Châu Âu nỗ lực đối phó với “Hồ sơ Panama”

Thứ tư, 13/04/2016 09:05

(Cadn.com.vn) - Những quy định buộc các Cty lớn nhất thế giới tiết lộ thêm về hồ sơ đóng thuế được cho là “tham vọng lớn” của các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU).

Google sẽ là một trong những tập đoàn lớn phải công bố thông tin về thuế theo quy định mới
của EU. Ảnh: Getty Images

Ngày 12-4, liên minh 28 quốc gia thành viên EU công bố các quy định mới nhằm hạn chế việc các Cty đa quốc gia lợi dụng tràn lan các “thiên đường trốn thuế”. Đây là biện pháp cấp bách sau những tiết lộ gây chấn động trong “Hồ sơ Panama”.

Theo AFP, Ủy ban Châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, cho biết theo quy định mới, các Cty lớn hoạt động ở Châu Âu sẽ phải công khai những gì họ kiếm được tại mỗi quốc gia thành viên của EU. Lâu nay, các nhà hoạt động thuế yêu cầu kiểu báo cáo theo từng quốc gia như thế này. Bởi theo họ, các tập đoàn lớn luôn bí mật chuyển những khoản lợi nhuận kếch xù đến các khu vực pháp lý chịu thuế thấp hoặc không chịu thuế, thường là thông qua việc sử dụng các Cty ma như những thông tin tiết lộ trong “Hồ sơ Panama”.

Châu Âu vẫn vấp phải chỉ trích về chính sách thuế đối với các doanh nghiệp. Vấn đề này bùng lên sau vụ bê bối “Lux Leaks” trong năm 2014. Trong vụ bê bối này, các tập đoàn lớn chuyển hàng trăm tỷ USD từ nơi phải đóng thuế cao sang Vương quốc Luxembourg, nơi có mức thuế rất thấp. Việc này giúp các Cty đa quốc gia, gồm những tên tuổi lớn như IKEA và Pepsi, Walt Disney, Microsoft… chỉ đóng khoản thuế ít ỏi so với mức lợi nhuận thật sự kiếm được.

Và giờ đây, “Hồ sơ Panama” lại khiến các quốc gia lục địa già đứng ngồi không yên và những quy định mới nhất lần này cho thấy nỗ lực chống trốn thuế của EU.  Các quy định mới được áp dụng cho tất cả các Cty với doanh số bán hàng 750 triệu EUR hoặc hơn con số này. Các Cty sẽ phải tiết lộ thông tin như tổng doanh thu, bản chất của hoạt động kinh doanh, lợi nhuận trước thuế, thuế thực trả và tích lũy thu nhập.

Nhưng trong bước đi gây thất vọng cho các nhà vận động thuế, các kế hoạch của EU phần lớn là giới hạn hoạt động ở Châu Âu, ngoại trừ những Cty kiếm thu nhập từ một “thiên đường trốn thuế” nằm trong danh sách đen của liên minh này. “Vì những quy định này không bao gồm tất cả các nước, các tập đoàn đa quốc gia vẫn có rất nhiều cơ hội để trốn thuế”, Maria Ryding, một chuyên gia thuế tại Châu Âu cho biết.

Tuy nhiên, Lord Hill, Ủy viên tài chính của EU cho rằng, động thái này cho thấy tham vọng về việc minh bạch hơn về thuế của liên minh 28 quốc gia. Ông Hill là đại diện của Anh tại Ủy ban tài chính EU và một đồng minh chính trị thân cận của Thủ tướng David Cameron - nhà lãnh đạo vốn đang chịu áp lực từ chức với cáo buộc trốn thuế được tiết lộ trong “Hồ sơ Panama”.

Sau khi “Hồ sơ Panama” bị rò rỉ, nó tạo ra cơn chấn động khắp thế giới, nhất là tại Châu Âu. Giới báo chí mỗi ngày lại biết thêm một nhân vật chính trị lẫy lừng có nguy cơ “ngã ngựa” vì “Hồ sơ Panama”. Nhiều quốc gia nhanh chóng vào cuộc tìm cách gỡ rối vấn đề. Tại Anh, Thủ tướng David Cameron thành lập lực lượng đặc biệt do Cơ quan thuế và hải quan HM (HMRC) và Cơ quan chống Tội phạm Quốc gia dẫn đầu, nhằm kiểm tra vấn đề tài chính của các Cty được đề cập trong “Hồ sơ Panama”. Tại Đức, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble đang lên một kế hoạch hành động 10 điểm nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế, rửa tiền.

Trong khi đó, tại Mexico, giới chức nước này cũng vào cuộc điều tra 33 cá nhân có tên trong danh sách của “Hồ sơ Panama”, trong đó bao gồm nhiều chính trị gia. Trong diễn biến mới nhất, Tổng công tố Venezuela hôm 12-4 yêu cầu các ngân hàng phong tỏa tài khoản của những người nằm trong diện điều tra liên quan “Hồ sơ Panama”.

Khả Anh

Điệp viên lợi dụng dịch vụ của Mossak Fonseca

AFP ngày 12-4 dẫn nguồn tin từ báo Sueddeutsche Zeitung của Đức  cho biết: các điệp viên một số quốc gia, trong đó có cả những người trung gian của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), sử dụng các dịch vụ của Cty luật Mossack Fonseca ở Panama để “che giấu” các hoạt động của họ.

Tờ báo này cũng tiết lộ, những quan chức cấp cao đang tại vị hoặc đã nghỉ hưu thuộc các cơ quan mật vụ của các quốc gia, trong đó có Saudi Arabia, Colombia và Rwanda có tên trong danh sách khách hàng của Mossack Fonseca. Ngoài ra còn có “một số nhân vật” trong bê bối Iran-Contra năm 1980, trong đó các quan chức cấp cao của Mỹ tạo điều kiện bí mật bán vũ khí cho Iran để đảm bảo Tehran thả các con tin Mỹ và tài trợ cho phiến quân Contra của Nicaragua.

T.Nguyên