Cách mạng đất Quảng-trăm năm nhìn lại

Thứ hai, 20/06/2016 10:09

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-6, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Phong trào yêu nước và cách mạng ở đất Quảng từ sau Trung Kỳ dân biến năm 1908 đến Khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân năm 1916 - một trăm năm nhìn lại".

Các nhà nghiên cứu tham gia hội thảo.

Quảng Nam quật khởi

Từ cuối thế kỷ XIX, Quảng Nam đã trở thành mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió của đất nước trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân phương Tây.  GS,TS Ngô Văn Minh cho rằng, khi liên quân Pháp- Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam tại cửa biển Đà Nẵng, quân dân Đà Nẵng - Quảng Nam đã sát cánh cùng quân đội triều đình mở đầu cuộc chiến tranh vệ quốc trước một kẻ thù mới. “Lúc bấy giờ, sĩ phu Đất Quảng, kẻ trong triều, người ngoài quận đều có chung một thái độ là dâng sớ xin Triều đình cho về quê trực tiếp đánh giặc.

Phạm Phú Thứ đang làm quan ở Nội các, liền cùng cậu là Phạm Hữu Nghị dâng sớ cho quan lại, thân sĩ, binh lính quê Quảng Nam đang ở kinh đô được quay về tỉnh nhà chống giặc, nhưng bị Tự Đức từ chối. Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh đang làm Bố chính tỉnh Khánh Hòa và Tú tài Lâm Hữu Chánh đang làm Tri huyện huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cũng dâng sớ xin vua Tự Đức cho về quê tham gia chiến đấu để “chia lửa với Sơn Trà”– ông Minh nói. Cùng với việc xin được trực tiếp cầm quân đánh giặc, sĩ phu Quảng Nam, tiêu biểu là Phạm Phú Thứ cũng đã dâng sớ đề nghị Triều đình canh tân giáo dục để nuôi dưỡng nhân tài; chỉnh đốn võ bị, hậu dưỡng quan binh, cho các nước thông thương, kết thân với các cường quốc và cho người đi du học nhằm học hỏi nền văn minh cơ xảo của phương Tây.

Tuy nhiên những đề xuất của Phạm Phú Thứ cũng như của  Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đều không được người đứng đầu Triều đình Huế thực hiện. Và khi Việt Nam đã hoàn toàn rơi vào tay Pháp, thái độ của các sĩ phu Quảng Nam vẫn là chủ chiến, quyết quật khởi để giành lại độc lập. Từ năm 1884, khi được cử làm Chánh sơn phòng sứ, Tiến sĩ Trần Văn Dư đã dâng sớ xin sửa chữa kỹ Nha sơn phòng Quảng Nam “để vững mặt tả kỳ”. Đến vụ biến kinh thành Huế nổ ra, Tiến sĩ Nguyễn Thích (quê Quảng Nam) đang giữ chức “Hành tẩu tư vụ Cơ mật viện” cùng các quan viên thuộc hạ đốc binh chiến đấu ngoan cường và hy sinh oanh liệt ngay tại kinh thành Huế. Đến khi vua Hàm Nghi xuống dụ Cần Vương, tại Quảng Nam, tiến sĩ Trần Văn Dư cùng các quan lại đồng hương trong phái chủ chiến đều từ quan quay về quê nhà lập Nghĩa hội, kêu gọi nhân dân kháng chiến.

Theo ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng, lúc bấy giờ thực dân Pháp rất lo sợ những phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Trong báo cáo tổng hợp về Trung Kỳ dân biến ngày 22-7- 1908 của Toàn quyền lâm thời Đông Dương Louis Alphonse Bonhoure gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Millies-Lacroix khẳng định: “Thực ra họ (những người tham gia Trung Kỳ dân biến) không chỉ nhằm giảm một vài thứ thuế mà nhằm tạo ra sự hỗn loạn về tổ chức cai trị trong toàn quốc và chuẩn bị sự thức tỉnh của một phong trào dân tộc”.

Mộ Thái Phiên – Trần Cao Vân ở Huế hiện nay.

