Brexit và lợi ích của NATO

Thứ ba, 28/06/2016 10:27

(Cadn.com.vn) - Hậu Brexit, Liên minh Châu Âu (EU) đang đứng trước nguy cơ tan rã. Ngược lại, Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) được dự đoán sẽ ngày càng vững mạnh hơn với sự giúp đỡ tích cực hơn từ Anh.

Người dân Anh đã lựa chọn rời khỏi EU sau 43 năm gắn bó bằng cuộc bỏ phiếu lịch sử ngày 23-6. Quyết định này gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và chính trị của Anh nói riêng cũng như EU nói chung. Tuy nhiên, NATO lại là tổ chức quân sự duy nhất không phải chịu tác động mà ngược lại được hưởng lợi từ kịch bản Brexit. Vì sao lại như vậy?

NATO được cho là sẽ mạnh hơn sau khi Anh rời khỏi EU.

Liên minh quân sự mạnh hơn

Lý do thứ nhất phải kể đến là mức độ cảnh giác của NATO với Nga được tăng cường cao độ. Việc Anh rời khỏi EU sẽ làm suy yếu sức mạnh quân sự của khối liên minh này, bởi Anh là nước có tiềm lực quân sự lớn nhất ở EU hiện tại. Chính vì vậy, tất cả các quốc gia thành viên của NATO - bao gồm các thành viên của EU cùng với Mỹ, Canada, Na Uy, và Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ cùng tăng cường sự cảnh giác cao độ với Nga trong bối cảnh mối quan hệ giữa Moscow và NATO đang gia tăng căng thẳng.

Lợi ích thứ hai mà NATO có thể hưởng lợi là được Anh "toàn tâm toàn ý" hỗ trợ về mặt nguồn lực và nhân lực. Hậu Brexit, Anh sẽ không còn phải tiêu tốn thời gian và tiền bạc hỗ trợ các hoạt động quân sự của EU như các hoạt động chống cướp biển ngoài khơi bờ biển Đông Phi hay tại khu vực Balkan. Vì vậy, quân đội nước này có thể tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ khi là một thành viên NATO. Giống như Na Uy - một nền kinh tế mạnh mẽ luôn hỗ trợ tích cực cho NATO dù không phải là một thành viên của EU - Anh sẽ bổ sung tàu chiến, quân đội, và máy bay để giúp NATO thực thi hiệu quả nhiệm vụ của mình.

Cuối cùng, Anh có thể trở thành một đối tác tiềm năng của NATO khi coi việc cải thiện mối quan hệ với liên minh quân sự này - nơi mà nó thể hiện vai trò mạnh mẽ - là cách quan trọng để chứng minh vị trí và vai trò của nó trên trường quốc tế khi không còn được nhắc đến cái tên "một thành viên EU" nữa.

Vai trò của Mỹ

Hiện khả năng EU tan rã vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, Brexit có thể gây nên những cuộc xung đột và mâu thuẫn thực sự lần đầu tiên trong lục địa già này là có thể. Điều này khiến giới chuyên gia tò mò chính sách đối ngoại của Washington trong thời gian đến là như thế nào.

Đầu tiên, Mỹ cần phải trấn an những quốc gia còn lại của EU rằng, liên minh này vẫn còn giá trị trong công tác ngoại giao và quân sự chung. Điển hình như EU thực hiện nhiệm vụ khá tốt ở Balkan, Somalia, và Afghanistan hơn là NATO. Riêng đối với trường hợp của Anh, Washington cần kêu gọi và chào đón sự tham gia lớn hơn của quốc gia này trong NATO, cũng như xây dựng các chương trình quân sự song phương vững mạnh. Về mặt kinh tế, Washington cần phải giúp London  xây dựng tốt mối quan hệ với EU như Na Uy đã từng làm. Cường quốc này cũng sẽ phải nỗ lực để giúp Anh vượt qua nguy cơ cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai gần hậu Brexit. Việc này có thể bắt đầu bằng việc thành lập Hiệp hội Thương mại Tự do Anh-Mỹ.

Không còn nghi ngờ gì nữa khi các quốc gia phương Tây đang bước vào một kỷ nguyên mới đầy khó khăn khi những hậu quả xấu tác động đến hệ thống quốc tế, chính trị, kinh tế và quân sự có thể kéo dài đến vài năm. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, NATO đang từng ngày mạnh hơn với vị thế củng cố hơn so với trước đây.

Tuệ Khanh
(Theo Foreign Policy)