Cách mạng tháng Mười Nga: Bản hùng ca thế kỷ (Kỳ 1: Nguyên nhân dẫn tới sự tan rã của Liên Xô)

Thứ bảy, 04/11/2017 09:28

Sau khi Liên Xô-sản phẩm ra đời từ Cách mạng tháng Mười bị giải thể vào ngày 26-12-1991, trên thế giới cũng như ở nước Nga hình thành hai luồng tư tưởng trái ngược nhau. Một luồng ý kiến cho rằng, cùng với sự sụp đổ Liên Xô, lý tưởng về chủ nghĩa xã hội do Cách mạng tháng Mười khởi xướng "đã chết", hoặc Cách mạng tháng Mười là "sai lầm của lịch sử", là "thảm kịch lịch sử ngẫu nhiên". Vì thế, hàng năm nhiều nước trước đây thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa không tổ chức Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười. Luồng ý kiến khác lại khẳng định rằng, sự sụp đổ của Liên Xô không phải do Cách mạng tháng Mười mà là "sai lầm của lịch sử" và do đó lý tưởng và giá trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn trường tồn cùng với tiến trình lịch sử đi lên của nhân loại.

Từ kết quả của nhiều công trình nghiên cứu khách quan và khoa học về nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô có thể rút ra 4 nguyên nhân chủ yếu sau dẫn tới thảm họa địa chính trị này.

Một là, do những hạn chế và khiếm khuyết của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô chậm khắc phục hoặc không được khắc phục, đã trở thành lực cản đối với sự phát triển.

Lịch sử thế giới chứng tỏ, trong hàng trăm năm phát triển, chủ nghĩa tư bản cũng đã từng rất nhiều lần điều chỉnh mô hình phát triển để phù hợp với sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Sau Cách mạng tháng Mười, V.I.Lenin đã từng khẳng định, chủ nghĩa xã hội không phải là công thức có sẵn mà phải được xây dựng trên cơ sở những thành tựu phát triển của hình thái xã hội trước đó là chủ nghĩa tư bản. Do đó, V.I.Lenin chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở nền kinh tế thị trường nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước. V.I.Lenin cũng khẳng định, trong quá trình phát triển, mô hình chủ nghĩa xã hội phải được cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện mới bởi đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Đó là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, những hạn chế và khiếm khuyết của mô hình chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô đã chậm khắc phục hoặc không được khắc phục, không được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển trong điều kiện mới của thực tế cuộc sống. Do xóa bỏ cơ chế kinh tế thị trường nhiều thành phần một cách duy ý chí, Liên Xô đã phải trả giá cho sự tách biệt siêu hình và giả tạo giữa sản xuất với nhu cầu, giữa sản xuất với tiêu dùng. Những hạn chế và khiếm khuyết này đã khiến cho tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội không được phát huy đầy đủ và rốt cuộc đưa chủ nghĩa xã hội hiện thực  rơi vào khủng hoảng.

Xét về bản chất khoa học, những hạn chế và khiếm khuyết của mô hình chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô không xuất phát từ những lý tưởng của Cách mạng tháng Mười và hoàn toàn có thể khắc phục được. Điều này đã được minh chứng bằng thành tựu vĩ đại của Trung Quốc trong quá trình cải cách mở cửa và hội nhập quốc tế với mô hình "chủ nghĩa xã hội đặc sắc", cũng như thành công của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới dựa trên quan điểm của V.I.Lenin về chủ nghĩa xã hội, mà ở đó lý tưởng của chủ nghĩa xã hội từ Cách mạng tháng Mười vẫn tiếp tục được kế tục phát triển và phát huy trong điều kiện mới. 

Người dân và lực lượng khởi nghĩa diễu hành tại Saint-Peterburg chúc mừng thành công của cuộc Cách mạng ngày 7-11-1917. 

Hai là, do biến chất, thoái hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ và đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô.

V.Lenin-lãnh tụ của Cách mạng tháng Mười, đã từng nhiều lần cảnh báo, một đảng cầm quyền như Đảng Bolsevich (Đảng Cộng sản)  rất dễ sa vào tình trạng lạm dụng quyền lực và rất dễ dẫn tới tệ sùng bái cá nhân, tệ quan liêu độc đoán, vấn nạn hành chính, tệ tham ô, tha hóa biến chất trong hàng ngũ cán bộ nhà nước Xô Viết. Khi còn sống, V.I.Lenin cũng kịch liệt đấu tranh chống bệnh hình thức, bệnh thành tích, bệnh nóng vội, chủ quan duy ý chí. Tuy nhiên, những cảnh báo này của V.I.Lenin về sau đã không được ngăn chặn, dẫn tới hậu quả là khiến cho Đảng Cộng sản Liên Xô xa rời quần chúng nhân dân, làm thui chột tính tích cực và tính sáng tạo cách mạng của quần chúng.