Ngọn lửa Thái Phiên – Trần Cao Vân

Cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916, của Việt Nam Quang Phục hội Trung kỳ (VNQPHTK), do hai chí sĩ xứ Quảng là Thái Phiên và Trần Cao Vân làm thủ lĩnh được xem là tiếp nối truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân Việt Nam nói chung và của các tầng lớp nhân dân xứ Quảng nói riêng. Dẫn những báo cáo của thực dân Pháp còn lưu lại đến bây giờ, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn cho rằng chính Thái Phiên là chỉ huy trưởng trong khởi nghĩa năm 1916. Trong bản khai của nhiều nhân vật tham gia cuộc khởi nghĩa đã cho thấy vai trò chỉ huy của Thái Phiên.

Tôn Thất Đề khai rằng: “Huỳnh Anh (tức Thái Phiên) được đề cử làm Chỉ huy trưởng vì ông ta rất bình dân và có nhiều tin tức từ bên ngoài” , còn Trần Cao Vân cho biết ‘‘Phó Cố vấn (tức Thái Phiên), là người đã từng làm thư ký cho người Âu và chính người đó đã nhận tất cả những thông tin của các tỉnh phía Bắc và phía Nam, và cũng đã được Nhà Vua chỉ định để thực hiện các công việc đó và để hướng dẫn các đội quân tập kích vào Mang Cá”. Cùng với Trần Cao Vân, trong một thời gian dài, Thái Phiên đã lên kế hoạch, chuẩn bị lực lượng và trực tiếp hội kiến với vua Duy Tân để tổ chức khởi nghĩa.

Tuy nhiên quá trình vận động khởi nghĩa vẫn có những trở ngại như chính Thái Phiên thuật lại : “Chúng tôi lo làm cách nào vận động dân chúng nổi dậy, vì chúng tôi chưa có chiếu chỉ của Nhà Vua, và chúng tôi cũng không có gì để nói với họ rằng Đức Vua sẽ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Trước tình huống như vậy, ông Trần Cao Vân lại phải đi Huế để xin chiếu chỉ, còn tôi cùng với các bạn thân tín đi khắp nơi để chuẩn bị cuộc khởi nghĩa. Cũng lúc đó, tôi giao cho ông Lê Châu Hàn đi Huế để vận động số lính mới tuyển mộ tham gia cuộc khởi nghĩa. Ông Sáu Cụt còn cho biết số lính chiến chắc là sắp bị đưa sang Pháp nay mai.

Do vậy ông ta khuyên nên gấp rút khởi nghĩa. Tức thì tôi cho mời ông Trần Cao Vân đến gặp mặt và cho ông hay rằng dân chúng đang xao động, lính chiến chắc là sắp lên đường, vì vậy nên quyết định để không bỏ lỡ thời cơ..., chúng tôi giới thiệu các ông Lê Châu Hàng, Phạm Thành Chương, Phan Thành Tài để giữ các vị trí trọng trách”. Dù chuẩn bị chu đáo nhưng đến phút cuối, cuộc khởi nghĩa do Thái Phiên - Trần Cao Vân lãnh đạo vào tháng 5 -1916 đã bị phản bội và nhanh chóng bị thực dân Pháp đàn áp trong bể máu.

Sau đó, chính quyền đô hộ Pháp đã  tuyên án xử trảm Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Siêu, Tôn Thất Đề. ‘‘Trong một báo cáo của Hiến Binh, bức điện số 658, ngày 17-5-1916 đã ghi rõ: “Bốn tên cầm đầu cuộc nổi loạn  đã bị hành quyết vào lúc mười sáu giờ ba mươi phút mà không có sự cố gì”. Đây là những dòng tin lạnh lùng nói về sự hy sinh lẫm liệt của những người anh hùng đã chấp nhận xả thân vì đại nghĩa của dân tộc. Những dòng máu quý giá của những người con Lạc cháu Hồng đã đổ xuống thấm vào vùng đất núi Ngự sông Hương giữa một ngày tháng 5 năm ấy đã hòa vào với khí thiêng sông núi Việt Nam’’– ông Nguyễn Trương Đàn nói.

Dẫu không thành công nhưng cuộc khởi nghĩa do Thái Phiên – Trần Cao Vân lãnh đạo đã có tác động to lớn đến thời cuộc trong nước, trở thành dấu ấn bất diệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Hoàng Anh