COP21 đạt thỏa thuận về biến đổi khí hậu: “Cơ hội để cứu trái đất”

Thứ hai, 14/12/2015 09:17

(Cadn.com.vn) - Với thỏa thuận mà các bên đạt được tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21), cả thế giới đánh dấu “cuộc cách mạng” về chuyển đổi sử dụng nhiên liệu nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Kết thúc phiên họp cuối cùng vào ngày 12-12 (giờ địa phương) tại thủ đô Paris của Pháp, các đại biểu đến từ 195 quốc gia tham gia COP21 đã hoàn thành sứ mệnh đặt ra: đạt thỏa thuận lịch sử ràng buộc các nước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Thỏa thuận Paris, nhiệt độ tăng thêm giới hạn ở mức 2 độ C (và cố gắng chỉ trong mức 1,5 độ C) vào cuối thế kỷ XXI. Các bên cũng nhất trí dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu... Tổng Thư ký Ban Ki-Moon nhận định: “Đây là thành công vĩ đại đối với trái đất và người dân địa cầu”.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon (giữa) và Tổng thống nước chủ nhà Pháp Francois Hollande (phải) vui mừng khi Thỏa thuận Paris được thông qua. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận lịch sử

Trong bài phát biểu hôm 13-12 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi thỏa thuận “mạnh mẽ và mang tính lịch sử” đồng thời xem đây là “cơ hội tốt nhất” để cứu trái đất khỏi những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Ngày nay, người dân Mỹ có thể tự hào vì thỏa thuận này là thành quả vai trò lãnh đạo của nước nhà. Trong 7 năm qua, chúng ta là quốc gia đi đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, ông Obama nói đồng thời mô tả thỏa thuận này là “đầy tham vọng” cho thấy, cả thế giới đang đứng về một phía. Trung Quốc – quốc gia có lượng khí thải nhiều nhất thế giới hiện nay - cũng hoan nghênh thỏa thuận này khi cho rằng, các nước trên thế giới “đang có những bước tiến lịch sử về phía trước”. Quốc gia gây ô nhiễm nghiêm trọng khác là Ấn Độ cũng khẳng định: “Chúng ta đã viết nên một chương mới cho cuộc sống của 7 tỷ người”.

Thành công của COP21 thật ra đã được đảm bảo trước khi bắt đầu hội nghị khi 187 quốc gia đệ trình các kế hoạch chi tiết về cách kiểm soát việc tăng lượng khí thải nhà kính. Trong khi mỗi quốc gia theo đuổi những biện pháp riêng, thỏa thuận cuối cùng đặt ra tầm nhìn và quá trình hành động chung sau nhiều năm tranh cãi. Các nhà đầu tư đang tính toán chi hàng nghìn tỷ USD để thay thế năng lượng từ than bằng năng lượng mặt trời và sức gió.

Liệu có đủ mạnh?

Một số điểm nổi bật trong thỏa thuận

- Giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức dưới 2 độ C và theo đuổi những nỗ lực để xuống ở mức 1,5 độ C

- Kiểm tra báo cáo tiến độ thực hiện 5 năm/lần

- 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển từ năm 2020 để ứng phó biến đổi khí hậu và cam kết chi nhiều hơn nữa trong tương lai.

Quốc gia chủ nhà Pháp khẳng định, đây là thỏa thuận công bằng, bền vững và có tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, một số nhà vận động cho rằng, thỏa thuận này không đủ mạnh để bảo vệ trái đất.

Các nhà khoa học cảnh báo, việc cắt giảm khí thải sẽ không đủ để giữ nhiệt độ tăng ở mức dưới 2 độ C. Tại Mỹ, bất chấp sự lạc quan của ông chủ Nhà Trắng, nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Inhofe, đứng đầu Ủy ban Môi trường Thượng viện và công trình công cộng, cho rằng, thỏa thuận lần này “không có ý nghĩa gì hơn đối với Mỹ” so với Nghị định thư Kyoto năm 1997. Theo ông, không giống như Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris lần này không phải là hiệp ước ràng buộc pháp lý đầy đủ.

Tổng thống Obama vốn xem chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu là ưu tiên hàng đầu trong cả 2 nhiệm kỳ nhưng luôn vấp phải đòn chống cự mạnh mẽ của đảng Cộng hòa. Và lần này cũng vậy. Đa số thành viên đảng Cộng hòa xem thỏa thuận này là mối nguy hiểm đang đe dọa nền kinh tế. Theo giới quan sát, trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang kiểm soát ở Đồi Capital, thỏa thuận khí hậu lịch sử này sẽ khó vượt cửa Quốc hội.

Tất nhiên, không có thỏa thuận nào là hoàn hảo. Đảng Cộng hòa Mỹ có thể sẽ tiếp tục “vạch lá tìm sâu”. Nhưng có thể thấy, 6 năm sau hội nghị tại Copenhagen kết thúc thất bại và đầy mâu thuẫn, Thỏa thuận Paris đã giúp gầy dựng lại sự tin tưởng cần thiết cho nỗ lực phối hợp toàn cầu để chống biến đổi khí hậu.

Khả Anh