Ký sự Trường Sa...

Bài 2: Nơi ấy là đảo xa

Thứ năm, 08/06/2017 09:23

* Bài 2: Nơi ấy là đảo xa

Đảo Đá Lát kiêu hùng     

(Cadn.com.vn) - Kết thúc một ngày, một đêm trên biển với giấc ngủ chập chờn, đến chiều muộn ngày thứ hai, đảo Đá Lát hiện ra trước mặt. Đá Lát đón chúng tôi với hình ảnh kiêu hùng của Tổ quốc. Lính đảo đón chúng tôi bằng những cái bắt tay thật nồng ấm và nụ cười thân thiện. Viết vào sổ lưu niệm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí bày tỏ xúc động khi chứng kiến những khó khăn, gian khổ, hy sinh, thiệt thòi; khâm phục bản lĩnh, tình yêu với quê hương đất nước của cán bộ và chiến sĩ trên đảo. Sau chuyến đi này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu hơn để chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng cả nước sẻ chia khó khăn của quân và dân đang công tác và sinh sống nơi những đảo xa.

Đoàn công tác lên đảo Đá Lát.

Ở đây, chúng tôi bất ngờ gặp đồng hương Đà Nẵng, chiến sĩ Đặng Văn Hữu, đang bồng súng đứng gác trên điểm cao của đảo. Hữu quê Nghệ An, có gia đình sinh sống tại P. Nại Hiên Đông, Sơn Trà. Anh ra đảo được năm rồi. Nhớ nhà, nhớ vợ con lắm, nhưng nhiệm vụ chưa phút nào lơ là. Gặp người thành phố ra, anh mừng quá. Biết chuyện, đồng chí Võ Công Trí đã đến thăm hỏi, động viên. Sau khi đi một vòng khu nhà lâu bền trên đảo, xúc động trước điều kiện sinh hoạt của lính đảo, ngoài phần quà của thành phố, ông còn bảo thư ký bỏ bì thêm 10 triệu đồng tặng cán bộ chiến sĩ trên đảo và 2 triệu đồng cho Hữu.

Hát Quốc ca trên Trường Sa lớn

Rời Đá Lát, chúng tôi lên tàu hướng về Trường Sa lớn. Đảo đón chúng tôi bằng lễ chào cờ và diễu hành trang trọng. Chỉ khi vượt qua hành trình hàng trăm hải lý; chỉ khi chạm vào Trường Sa, và chỉ khi khúc Tiến quân ca được cất lên bởi chính quân và dân trên đảo Trường Sa lớn, bằng chất giọng thô ráp của nắng gió đại dương, ngay trên đường băng và cũng là quảng trường lớn của đảo, ta mới cảm nhận sự linh thiêng của hai từ Tổ quốc.

Những năm gần đây, đảo Trường Sa lớn đã có bước phát triển vượt bậc, trong đó, ngoài kết cấu hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa như trường học, trạm xá, nhà lưu niệm, chùa chiền đã được xây dựng, làm cho một phần của Tổ quốc nơi trùng khơi càng gần lại với đất liền. Tỳ kheo Thích Tâm Tánh nhẹ nhàng bảo tôi, chùa Trường Sa có lâu lắm rồi. Từ xa xưa, cùng với những lưu dân ra đảo khai thác cá tôm, đã hình thành những am, miếu thờ trời đất. Những ngôi chùa, theo thời gian, cũng hình thành từ đó. Tỳ kheo Tánh là đời thứ tư được ra đảo trụ trì ngôi chùa này. Chùa Trường Sa Lớn có khuôn viên khá rộng và vuông vức. Qua sân chùa và vườn là tòa chính điện-gồm một gian hai chái, với mái cong, có đầu đao. Trong Phật điện, tôi quan sát thấy có pho tượng bằng đá quý, màu trắng, có tám bảng chú thích là món quà của Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại chùa. Chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống Việt, với số gian lẻ (thường là một gian, hai chái hoặc ba gian, hai chái), với hệ mái cong, có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý, chịu được độ mặn của nước biển... Ngoài thờ Phật, trong khuôn viên các chùa ở Quần đảo Trường Sa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ.

