Chung một mối lo

Thứ tư, 18/06/2014 09:09

(Cadn.com.vn) - Cuộc khủng hoảng ở Iraq đang trở thành vấn đề khiến Mỹ và Iran thật sự lo ngại, đặc biệt là khi Tổ chức Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) đang tấn công quyết liệt hơn, tiến đến chiếm lấy thủ đô Baghdad.

Đó là lý do khiến lần đầu tiên, hai quốc gia vốn là thù địch, lại ngồi lại với nhau để bàn chung về vấn đề của quốc gia Vùng Vịnh. Cuộc thảo luận diễn ra bên lề bàn đàm phán tại Vienna (Áo) giữa Tehran với Nhóm P5+1 về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf xác nhận, đã có "các cuộc thảo luận ngắn gọn".

Mặc dù thừa nhận Tehran và Washington "chia sẻ quan tâm" trong việc đảm bảo rằng các chiến binh ISIS không có được "chỗ đứng nào ở Iraq", nhưng phía Mỹ vẫn nhấn mạnh, không có quốc gia nào bên ngoài có thể giải quyết thấu đáo vấn đề của nước này. Trong khi đó, bản thân Tehran tỏ ra sốt sắng hơn với bài toán Iraq. Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ xem xét phối hợp với Washington nhằm chiến đấu với các phiến quân ISIS tại Iraq.

Hôm 17-6, khi trả lời câu hỏi liệu Iran có sẵn sàng trở thành đồng minh với Mỹ để ổn định tình hình Iraq trước nguy cơ chính quyền Baghdad bị sụp đổ hay không, Tổng thống có lập trường khá mềm mỏng Rouhani cũng khẳng định "sẽ suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này nếu như nhận thấy Nhà Trắng có quyết tâm chống khủng bố ở Iraq và cả ở các nơi khác nữa (ám chỉ Syria).

Iran và Mỹ đang bị chia rẽ về vấn đề Syria, nơi ISIS cũng đang tổ chức các hoạt động nhằm hạ bệ chính phủ Tổng thống Assad. Iran ủng hộ ông Assad chiến đấu chống ISIS trong khi Mỹ kiên quyết đòi vị Tổng thống này phải từ chức. Vì thế, nhiều người lo ngại cho khả năng hợp tác giữa hai nước trong vấn đề Iraq lần này, nhất là trong bối cảnh Lầu Năm Góc khẳng định sẽ không phối hợp hành động quân sự tại Iraq với Tehran.

Mỹ đã triển khai 275 binh sĩ đến Iraq nhưng tuyên bố chỉ để bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad trong bối cảnh phe ISIS chuẩn bị tiến đến thủ đô. Nhiều nguồn tin cho biết, Iran đã điều hàng trăm binh sĩ đến quốc gia láng giềng để giúp đào tạo quân sự, củng cố lực lượng. Dù ít dù nhiều, Washington và Tehran đều đã có những bước đi dạo đầu ở Iraq. Và rõ ràng, cả hai giờ đã cùng nhìn về một hướng. Baghdad thật sự cần đôi cánh tay mạnh mẽ này.

Nhưng thiết nghĩ, Washington đã nhận định đúng, không ai có thể giúp Iraq ngoài họ. Điều người dân cần là các nhà lãnh đạo chính trị trên khắp Iraq phải ngồi lại với nhau.

Thanh Văn