Bài học từ những vụ lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản trên không gian mạng

Thứ ba, 19/12/2023 09:23
Thời gian qua, bằng nhiều thủ đoạn như nộp phí nhận hàng từ nước ngoài, nhận quà trúng thưởng, lợi dụng việc mua bán hàng hóa và dịch vụ qua hệ thống Internet… tội phạm lừa đảo, cưỡng đoạt trên không gian mạng đã khiến không ít người sập bẫy. Trước thực trạng đó, cơ quan Công an và các đơn vị chức năng khác thường xuyên khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm.
Hai nhóm đối tượng bị Công an huyện Duy Xuyên bắt giữ, điều tra về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức bán xe máy giá rẻ trên không gian mạng.
Hai nhóm đối tượng bị Công an huyện Duy Xuyên bắt giữ, điều tra về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức bán xe máy giá rẻ trên không gian mạng.

Cuối tháng 3-2023, Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã khởi tố để tiến hành điều tra đối với Hứa Văn Tịnh (1997, trú P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và Nguyễn Hiếu (1989, trú xã Duy Phước, H. Duy Xuyên) về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, qua công tác nghiệp vụ, Công an huyện Duy Xuyên phát hiện nhiều Fanpage Facebook, tài khoản Zalo lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đầu năm 2023, Công an huyện Duy Xuyên xác lập Chuyên án 123L để đấu tranh làm rõ. Đến ngày 20-3-2023, Công an huyện Duy Xuyên phối hợp với Công an quận Ngũ Hành Sơn bắt khẩn cấp Hứa Văn Tịnh và Nguyễn Hiếu. Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng khai nhận, các đối tượng lập ra các Fanpage Facebook, tài khoản Zalo để đăng các bài viết rao bán xe máy đắt tiền với giá rẻ. Khi có người liên hệ mua xe, hai đối tượng yêu cầu chuyển tiền cọc là 20% giá trị xe máy cùng nhiều khoản phí khác. Với thủ đoạn này, Tinh và Hiếu đã chiếm đoạt của hơn 100 bị hại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Tương tự, trung tuần tháng 9-2023, Công an huyện Duy Xuyên đã triệt phá liên tiếp 2 chuyên án, bắt giữ 5 đối tượng, gồm: Trần Văn Tuấn (2001), Trần Quang Trường (2000), Hồ Văn Tự (1999), Trần Phúc Quốc (2000) và Lê Văn Nghĩa (1995, cùng trú xã Phong An, H. Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với thủ đoạn rao bán xe máy đắt tiền với giá rẻ, các đối tượng trên đã chiếm đoạt tiền của hàng trăm bị hại trên cả nước với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận, từ giữa năm 2022 đến ngày bị phát hiện, các đối tượng lập ra các Fanpage Facebook, tài khoản Zalo tên “Võ Quỳnh Vân”, “Shop xe Huế”, “Slon Huế” để đăng tải, chạy quảng cáo… có nội dung rao bán xe máy đắt tiền với giá rẻ, giao hàng tận nơi. Khi có khách “đặt hàng”, các đối tượng yêu cầu chuyển phí làm hồ sơ, biển số, phí vận chuyển… để chiếm đoạt. Đáng chú ý, các đối tượng còn thực hiện thủ đoạn lừa đảo mới là tạo nhiều tài khoản Facebook, Zalo đăng tuyển “phi công” phục vụ “quý bà” có thưởng kèm theo hình ảnh các phụ nữ có ngoại hình xinh đẹp và cam kết nếu “phục vụ tốt” sẽ được thưởng số tiền rất lớn để dụ nạn nhân nộp các khoản phí, như: “phí đăng ký làm phi công”, “phí làm thẻ phi công”, “phí đặt phòng khách sạn”…

Trước đó, vào cuối tháng 8-2022, Công an huyện Duy Xuyên đã bắt tạm giam đối tượng Trần Đình Trung (2000, trú xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên) về hành vi dùng clip nóng đe dọa, tống tiền chị M. Theo khai nhận của Trung, giữa tháng 8-2022, Trung được tài khoản Facebook tên “Nguyễn Ngọc Hưng” chia sẻ một số video nhạy cảm nên tạo tài khoản Zalo, Facebook ảo để đe dọa, tống tiền chị M. Công an huyện Duy Xuyên đã phối hợp Phòng An ninh mạng- Công an tỉnh Quảng Nam truy xét, xác định chủ tài khoản Facebook “Nguyễn Ngọc Hưng” là Đặng Văn Thêm (1999, trú H. An Lão, TP Hải Phòng).

Ngày 15-9-2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Xuyên đã bắt khẩn cấp đối tượng Đặng Văn Thêm để điều tra về hành vi: “Cưỡng đoạt tài sản”. Tại cơ quan Công an, Thêm khai, trước đó thông qua mạng xã hội có làm quen với chị M. Qua chuyện trò, chị M chuyển một số video nhạy cảm của mình cho tài khoản “Nguyễn Ngọc Hưng”. Có được video nhạy cảm, Thêm chia sẻ những video trên cho bạn bè Facebook của chị M. để đe dọa, tống tiền, buộc bị hại chuyển 3 triệu đồng...

Theo cơ quan Công an, có nhiều yếu tố để đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Đầu tiên phải kể đến là sự nhẹ dạ của người bị hại nên kẻ gian dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo. Một yếu tố khác được kẻ gian lợi dụng là lòng tham của người bị hại, tự biến mình trở thành “miếng mồi” cho kẻ lừa đảo. Ngoài ra, sự mất cảnh giác hoặc tâm lý lo âu đã vô tình tạo điều kiện cho đối tượng có cơ hội chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc đối phó với tội phạm trên không gian mạng không quá khó, điều đầu tiên là phải cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo khi được cơ quan chức năng khuyến cáo. Ngoài ra, khi chưa phân biệt được thật, giả cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn.

M.T