Ba là, do sự phản bội và bán nước cực kỳ nguy hiểm của tập đoàn lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Liên Xô do M.Gorbachov đứng đầu.

Kể từ năm 1985, núp dưới chiêu bài "cải tổ" và "tư duy chính trị mới", tập đoàn lãnh đạo mới trong Đảng Cộng sản Liên Xô do M.Gorbachov đứng đầu tự tô vẽ mình thành chiến sĩ cộng sản "trung thành nhất với chủ nghĩa Marx-Lenin" để đánh lạc hướng dư luận nhưng trên thực tế đã phản bội lý tưởng của chủ nghĩa xã hội và Cách mạng tháng Mười. Sự phản bội của M.Gorbachov thể hiện ở nhiều thủ đoạn thâm độc như thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với xã hội; cho phép hình thành các tổ chức chính trị và đảng đối lập;  chấp nhận chế độ chính trị đa nguyên, đa đảng trong xã hội Xô Viết; xuyên tạc, thậm chí xóa bỏ các giá trị lịch sử của Cách mạng tháng Mười, của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô; loại bỏ các đảng viên có quan điểm trung thành với những giá trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực; đưa các phần tử cơ hội, phản động, thậm chí cả các điệp viên ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây vào cơ cấu quyền lực của Đảng và Nhà nước Xô Viết; sử dụng khẩu hiệu "tư duy chính trị mới" để xóa bỏ ý thức hệ tư tưởng về chủ nghĩa xã hội, tạo ra quá trình "tự diễn biến" ngay trong lòng Đảng Cộng sản Liên Xô và xã hội Xô Viết; chủ động tạo ra sự khan hiếm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để từ đó đổ lỗi cho những sai lầm và khiếm khuyết của chủ nghĩa xã hội hiện thực, tạo tiền đề để tiến tới loại bỏ vai trò của Đảng Cộng sản Liên Xô và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Rạng sáng 7-11-1917 (25 tháng 10 theo lịch Nga cũ) lực lượng khởi nghĩa tấn công Cung điện Mùa Đông ở Petrograt (nay là Saint Petersburg), mở đầu cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.

Bốn là, do chiến lược diễn biến hòa bình chống phá toàn diện của Mỹ và các nước phương Tây nhằm làm tan rã Liên Xô.

Ngay sau Thế chiến lần thứ II, Mỹ đã phát động Chiến tranh Lạnh, thực chất là chiến lược diễn biến hòa bình để chống phá Liên Xô và được chính thức phát động vào ngày 18-8-1948 theo Chỉ lệnh số 20/1 do Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ thông qua với tiêu đề "Các mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến chống Liên Xô". Theo chỉ lệnh 20/1, Mỹ sẽ làm tan rã Liên Xô thông qua cuộc chiến tranh thông tin-tư tưởng kéo dài khoảng 50 năm theo ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ năm 1948 đến năm 1953 diễn ra trong điều kiện có sự tranh giành quyền lực trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của Liên Xô. Trong giai đoạn này, Mỹ và phương Tây đã tiến hành chiến dịch vu cáo và xuyên tạc Stalin. Bằng cách làm sụp đổ uy tín của Stalin, chiến tranh thông tin-tư tưởng nhằm mục đích tàn phá thành quả một giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Liên Xô và từ đó phá hoại một trong những giá trị và thành quả quan trọng nhất của Cách mạng tháng Mười.

Giai đoạn 2 kéo dài từ đầu những năm 1960 đến đầu những năm 1980 nhằm tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm các rạn nứt trong xã hội Xô Viết và đưa nhận thức xã hội của người dân Liên Xô tới trạng thái dao động, mất phương hướng, mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ đầu những năm 1980 là giai đoạn có ý nghĩa quyết định, trong đó thế hệ các chiến sĩ Cách mạng tháng Mười và từng trải qua Chiến tranh vệ quốc vĩ đại bắt đầu rời khỏi các vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô Viết. Một thế hệ lãnh đạo trẻ lên cầm quyền chịu ảnh hưởng và tác động của chiến tranh thông tin-tư tưởng của phương Tây. Trong điều kiện đó Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch làm tan rã Liên Xô trong một thời gian ngắn nhất có thể. Giai đoạn này trùng hợp với thời gian diễn ra cái gọi là "công cuộc cải tổ" ở Liên Xô, kết hợp với hoạt động phản bội của tập đoàn lãnh đạo M.Gorbachov.

(Còn nữa)

Đại tá LÊ THẾ MẪU - nguyên Trưởng phòng Thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng

Kỳ tới: Nước Nga phát huy các giá trị của Cách mạng tháng Mười trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước