Chiêu trò của “thánh nổ” (Bài 1: Giả danh nhân viên viễn thông và công an để lừa đảo)
Chỉ trong một thời gian ngắn, tại Nghệ An đã ghi nhận 7 trường hợp bị nhóm tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới gần 2 tỷ đồng. Chiêu trò chung của bọn tội phạm là tự xưng “nhân viên viễn thông” và “điều tra viên Bộ Công an” quy chụp nạn nhân liên quan đến đường dây mua bán ma túy và rửa tiền… quy mô lớn, rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng để “phục vụ công tác điều tra”. Trước những thủ đoạn hết sức tinh vi trên, CA tỉnh Nghệ An đã có công văn khẩn gửi CA an các đơn vị, địa phương nhằm cảnh báo, ngăn ngừa loại tội phạm này.
Ông Nguyễn Văn Đ. kể về quá trình mình bị lừa. |
Từ cú điện thoại kiểm tra cước thuê bao...
Đã mấy ngày trôi qua nhưng ông Nguyễn Văn Đ. (1947, trú P. Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) vẫn thẫn thờ như người bị thôi miên. Chính ông Đ. là cán bộ ngân hàng nghỉ hưu nhưng vẫn không thể lý giải nổi vì sao mình lại nhất nhất làm theo người lạ để rút 200 triệu đồng tiền tiết kiệm gửi qua tài khoản cho bọn lừa đảo.
Theo lời ông Đ., 8 giờ 30 ngày 22-8, chuông điện thoại cố định nhà ông reo, đầu dây bên kia người gọi xưng là nhân viên viễn thông kiểm tra tiền cước thuê bao. Sau màn chào hỏi, ông Đ. được thông báo về việc thuê bao điện thoại cố định ông đang sử dụng nợ 8,9 triệu đồng tiền cước với lý do số máy của ông có nhiều cuộc gọi đi nước ngoài như Australia, Canada... Ông Đ. nói rằng gia đình ông đã thanh toán cước hằng tháng, không thể có chuyện nợ số tiền lớn như thế được. Tuy nhiên, người đầu dây bên kia đề nghị ông Đ. giữ máy để nói chuyện với điều tra viên thuộc Bộ CA về vấn đề nợ cước điện thoại này. “Khi được nối máy, có một người đàn ông tự xưng là “đại úy Phan Tuấn Anh, công tác ở Bộ CA” nói chuyện với tôi. Người này hỏi tôi ngày 20-6, bác có vào TPHCM không? Tôi bảo không. Anh ta nói ngày 20-6 tôi có gọi sang Australia, Canada... và chưa thanh toán cước. Hiện CA đang điều tra một đường dây tội phạm về cước bưu điện và bảo tôi đợi để gọi cho Tổng bộ 1, Tổng bộ 2 để kiểm tra” - ông Đ. kể lại.
Tiếp đó, người tự xưng là “đại úy công an” kia thông báo số CMND của ông Đ. có mở một tài khoản ngân hàng 200 triệu đồng và số dư trong tài khoản hiện tại đang là 6,8 tỷ đồng. Vì vậy, cơ quan CA nghi ngờ ông Đ. liên quan đến đường dây mua bán ma túy và rửa tiền nên đang điều tra, xác minh. “Nghe anh CA nói vậy, tôi rất hoang mang nhưng họ đã trấn an là vì tôi tự giác trình báo với CA nên sẽ không việc gì, sau đó họ yêu cầu tôi phối hợp để phá đường dây tội phạm ma túy này. Họ cho biết để điều tra, CA sẽ phong tỏa tài khoản ngân hàng của tôi. Nhưng khi tôi nói trong tài khoản của mình không có tiền thì họ hỏi có sổ tiết kiệm không? Tôi trả lời “hiện có sổ tiết kiệm 200 triệu đồng đứng tên tôi nhưng tiền là của đứa cháu nhờ giữ giúp” - ông Đ. kể.
