Anh trấn an thế giới sau “cơn địa chấn” Brexit

Thứ ba, 28/06/2016 08:42

(Cadn.com.vn) - Giữa những dự báo về một cơn sóng thần kinh tế thời hậu Brexit, chính phủ Anh đang cố gắng trấn an các nước và chính họ trong bối cảnh chờ làm thủ tục ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

“Bụi phóng xạ” Brexit tiếp tục lan rộng khắp thế giới. Khi thị trường toàn cầu mở cửa vào ngày 27-6, đồng bảng Anh trở lại quỹ đạo giảm điểm do nhà đầu tư tiếp tục gánh chịu những tác động nghiêm trọng từ cuộc bỏ phiếu lịch sử của nước Anh. Chỉ số FTSE chuẩn ở London giảm 0,5% trong phiên giao dịch. Đồng bảng Anh tiếp tục giảm hơn 2% so với đồng USD. Tại phiên đóng cửa, thị trường chứng khoán Châu Á trở nên hỗn loạn.

Trong bối cảnh có những dự báo về một cơn sóng thần kinh tế thời hậu Brexit, giới chức Anh bất ngờ tuyên bố, nền kinh tế Anh vẫn vững mạnh.

Nhiều người dân vẫn bàng hoàng và tiếc nuối khi Anh rời EU. Ảnh: THX

Nền kinh tế Anh vẫn vững mạnh?

Trước khi thị trường Châu Âu mở cửa giao dịch vào sáng 27-6, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne lên tiếng trấn an khi cho rằng, nền kinh tế nước này vẫn vững mạnh để ứng phó với thách thức ở phía trước.

Theo ông, Brexit sẽ làm tổn thương kinh tế và tài chính của Anh, nhưng chính phủ nước này sẽ nỗ lực để hướng đến một cuộc chuyển đổi suôn sẻ. “Nền kinh tế chúng ta gần như vẫn vững mạnh để đương đầu với thách thức đang phải đối mặt”, ông nhấn mạnh đồng thời khẳng định, chính phủ sẽ không vội vàng làm thủ tục “ly hôn”. Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng kể từ sau Brexit, ông Osborne cũng cho biết, chính phủ đã triển khai các kế hoạch đối phó với những tình huống bất ngờ để giải quyết hậu quả của cuộc trưng cầu dân ý.

Bộ trưởng Osborne cho biết đã có cuộc tiếp xúc với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney, những người đồng cấp Châu Âu, các thống đốc ngân hàng trung ương và giám đốc quản lý Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)…Tuy nhiên, quyền Tổng Giám đốc Phòng Thương mại Anh Adam Marshall nói rằng, các doanh nghiệp muốn có thời gian biểu rõ ràng về vấn đề Brexit. “Trong khi chính phủ vẫn thận trọng trì hoãn bắn loạt súng mở màn cho các cuộc đàm phán với EU, các doanh nghiệp muốn có thời gian biểu rõ ràng và hành động đồng thời để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Marshall nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron cho đến nay vẫn chưa kích hoạt cơ chế điều 50 Hiệp ước Lisbon để rời khỏi EU. Trong khi đó, phía EU cũng khẳng định sẽ không có cuộc thảo luận “không chính thức” nào với Anh trước khi London khởi động các thủ tục chính thức về vấn đề này.

Cơn địa chấn kinh tế toàn cầu

Cú sốc Brexit vẫn đang phủ bóng khắp Châu Âu và cả thế giới, nhất là đối với nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Thiên Tân, Trung Quốc hôm 27-6, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường cho rằng, tác động Brexit được cảm nhận trên toàn thế giới, làm tăng bất ổn đối với kinh tế toàn cầu và khiến quá trình phục hồi kinh tế gặp nhiều khó khăn. Ông Lý Khắc Cường cũng nhắc lại mong muốn của Trung Quốc là được thấy một EU đoàn kết, ổn định và một nước Anh thịnh vượng đồng thời cho rằng, sự ổn định cho cả EU và Anh là yếu tố quan trọng để vực dậy nền kinh tế toàn cầu. Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi các nỗ lực chung để khôi phục lòng tin đối với nền kinh tế toàn cầu sau cú sốc Brexit.

Việc một quan chức cấp cao Trung Quốc trực tiếp bình luận về vấn đề nội bộ của các nước khác như thế này là rất hiếm. Vì vậy, phát biểu trên của Thủ tướng Lý Khắc Cường phản ánh phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và nghiêm trọng của vấn đề Brexit đối với các nước EU - đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Trên thực tế, bất kỳ sự bất ổn kéo dài nào ở các nước EU cũng gây ảnh hưởng đến Trung Quốc khi nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc giảm mạnh, gây ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp vốn tạo hàng triệu công ăn việc làm. Ngày 27-6, đồng NDT của Trung Quốc sụt giá xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12-2010.

Thật sự, đối với nước Anh, EU và cả thế giới, Brexit là một thảm họa. Vì vậy, ưu tiên của giới lãnh đạo EU hiện nay là ngăn chặn hiệu ứng domino của Brexit. Hôm 27-6, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các nước “cần phải ngăn chặn các quốc gia khác đi theo con đường của Anh”.

Khả Anh

Vì sao nhiều người Châu Âu không thích EU?

Tờ Washington Post của Mỹ hôm 27-6 đã có bài viết nhận định nguyên nhân vì sao một số người Châu Âu có thái độ tiêu cực với EU.

Theo đó, tờ báo này đã đưa ra 7 lý do quan trọng. Thứ nhất là phải trả tiền quá nhiều cho các quan chức Châu Âu. Tờ Telegraph cho biết, nhiều nhân  viên cấp trung ở EU nhận lương còn cao hơn Thủ tướng Anh David Cameron. Thứ hai là những chuyến công du hội họp tốn kém. Các chi phí duy trì hoạt động của Nghị viện Châu Âu ước tính 200 triệu USD/ năm. Thứ ba là các chỉ tiêu thường quá xa vời. Thứ tư là sự thiếu trách nhiệm và minh bạch khi các quyết định quan trọng được thực hiện sau những cánh cửa khép kín dù đó là bên trong Ủy ban Châu Âu (EC) hay tại các cuộc họp của EU. Thứ năm là EU thường phớt lờ các đề xuất ý kiến của cử tri khi luôn bằng mọi cách để thông qua một vấn đề nào đó dù bị cử tri bác bỏ. Thứ sáu là lượng tiền rất lớn cho phiên dịch viên. EC cho biết họ sử dụng 1.750 nhà ngôn ngữ học, 600 phiên dịch toàn thời gian và 3.000 dịch giả tự do.  Và thứ bảy là tình trạng quan liêu quá mức.

T.Linh