Anh sẵn sàng “ly hôn” với EU

Thứ hai, 27/03/2017 08:46

(Cadn.com.vn) - Hàng ngàn người tuần hành khắp thủ đô London, biểu tình phản đối Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), ngay trước thềm Thủ tướng Theresa May phát động tiến trình chính thức rời khối này.

Anh đang đứng trước thách thức khó nhằn và kéo dài chưa từng thấy vào ngày 29-3 tới, thời điểm nước này có bước đi chính thức đầu tiên cho việc rời khỏi EU - còn gọi là Brexit – mở màn quá trình “ly hôn” kéo dài 2 năm với liên minh này.

 29-3 – ngày quyết định

Thủ tướng May khẳng định sẽ đưa Anh rời EU sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016 và sẽ chính thức bắt đầu quá trình 2 năm để ra khỏi liên minh này vào ngày 29-3 tới. Trong lá thư chính thức Thủ tướng May gửi đến Chủ tịch EU Donald Tusk, Anh tuyên bố sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để rời liên minh này.

EU dự kiến sẽ đưa ra phản hồi đầu tiên vào cuối tuần này trước khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 29-4 để thông qua các hướng dẫn cho các cuộc đàm phán Brexit. Các cuộc đàm phán Brexit sẽ không bắt đầu cho đến ít nhất 3 tuần sau đó. Hiện nay, mọi việc căng thẳng khi hàng chục ngàn người tuần hành xuống đường phố London để phản đối Brexit. Theo AFP, cuộc tuần hành “Đoàn kết vì Châu Âu”, bắt đầu từ hôm 25-3, kết thúc với cuộc mít-tinh ở Quảng trường Quốc hội, nơi tên Khalid Masood tấn công làm 4 người thiệt mạng. Trong khi những người ủng hộ Brexit hối thúc Thủ tướng May đẩy nhanh tiến trình rời EU, những người ủng hộ EU rất lo ngại. “Hãy dừng sự điên rồ này lại!”, người biểu tình giơ cao biểu ngữ.

Khó khăn càng chồng chất lên vai Thủ tướng May khi Quốc hội Scotland sẽ bỏ phiếu ủng hộ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi Vương quốc Anh vào ngày mai (28-3). Người Scotland đã từng bỏ phiếu chọn ở lại EU, nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh hồi năm 2016, 52% người ủng hộ chấm dứt “cuộc hôn nhân không tình yêu” đã kéo dài hơn 4 thập kỷ qua. Điều này khiến Scotland phật ý và giờ họ muốn độc lập khỏi Anh để gia nhập EU.

Biểu tình phản đối Brexit ở thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP

Nhiều hệ lụy

Giới phân tích cho rằng, tiến trình “ly hôn” giữa Anh và EU sẽ gây ra nhiều hệ lụy sâu rộng về chính trị, kinh tế và cả pháp lý đối với nước này cũng như toàn bộ EU. Đây cũng sẽ là tiến trình rất phức tạp vì liên quan nhiều bên và hàng loạt vấn đề khác nhau. Không chỉ thảo luận về các điều khoản việc Anh ra khỏi EU, hai bên còn phải định hình mối quan hệ song phương trong tương lai. Đây được coi là ưu tiên hàng đầu mà các nhà đàm phán Anh và EU hướng tới sau khi London kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon.

Thủ tướng May đã nói sẽ đáp ứng yêu cầu chính của chiến dịch Brexit - cắt giảm số lượng người nhập cư EU sang Anh - lên đến hàng trăm ngàn người mỗi năm - và sẽ phải kéo London ra khỏi thị trường chung Châu Âu. Nhà lãnh đạo Anh cũng ủng hộ việc “dọn dẹp sạch sẽ” những gì liên quan, nhưng cũng mong muốn có một “giai đoạn thực hiện” giúp giữ nguyên hiện trạng giữa London rời EU. Nước Anh có thể sẽ rời thị trường chung Châu Âu, đồng thời áp đặt những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cư từ EU. Hai bên cũng có thể buộc phải sử dụng luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để hạn chế tình trạng áp thuế trên diện rộng.

Và khi thời gian đếm ngược bắt đầu, nhiều người lo ngại các cuộc đàm phán sẽ bị phá vỡ và Anh sẽ bị buộc phải rời khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào định hình mối quan hệ cũng như về các điều khoản “ly hôn”. Đây là kịch bản mà giới phân tích rất lo ngại – “Brexit cứng”.

Khả Anh