi từ việc này. Thứ nhất, địa hình đặc biệt nên không một phương tiện cơ giới nào có sức bền để tồn tại, thời gian trước đây khi xe công nông còn thịnh hành cũng chỉ hoạt động được vài ba bữa rồi chất ở xó vườn. Thứ hai, trâu nuôi để lấy sức kéo ngoài ra còn cho một lượng phân bón rất lớn để cung cấp cho nương rẫy. Càng nuôi chúng càng lớn mà những con trâu kéo đạt được đỉnh cao về sức khỏe hay kỹ thuật là một khối tài sản lớn để làm những việc quan trọng hơn.

Nói đoạn, ông Oi dẫn khách đi quanh bản làng bằng con trâu của mình. Nghe ông bảo thương lái ở đồng bằng lên thấy trâu của ông quá thích, thế là ngã giá rất cao hằng quyết tâm mua bằng được “phương tiện” đặc biệt này. Nhưng có trả đến đâu, ông đều lắc đầu vì ông nuôi nó từ khi chưa rời mẹ và xem nó như một thành viên đắc lực trong gia đình. Biểu diễn kỹ năng điều khiển ông hồ hởi: “ Thấy cái xe của tôi có tốt không, biết vâng lời chủ. Này nhé, tắc là đi thẳng, rì là rẽ trái hay rẽ phải (tùy vào tay điều khiển) hò là dừng lại. Bảo thế nào đi thế đó. Chắc dưới miền xuôi không có loại xe nào như vậy đâu nhỉ”. Rồi cười khà khà đắc chí vì con trâu hiền lành biết ý chủ.

“Vua trâu” Hồ Văn Oi cùng con trai huấn luyện một con trâu khó tính.

KỸ NGHỆ… “TẮC, HÒ, RÌ”

Để có được những con trâu kéo biết vâng lời chủ, những “nài trâu”  phải mất khá nhiều thời gian để huấn luyện. Trâu nghé từ khi rời mẹ đến hai năm tuổi bắt đầu tập tành. Ban đầu, những người huấn luyện phải tập cho trâu biết phân biệt và quen dần với những âm thanh lạ. Nghe bảo trâu sợ nhất là tiếng động phía sau lưng nó, hễ nghe tiếng động là nó bắt đầu bỏ chạy, mà đã chạy là lọt thỏm vào những cánh rừng âm u phía cuối bản, phải mất công lắm mới tìm ra chúng, có khi mất hút.

Vì vậy, điều đầu tiên những tay nài trâu chuyên nghiệp ở đây làm là tạo ra tiếng động phía sau, có thể dùng nhành cây kéo giữa đường để tạo tiếng xào xạc của gió, dùng nồi nhôm đánh dồn dập, hay dắt theo chó để chúng vừa đi vừa sủa dồn. Nhưng theo ông Oi, trâu ở các bản làng sợ nhất là âm thanh của động cơ như xe máy, ô-tô, máy nổ. Đã có lần người Kinh ở thị trấn mua phế liệu gặp mùa mưa, không phương tiện nào có thể đi được, bất đắc dĩ họ phải thuê trâu của ông kéo ra. Đi đường rừng thì trâu tỉnh như không, nhưng ra đến đường lộ thì bắt đầu ngó ngang ngó dọc, nghe tiếng nổ giòn tai là chúng ba chân bốn cẳng chạy tít.

Sau khi trâu kéo đã quen với tiếng động, họ bắt đầu tập cho trâu biết phía sau mình là sức nặng. Khối lượng dần tăng lên lúc đầu một vài tạ cho đến con số tấn. Trong cái làng này, ông Oi được mệnh danh là “Vua trâu” vì những con trâu mà ông đã chọn và huấn luyện thì con nào cũng có sức kéo vô địch, con khỏe nhất có thể kéo 3,5 tấn trên đường, ngang với “trâu sắt” có đeo biển số.

Con trâu bây giờ vô địch ở bản được ông Oi đặt cho cái tên là A Mu. Lúc nhỏ, bằng con mắt nhà nghề ông đã biết nó sẽ là một con trâu khỏe khi nhìn vào xoáy đầu và nhất là bốn bắp chân của nó, đốt nào ra đốt nấy. Ông cũng biết rằng đây sẽ là con trâu khó dạy bảo vì có một xoáy ngược rất lạ kỳ. Đúng như dự đoán, tính của nó ngổ ngược, khi đưa vào tập thì bắt đầu nóng tính không chịu khuất phục chủ nhân và có khi còn đánh phạch làm ông ngã chỏng chơ.

Không còn cách nào khác, ông đánh liều tập trâu kéo dưới khu ruộng lầy nhất của bản, khi đó nó có muốn chạy thì cũng không thể vì bùn ngập đến bụng. Nhưng với những người huấn luyện trâu chuyên nghiệp thì khó nhất là tập tành cho trâu loại thả rông vào rừng, sau đó sinh con đẻ cái, nó hoàn toàn hoang dã, thấy người là lập tức lao thẳng vào như đối thủ của nó vậy. Vì thế, những chủ nhân của nó phải nhờ đến những tay nài chuyên nghiệp với một mâm lễ tạ và số tiền công hậu hĩnh.

Người dân ở đây xem trâu như là một biểu tượng của sức mạnh và được thần thánh hóa, chính vì vậy trước khi huấn luyện phải có một mâm lễ để cúng thần trâu và sau khi hoàn thành khóa huấn luyện phải có một mâm lễ khác để tạ ơn thần trâu và thần rừng. Nhất là cầu mong cho cả trâu lẫn người khi đi rừng kéo gỗ lạt không bị tai nạn, trâu luôn khỏe mạnh chả ốm đau gì cả.

Tính ra, chuyện thuần phục trâu kéo đã có từ lâu đời. Nhưng để đạt đến đỉnh như kiểu biết dưỡng sức để đi đường dài, tự biết đường mà đi,  gặp những nơi hóc hiểm xe kéo sa xuống vực thì quỵ xuống làm điểm tựa để chủ nhân cứu vớt như vậy thì chỉ có ở xứ sở của những phương tiện “tắc, hò, rì”.

Bùi Đức Tú