Đại dương - những cuộc chạy đua mới

Thứ bảy, 30/08/2014 07:20

(Cadn.com.vn) - Quốc hội Mỹ hiện đang cân nhắc cấp khoảng 2 tỷ USD cho dự án khám phá đại dương thay vì chinh phục vũ trụ. Đơn giản, có tới 70% bề mặt trái đất là đại dương, nên nó sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực so với chinh phục không gian.

Chinh phục vũ trụ hay khám phá ra đại dương?

Ngay từ năm 1966, Cơ quan nghiên cứu Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) quan tâm đến dự án khám phá đại dương bởi nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực chứ không xa vời như nghiên cứu vũ trụ.

Năm 1966, chuyên gia thám hiểm đại dương người Mỹ, John Steinbeck công bố nghiên cứu “Khám phá đại dương để tìm kho báu bị lãng quên”, trong đó nhấn mạnh, đại dương là mảnh đất sơ khai và màu mỡ, cái nôi để nuôi sống con người. Tuy nhiên. sau gần 50 năm, những dự đoán này vẫn chưa trở thành hiện thực vì lý do thiếu vốn, thậm chí còn bị đánh giá thấp.

Chẳng hạn, nguồn vốn cấp cho NASA là 150 thì cho nghiên cứu về đại dương chỉ có 1. Ngay phân bổ tài chính năm 2013 vừa qua cho NASA cũng cao gấp 3,5 lần so với NOAA. Theo ông Michael Conathan, Giám đốc Trung tâm Vì sự tiến bộ Mỹ (CAP) sở dĩ việc khám phá đại dương bị chậm là do nhiều yếu tố, trong đó có tâm lý. Con người ưa khám phá những gì ở bên ngoài trái đất nhiều hơn là những gì thuộc về trái đất, nhất là khi nó lại chìm sâu dưới lòng đại dương, trong khi chi phí lại có hạn.

Thời thế nay đổi thay. Ngoài những cuộc chạy đua mới, con người còn nghĩ đến những lợi ích thiết thực mà lâu nay đang bị bỏ quên dưới lòng đại dương.

Phi thuyền thám hiểm đại dương trong dự án Amitai Etzioni của NASA.

Những lợi thế to lớn

Ngoài tầm quan trọng ảnh hưởng đến an ninh, địa chính trị, vận tải biển, đại dương còn có rất nhiều lợi thế quan trọng trong cuộc sống của con người.

Thứ nhất, khám phá đại dương giúp con người hiểu sâu thêm về các hình thái khí hậu và giám sát khí hậu. Hiện tượng nóng lên của trái đất có sự góp mặt của tình trạng gia tăng khí thải CO2. Nhiều giả thiết cho rằng, nghiên cứu không gian giảm được tình trạng này nhưng thực ra đại dương mới là quan trọng, đặc biệt là khả năng hấp thụ CO2 của đại dương rất cao. Các “bẫy” CO2 có mặt trên trái đất như cây trồng không đủ sức để “giải nén” CO¬2 mà phải nhờ đến đại dương.

Đại dương là nguồn cung cấp thực phẩm vô tận cho con người. Rất đa dạng và phong phú như cá, tôm cua, hải sản các loại... Năm 2011, con người đánh bắt được 78,9 triệu tấn hải sản, nguồn protein vô cùng quan trọng và hữu ích cho nhân loại. Mặc dù đại dương quan trọng như vậy nhưng sự hiểu biết của con người về khí hậu ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển vẫn còn rất hạn chế. Ví dụ, như nạn axít hóa nước biển, nhiệt độ nước biển trào dâng, khiến hệ sinh thái biển bị hủy diệt. Nếu khám phá đại dương hiệu quả sẽ giúp con người khắc phục điều này, khiến cuộc sống tốt hơn so với nghiên cứu sao Hỏa, sao Mộc và những hành tinh xa xôi.

Lợi ích vô cùng to lớn khác của đại dương là cung cấp nguồn dược phẩm vô tận. Mới đây, các nhà khoa học phát hiện loại bọt biển đen Nhật Bản, có khả năng sản xuất hợp chất phân chia tế bào ung thư, mở ra những hướng đi mới trong việc tìm ra thuốc trị ung thư vú.

Chưa hết, các nhà khoa học còn phát hiện loài khuẩn ngoài khơi bờ biển Bahamas có khả năng sản xuất ra thuốc kháng sinh và thuốc chống ung thư, dược phẩm chống đau thần kinh, chữa hen, viêm nhiễm... Đây là những hóa chất quý giá bởi không gây phản ứng phụ.

Về năng lượng, đại dương đã và đang cung cấp lượng sản phẩm cực kỳ to lớn. Đó là dầu khí và các loại năng lượng lựa chọn khác. Không chỉ có NOAA, NASA hiện cũng đang thực hiện nhiều dự án sản xuất năng lượng đi từ biển, trong đó có dự án sản xuất lò phản ứng hạt nhân năng lượng thấp (LENR) hoặc dùng chính năng lượng biển để cấp cho các tàu nghiên cứu vũ trụ.

Ngoài những lợi thế nói trên, đại dương còn cung cấp nhiều thế mạnh khác cho con người. Trong đó có dự án nghiên cứu quan trọng tìm hiểu tiếng ồn dưới lòng đại dương, có tên Bloop và Julia, được tạo ra từ các hoạt động dưới đáy biển, kể cả những “thác nước” ngầm dưới lòng đại dương.

Để khai thác tốt hơn tiềm năng đại dương, NASA hiện đang bắt tay vào thực hiện dự án có tên Amitai Etzioni - thám hiểm những vùng biển nước sâu thông qua những phi thuyền không người lái hay còn gọi là phi thuyền không gian đại dương. Nếu thành công, giấc mơ thế kỷ chinh phục đại dương của nhân loại sẽ trở thành hiện thực.

Kim Hùng (Theo Issues)