An toàn vệ sinh thực phẩm: Còn đó nhiều nỗi lo!

Thứ sáu, 01/08/2014 08:01

(Cadn.com.vn) - Còn rất nhiều nỗi lo, thách thức trong công tác đảm bảo ATVSTP là một trong những nội dung chính được đề cập tại hội nghị sơ kết công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) 6 tháng đầu năm 2014 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới do Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP TP Đà Nẵng tổ chức chiều 31-7.

Mỗi ngày, chợ Đầu mối Hòa Cường nhập hàng chục tấn rau củ quả từ các nơi về, trong đó có Trung Quốc. 

Không xảy ra ngộ độc thực phẩm

Nhờ sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành, cùng với ý thức của người dân trong việc đảm bảo VSATTP được nâng lên nên trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn TP không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Các sự cố về ATTP trong địa bàn cả nước như gừng Trung Quốc nghi nhiễm Aldicard, Chlorpyrifos; bún nghi nhiễm Tinopal, acid Oxalic; khô mực giả, dăm bông có đường hóa học Cyclamate... đều không có mặt tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều nỗi lo do một số người ý thức trách nhiệm chưa cao, đã vi phạm những quy định về VSATTP và công tác giám sát những người hành nghề buôn bán hàng rong gặp nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn thành phố đã thanh kiểm tra 4.258 cơ sở, số vi phạm 675 cơ sở (chiếm 15,9%), cảnh cáo 493 cơ sở, phạt 182 cơ sở với tổng số tiền hơn 336,6 triệu đồng.

Bác sỹ Nguyễn Út–Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP thành phố cho biết: Hiện chưa thống kê, đánh giá đầy đủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của từng ngành nên việc quản lý chưa đầy đủ, chặt chẽ và hiệu quả.

Một số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, hộ tiểu thương còn chạy theo lợi nhuận làm cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP xâm nhập, len lỏi vào thị trường. Việc quản lý và cấp giấy chứng nhận cho đối tượng dịch vụ ăn uống theo tính chất gia đình (dưới 3 người), phục vụ chủ yếu ngoài giờ (chủ yếu hộ nghèo, khó khăn, thuê chỗ tạm kinh doanh...) chưa được cấp giấy chứng nhận kinh doanh.

Cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc quản lý những người bán hàng rong.

Chưa phản ánh đầy đủ mức độ ATTP trong giám sát

Ngành NN&PTNT đã phối hợp với các cơ quan thực hiện lấy mẫu phân tích một số chỉ tiêu về ATTP ngành hàng rau quả củ từ năm 2012 đến nay với kết quả cụ thể: năm 2012, kiểm tra 94 mẫu, trong đó 14/25 mẫu nhiễm vi sinh E.coli, 54/54 mẫu không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 04/19 mẫu tồn dư Nitrat, 19/19 mẫu không phát hiện kim loại nặng, 54/54 mẫu (30 mẫu trái cây và 24 mẫu rau) không phát hiện chất bảo quản.

Năm 2013, kiểm tra 58 mẫu, trong đó 17/34 mẫu nhiễm vi sinh E.coli, 35/35 mẫu không phát hiện thuốc bảo vệ thực vật, 01/9 mẫu (bơ) phát hiện hoạt chất bảo quản Ethephon, 15/15 mẫu gừng và khoai tây từ Trung Quốc không phát hiện hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật theo phản ảnh từ các phương tiện thông tin đại chúng. 6 tháng đầu năm 2014, kiểm tra 7 mẫu (5 mẫu rau và 2 mẫu quả tại chợ đầu mối Hòa Cường), 5/5 mẫu không phát hiện nhiễm vi sinh Salmonela, 2/7 mẫu (quả nho và táo) có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật nhưng ở mức thấp hơn so với giới hạn tối đa cho phép.

Như vậy, sản phẩm rau củ quả nhiễm vi sinh vật (E.coli) với tỉ lệ khá cao (50-56%). Về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không phát hiện hoặc có tồn dư nhưng nằm trong giới hạn cho phép, không phát hiện kim loại nặng, chất bảo quản trong sản phẩm rau củ quả. Đối với sản phẩm nhập từ Trung Quốc, qua lấy mẫu kiểm tra tại chợ đầu mối Hòa Cường với 8 mẫu gừng không phát hiện dư lượng của hoạt chất bảo vệ thực vật Aldicard, 7 mẫu khoai tây không phát hiện chất bảo vệ thực vật.

Mẫu trái cây từ Trung Quốc có 2/6 mẫu kiểm tra có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng nằm trong mức giới hạn cho phép, các mẫu còn lại không phát hiện. Tuy nhiên, số lượng mẫu kiểm tra so với sản phẩm hằng ngày cung cấp còn quá thấp, vì vậy chưa phản ánh đầy đủ mức độ ATTP trong giám sát.

Theo ông Lê Công Hồ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về quản lý ATTP tại chợ đầu mối nông sản vì vậy việc thực hiện quản lý chỉ mang tính triển khai mô hình. Các sản phẩm nguồn gốc từ thực vật (rau, củ, quả) nhập từ các nơi  về với lượng rất lớn tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát chỉ mới thực hiện bước đầu, với số mẫu kiểm tra, giám sát rất nhỏ, chưa thực hiện lặp lại số mẫu qua quan sát tại một số cơ sở hoặc giám sát mẫu theo chuỗi cung ứng, chưa đủ điều kiện đánh giá mức độ ATTP của sản phẩm nhập về từ các tỉnh thành cũng như sản phẩm nhập khẩu.

Việc cập nhật, bổ sung quy định về chất cấm sử dụng trong sản xuất, sơ chế, bảo quản chưa được kịp thời, đặc biệt là chất bảo quản trái cây, chất kích thích sinh trưởng... gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý. Đối với việc lấy mẫu giám sát, thông thường phải gửi đi các trung tâm có chức năng phân tích mẫu. Từ khi gửi mẫu phân tích cho đến khi có kết quả kiểm tra từ 5-10 ngày, do vậy việc lấy mẫu chỉ mang tính quan sát, không thể ngăn chặn tiêu thụ sản phẩm này.

Ông Lê Công Hồ cho rằng: Về lâu dài, đề nghị thành phố đầu tư một trạm giám sát ATTP tại chợ với một số trang thiết bị kiểm tra nhanh, phục vụ giám sát thuốc bảo vệ thực vật cũng như giám sát ô nhiễm vi sinh nhằm kịp thời cảnh báo cho các cơ sở kinh doanh đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng rau quả không đảm bảo ATTP.

T.Dũng