Cơ hội hòa bình cho Afghanistan

Thứ năm, 01/03/2018 10:58

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã đề nghị công nhận phiến quân Taliban như một tổ chức chính trị hợp pháp, một phần trong tiến trình chính trị đã được đề xuất có thể dẫn tới hòa đàm nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài hơn 16 năm. Đề xuất này bổ sung vào hàng loạt tín hiệu từ cả chính phủ được phương Tây hậu thuẫn này và Taliban thể hiện thiện ý lớn hơn đối với việc cân nhắc đối thoại.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (hàng trước, giữa) và đại diện các nước tham gia hội nghị "Tiến trình hợp tác hòa bình và an ninh Kabul" ngày 28-2.   Ảnh: Reuters

Đề xuất trên được Tổng thống Ghani đưa ra tại phiên khai mạc hội nghị "Tiến trình hợp tác hòa bình và an ninh Kabul" ngày 28-2 với sự tham gia của đại diện 25 quốc gia và các tổ chức quốc tế, nhằm tìm ra giải pháp thông qua thương lượng cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở quốc gia Nam Á này. 

Cuộc tấn công vào khách sạn Kabul Intercontinental hồi tháng 1 và vụ đánh bom một tuần sau đó đã giết chết hơn 100 người xảy ra không xa nơi hội nghị đang diễn ra, nhấn mạnh mối đe dọa đối với người Afghanistan và cần có nỗ lực ngoại giao để chấm dứt hơn 16 năm chiến tranh ở nước này thông qua đàm phán với Taliban. 

Hội nghị lần này là cơ hội để Tổng thống Ashraf Ghani trình bày tầm nhìn về phương hướng và đưa ra các vấn đề mà ông có thể sẵn sàng đàm phán. Ông nhấn mạnh: "Chính phủ Afghanistan đề xuất thương lượng hòa bình vô điều kiện với Taliban. Taliban được kỳ vọng sẽ đóng góp vào quá trình kiến tạo hòa bình như một tổ chức chính trị tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình". Ông nói thêm sẽ không "đánh giá xấu" bất kỳ nhóm nào muốn tìm kiếm hòa bình. Các tuyên bố mới này cho thấy sự thay đổi đáng kể của ông Ghani, bởi trước đây, ông thường xuyên gọi Taliban là "những kẻ khủng bố" và "quân nổi dậy".

Taliban, chiến đấu để khôi phục luật lệ Hồi giáo sau khi bị quân đội Mỹ lật đổ vào năm 2001, hôm 27-2 đề nghị bắt đầu các cuộc đàm phán Mỹ nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan. Taliban nêu rõ tuyên bố này nhằm đáp lại các phát biểu gần đây của các nước phương Tây rằng, Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Taliban. Lực lượng này nêu rõ nước Mỹ và các đồng minh cần xác định, vấn đề Afghanistan không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự và các chiến lược quân sự, vốn được thử nghiệm suốt 17 năm qua ở Afghanistan sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và kéo dài chiến tranh cũng như không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.

Cho đến nay Taliban vẫn từ chối các cuộc đàm phán trực tiếp với Afghanistan dù giới chức Kabul vẫn liên tục lặp lại đề nghị tiến hành hòa đàm, nêu điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán là các lực lượng nước ngoài phải rời Afghanistan. Không rõ liệu nhóm có thay đổi quan điểm trong bối cảnh áp lực quốc tế đang gia tăng.

Ông Ghani cho biết, động lực hòa bình đang được xây dựng từ các nước láng giềng cho thấy Afghanistan cần phải ổn định. "Taliban có vẻ như đã nhận thức được tình hình thay đổi và đang tham gia vào một cuộc tranh luận về những tác động của hành động bạo lực vì tương lai của họ", ông Ghani cho biết.

Bên cạnh đó, ông Ghani còn đề xuất lệnh ngừng bắn và phóng thích các tù nhân Taliban, đồng thời cho biết sẵn sàng chấp nhận việc xem xét lại hiến pháp như một phần trong thỏa hiệp với Taliban. Ông Ghani cho rằng, cần xây dựng một khuôn khổ cho các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, trong đó nhóm này được công nhận là một tổ chức hợp pháp có văn phòng chính trị riêng để tham gia các cuộc đàm phán ở Kabul hoặc một địa điểm khác. Theo ông Ghani, tiến trình này sẽ đi cùng với sự trợ giúp ngoại giao, trong đó có sự nỗ lực toàn cầu nhằm thuyết phục nước láng giềng Pakistan, vốn bị Kabul thường xuyên cáo buộc trợ giúp Taliban, về những lợi thế của một Afghanistan ổn định. Ông Ghani cũng đề nghị đối thoại với Pakistan.

Ông Ghani cho biết, các tù nhân Taliban có thể được trả tự do và tên của họ sẽ được đưa ra khỏi danh sách đen quốc tế nếu Taliban đồng ý tham gia vào quá trình hòa giải. Những tay súng của nhóm này có thể tái hòa nhập và được cung cấp việc làm.

AN BÌNH