Tiếp đó, vị “đại úy CA” này yêu cầu ông Đ. rút tiền trong sổ tiết kiệm và gửi vào tài khoản 130333729 của “kiểm sát viên Nguyễn Hữu Thu” tại Ngân hàng VPBank Chi nhánh Chương Dương, Hà Nội. Trong quá trình chuyển tiền, người này nhiều lần dặn ông Đ. không được để lộ sự việc cho ai, ảnh hưởng đến công tác điều tra và bản thân ông sẽ bị bọn tội phạm thủ tiêu nên ông Đ. thực sự hoảng sợ. “Thời điểm đó trở đi, tôi như bị thôi miên, hoàn toàn làm theo anh ta chỉ dẫn qua điện thoại mà không có bất kỳ một phản ứng nào” - ông Đ. nhớ lại. Thậm chí, để đạt được mục đích của mình, vị “đại úy CA” này yêu cầu ông Đ. đọc số ĐTDĐ để tiện liên lạc và dặn dò ông Đ. phải sạc đầy pin, không được nhận cuộc gọi nào khác số đang gọi, không được để gián đoạn cuộc gọi. Thấy số điện thoại gọi vào máy mình hiển thị số đuôi 113, ông Đ. lại càng tin tưởng người đàn ông này là CA.
Số điện thoại có đuôi 113 khiến ông Đ. tin là mình đang làm việc với công an. |
...Đến hành trình nộp 200 triệu đồng
Theo chỉ dẫn điện thoại của “đại úy CA”, ông Đ. thuê taxi ra ngân hàng rút hết 200 triệu đồng trong sổ tiết kiệm rồi đến Ngân hàng VPBank chi nhánh Cửa Đông gửi vào tài khoản mang tên Nguyễn Hữu Thu. Suốt thời gian thực hiện giao dịch gửi tiền, vị “đại úy CA” này liên tục yêu cầu ông Đ. giữ bí mật tuyệt đối, không được nghe điện thoại của bất kỳ ai để “công an có thể gọi làm việc bất kỳ lúc nào”. Thấy ông Đ. có nhiều biểu hiện lạ nhưng khi hỏi thì nhất quyết không trả lời mà cứ ậm ừ cho qua chuyện, vợ ông nghi ngờ có chuyện không hay nên đã gọi điện cho con trai để thông báo. Thông qua tài xế taxi, con trai ông Đ. đã tìm được chi nhánh ngân hàng nơi ông Đ. giao dịch.
“Hôm đó, tôi bắt taxi đến ngân hàng, nộp 200 triệu vào tài khoản của người tên Thu thì người xưng là đại úy CA hướng dẫn tôi tìm một góc khuất, đọc lại nội dung trên biên lai gửi tiền để kiểm tra. Rất may, đúng lúc này con trai tôi đến, giữ tờ biên lai và giật lấy điện thoại của tôi. Nghe tiếng con trai tôi qua điện thoại, người xưng là đại úy Phan Tuấn Anh nói “hai đồng chí mua vé máy bay ra TP Vinh bắt ngay Nguyễn Văn Đ. để điều tra”. Con trai tôi tắt máy điện thoại và thông báo tôi đã bị lừa. Tôi liền xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc và cùng con trai vào ngân hàng nhờ giúp đỡ giữ lại số tiền đã giao dịch trên hệ thống và trình báo sự việc với cơ quan CA” - ông Đ. kể.
Thiếu tá Hà Huy Đức Đội trưởng Đội CSĐTTP sử dụng công nghệ cao, Phòng CSĐTTPVTTXH CA tỉnh Nghệ An cho biết: “Sau khi tiếp nhận trình báo của ông Nguyễn Văn Đ., chúng tôi đã có văn bản đề nghị Ngân hàng VPBank phòng giao dịch Cửa Đông phong tỏa khoản tiền nói trên. Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ”.
(còn nữa)
DƯƠNG HÓA