Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn còn nhiều thách thức

Thứ ba, 20/01/2015 10:57

(Cadn.com.vn) - Là vấn đề chính được đề cập tại hội nghị tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2014 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2015 vừa được Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em (Bộ Y tế) tổ chức tại TP Đà Nẵng.

Trong năm 2014, trong số 1,2 triệu phụ nữ sinh đẻ có khoảng 50.000 bà mẹ không đến sinh tại các cơ sở y tế, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền núi các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Nguyên nhân chính là do việc tiếp cận với các CSYT có nhiều khó khăn và quan trọng vẫn còn tồn tại phong tục lạc lậu nên bà mẹ thường sinh tại nhà và không có người đỡ; số lượng cô đỡ thôn bản được đào tạo đang hoạt động còn rất thấp so với nhu cầu...

Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, cùng với chăm sóc trước và trong khi sinh, chăm sóc sau sinh là chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, là một trong những giải pháp quan trọng để phát hiện và xử lý các tai biến ở bà mẹ và sơ sinh, góp phần giảm tử vong...

Theo thống kê của Ban thẩm định tử vong mẹ các tỉnh, trong 9 tháng năm 2014 cả nước có 148 ca tử vong mẹ, trong đó cao nhất là trung du và miền núi phía Bắc với 72 ca (chiếm 27,3%), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 68 ca (chiếm 25,8%). Ngoài ra, theo kết quả điều tra biến động dân số, tỷ suất tử vong trẻ em (TVTE) dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi tương ứng đã giảm xuống còn 15,3/1.000 và 23,1/1.000 trẻ đẻ sống. Căn cứ vào số liệu thì Việt Nam còn nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu về giảm TVTE dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi nếu không được đầu tư tương xứng và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cũng như các can thiệp chuyên môn đặc thù.

Tỷ lệ phụ nữ sinh tại cơ sở y tế là 97,5%.

Cũng theo Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, tình trạng phá thai ở tuổi vị thành niên trên toàn quốc trong năm qua vẫn không giảm so với năm trước và tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ và phụ nữ mang thai còn cao. Như vậy, nếu không có các can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì mỗi năm nước ta có khoảng 1.400 trẻ em có nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ. Vấn đề này vẫn được quan tâm, đầu tư thỏa đáng trong những năm tới, vì dự phòng lây truyền mẹ con mang lại hiệu quả không chỉ về y học mà còn mang tính nhân văn cao cả.

Theo bà Lưu Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trong năm 2015 ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông – giáo dục sức khỏe, chú trọng vào truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình thông qua mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản, tuyên truyền viên của các đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số các vùng khó khăn.

Đồng thời, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, bao gồm cả y tế ngành, y tế tư nhân về dự phòng, phát hiện và xử lý cấp cứu sản khoa và sơ sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyển tuyến cấp cứu sản khoa và sơ sinh, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện dự phòng, phát hiện và xử trí cấp cứu sản khoa và sơ sinh ở tất cả các cơ sở y tế, đặc biệt quy chế phối hợp giữa các chuyên ngành sản, nhi và hồi sức cấp cứu ở từng cơ sở y tế có đỡ đẻ, bao gồm cả các cơ sở y tế ngành, y tế tư nhân. Cũng như, tiếp tục triển khai các can thiệp có hiệu quả trong việc giảm tử vong bà mẹ, tử vong sơ sinh...

T.Dũng