Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm” cho Syria

Thứ năm, 10/12/2015 07:38

(Cadn.com.vn) - Ngày 9-12 Nga bày tỏ lo ngại bàn đàm phán hòa bình cho Syria, dự kiến diễn ra vào tuần tới, sẽ không thể thành công một khi các điều kiện tiên quyết đề ra vẫn chưa được đáp ứng.

Mỹ có kế hoạch tổ chức Hội nghị Quốc tế lần 3 về Syria vào ngày 18-12 tới, nỗ lực đề ra lộ trình giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm ở quốc gia Trung Đông này.

Syria trở nên hoang tàn do chiến tranh kéo dài. Ảnh: Reuters

Sau hai cuộc họp tại Vienna, Áo không mấy thành công, Washington dự tính tổ chức vòng đàm phán lần 3 này tại New York với nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, triển vọng thành công xem ra rất mong manh. Trong tuyên bố đưa ra hôm 9-12, Đặc phái viên Nga tại LHQ Vitaly Churkin bày tỏ lo ngại, bàn đàm phán hòa bình cho Syria tổ chức trong lúc này sẽ khó có thể thành công trong bối cảnh các bên vẫn chưa nhất trí về các điều kiện tiên quyết đề ra.

Đại sứ Churkin cho rằng, trước khi cuộc họp lần 3 có thể được tổ chức, các “tổ chức khủng bố” tại Syria cần phải đạt được một thỏa thuận, và các nhóm đối lập cần tham gia đàm phán với chính phủ Tổng thống Bashar Al-Assad. “Chúng tôi không nghĩ rằng, các bên đã sẵn sàng tham gia đàm phán... Những yêu cầu mà chúng tôi vạch ra chưa được đáp ứng”. Theo ông, việc tổ chức thêm cuộc họp trong khi chưa thực hiện các thỏa thuận trước đó sẽ làm giảm giá trị đạt được tại Vienna và rằng, các bên cần tập trung vào các vấn đề thực chất hơn là tổ chức hội nghị như thế này.

Hồi tháng 11 tại Vienna, Nga, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và các nước Trung Đông nhất trí đề ra khung thời gian 2 năm để tổ chức bầu cử ở Syria, nhưng vẫn bỏ ngỏ nhiều câu hỏi, đặc biệt là số phận của Tổng thống Assad. Tại vòng đàm phán đầu tiên về Syria hồi cuối tháng 10, các bên cũng thẳng thắn thừa nhận còn nhiều bất đồng liên quan đến vai trò của ông Assad. Và trên thực tế, cho đến nay, các cường quốc vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. Iran mới đây khẳng định, tương lai của Tổng thống Assad chỉ có thể do chính người dân Syria quyết định và đó là “giới hạn đỏ” đối với Tehran.

Và một vấn đề còn vướng mắc khác là vai trò của các nhóm đối lập Syria. Ngày 9-12, các nhóm đối lập này bắt đầu họp kín chưa từng có tiền lệ tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, với nỗ lực đạt thỏa thuận trước các cuộc đàm phán có thể diễn ra với chính quyền Tổng thống Assad vào đầu năm 2016. Theo Reuters, tham gia cuộc họp này có nhóm nổi dậy đầy quyền lực Ahrar al-Sham cũng như các nhóm đối lập hoạt động cả ở trong và bên ngoài lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Đây là lần đầu tiên đại diện hàng loạt các nhóm chính trị và quân sự đối lập đang chiến đấu chống chính quyền Tổng thống Assad nhóm họp kể từ khi bùng phát nội chiến hồi năm 2011.

Hơn 250.000 người đã thiệt mạng trong khi gần 5 triệu người phải sống tị nạn do chiến tranh trong bối cảnh Syria đang bị các nhóm khủng bố “chia năm xẻ bảy”. Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu đã nhảy vào quốc gia Trung Đông này nhằm tiêu diệt tận gốc các nhóm khủng bố. Trong động thái mới nhất cho thấy quyết tâm của mình, Moscow lần đầu tiên tấn công các mục tiêu IS bằng các tên lửa được phóng từ tàu ngầm Rostov-on-Don neo đậu ở Địa Trung Hải. Các mục tiêu nằm trong tầm ngắm là 2 cứ điểm quy mô lớn ở Raqqa.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực chống khủng bố của bóng ma khủng bố, nhất là IS, vẫn ngày đêm bao trùm lên nước này. Và đó là lý do mà giới chuyên gia cho rằng, bài toán đầu tiên cần giải quyết trong vấn đề Syria là “sự đoàn kết trong nội bộ nước này”.

Khả Anh