Sau khi dự lễ chào cờ, thăm đền thờ liệt sĩ, nhà lưu niệm Bác Hồ, chùa Trường Sa lớn, các hộ dân, đặc biệt là Đồn biên phòng mới thành lập, Đoàn công tác của thành phố dự cuộc gặp mặt với quân dân trên đảo. Tại đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đã trao 10 tỷ đồng, quà tặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng cho Quỹ Vì Trường Sa thân yêu; trao 1 cặp lục bình bằng đá Non Nước trị giá 120 triệu đồng, cùng các phần quà cho các hộ dân tại đảo Trường Sa lớn. Tham gia chuyến công tác này, Liên đoàn Lao động thành phố; Hội Doanh nhân trẻ và các quận, huyện cũng trao quà, tiền trị giá gần 1 tỷ đồng cho quân, dân trên các đảo và nhà giàn DK1... Chúng tôi rời Trường Sa lớn sau chương trình văn nghệ "cháy hết mình" giữa anh chị em văn công và quân dân trên đảo. 22 giờ, khi con tàu KN 491 rúc còi rời bến, chúng tôi khá bất ngờ với hình ảnh chào tàu của quân dân Trường Sa lớn. Họ đứng hai hàng dọc theo thân tàu, có cả phụ nữ và trẻ em, và hát. Ở trên boong, các thành viên đoàn công tác hô to "cả nước vì Trường Sa", và nhận lại tiếng đồng thanh từ dưới cảng "Trường Sa vì cả nước".

Tác giả tại đảo trường Sa lớn.

Xanh ngát Trường Sa Đông

Ngày thứ 5. Rời đảo Trường Sa lớn trong đêm, sáng hôm sau, tàu KN 491 đã có mặt tại đảo Trường Sa Đông. Từ xa, Trường Sa Đông hiện ra với màu xanh ngút ngát. Những cây bàng vuông vươn sức sống mãnh liệt như hình ảnh người chiến sĩ can trường trên hải đảo. Ngoài bàng vuông, trên đảo còn có các loại cây như cây tra. Theo lời giới thiệu của lính đảo, có một loại cây mà sau khi gãy, cả thân lẫn cành gãy, đều mọc lên cây khác, nên được gọi là cây phong ba, cây bão táp. Trung tá Trần Minh Đức, Chính trị viên Đảo cho biết, mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn chắc tay súng. Loanh quanh trên đảo, tôi gặp bác sĩ Phạm Tuấn Vũ, bác sĩ chuyên khoa 1, được điều động ra Trường Sa Đông được 6 tháng nay.

Anh cho biết, một trong những nhiệm vụ của Đảo là giúp ngư dân, từ lương thực, nước ngọt cho đến sức khỏe. Phần lớn các trường hợp cấp cứu tai nạn trên biển như trầy xướt do té ngã, do san hô cứa hay đau bụng, đau ruột thừa đều xử lý được hết. Nếu cần phẫu thuật, tại Đảo có thể kết nối truyền hình trực tuyến với các bệnh viện trong đất liền để hội chẩn và phẫu thuật. Bác sĩ Nguyễn Băng Đình, Ban bảo vệ sức khỏe thành phố, cùng đi trong đoàn, kể với tôi rằng, ở Trường Sa lớn, ông khá bất ngờ với các thiết bị của Trạm y tế nơi đây, rất hiện đại và tiên tiến. Ông cũng rất hào hứng khi khoe rằng, ở Trường Sa Đông cũng có bác sĩ chuyên khoa 1 cơ đấy. Có lẽ ông tự hào về đồng nghiệp của mình và cũng là chia sẻ với ngư dân và chiến sĩ nơi đảo xa. Trong buổi làm việc với các chỉ huy của đảo, ông  Võ Công Trí cũng bày tỏ niềm tự hào về những người lính đảo. Các anh là hình ảnh của chủ quyền của đất nước. Sau ít phút làm việc nghe báo cáo, trao quà và nói lời động viên, tôi thấy ông đi quanh đảo, vào vườn rau xanh, xuống tận bếp ăn, gặp và trò chuyện cùng các chiến sĩ. Đôi lúc thấy ông cười tươi, lắm lúc lại  đăm chiêu, nghĩ ngợi.

Hồng Quang Năm
(còn nữa)