Đất Quảng anh hùng (Kỳ 2: Nhớ những ngày ở khu dồn)

Thứ bảy, 24/03/2018 15:20

Tháng 10-1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Lúc bấy giờ, trên chiến trường miền Nam chỉ có 2 đặc khu: Đặc khu Sài Gòn-Gia Định và Đặc khu Quảng Đà.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, thôn Chánh Lộc ngày nay đã phủ một màu xanh sự sống.

Những năm kháng chiến ác liệt nhất, ngọn núi Hòn Tàu (xã Duy Sơn, H.Duy Xuyên) là nơi nuôi giấu cán bộ đồng thời cũng là đầu não của cách mạng Quảng Đà. Chính vị trí trọng yếu này khiến khu vực dưới chân núi Hòn Tàu luôn là vùng bất an ninh trong mắt địch. Nếu như trong chiến tranh, người dân đã phải chịu nhiều áp bức thì tại nơi đây người dân Duy Sơn còn phải đêm ngày đấu tranh với sự càn quét của giặc Mỹ. Thế nhưng bằng niềm tin vào cách mạng, sự kiên định ngoan cường, người dân nơi đây vẫn kiên trung vững dạ. Từ năm 1971, Mỹ-ngụy thất bại liên tiếp trên các chiến trường, để chỉ đạo sát hơn với phong trào, tháng 12-1971, Hội nghị Đặc Khu Quảng Đà đã quyết định chuyển toàn bộ các cơ quan của đặc khu từ khu A7, giáp ranh giữa Đại Lộc và huyện Giằng xuống khu vực núi Hòn Tàu. Đây là một dãy núi diện tích chỉ gần 100km2, giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, hiểm trở, nhiều hang động chứa được lượng người lớn, làm nơi sinh hoạt, hội họp... Cơ quan Khu ủy, lúc đầu đóng ở Cù Hang, sau chuyển về đồi Bắc Lon, thuộc xã Duy Sơn, Duy Xuyên hiện nay. Đây là địa điểm thuận lợi gần đường giao thông nối liền với Khu ủy 5 đóng ở Phước Trà, Hiệp Đức. Từ đây có thể lên tuyến đường Trường Sơn, về các huyện đồng bằng thuận tiện...Từ căn cứ Hòn Tàu, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã chỉ đạo cuộc tổng tấn công thu được nhiều thắng lợi lớn.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về khu dồn Giếng Tiên chỉ còn trong trí nhớ của những bô lão làng Chánh Lộc. Vùng đất lửa năm xưa nay đã đâm chồi xanh tốt vươn lên những mầm sống mới. Cánh đồng Trà Lý (thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, Duy Xuyên) những ngày tháng 3 đang ở độ đẹp nhất năm khi những ngọn lúa đã lên đòng báo hiệu cho một vụ mùa sung túc. Từ đây nhìn lên Hòn Tàu, ngút ngàn màu xanh nhưng ít ai biết rằng hơn nửa thế kỷ trước cánh đồng này đầy rẫy bom mìn.  Bà Phạm Thị Sáu (62 tuổi) vẫn không thể nào quên những ngày tháng chạy giặc tại khu dồn. "Sống trong vùng bất an ninh nên chúng tôi dù là quân hay là dân vẫn bị dòm ngó, kìm kẹp gắt gao. Những năm ác liệt nhất, quân Mỹ lùng sục sắp Duy Sơn truy tìm cộng sản thì cũng là lúc người dân Chánh Lộc không còn nhà để ở. Để quản lý tình hình, chúng dồn hàng trăm hộ dân dưới chân núi Hòn Tàu ra khu dồn Giếng Tiên. Từ đây ban ngày chúng tôi về làm ruộng ban đêm lại chạy ra khu dồn ở".

Bất lực trong việc truy quét cách mạng bao nhiêu thì Mỹ lại đổ bom đạn xuống vùng đất này bấy nhiêu. Cuối năm 1971 đầu năm 1972, địch điên cuồng dùng B52 ném bom xuống căn cứ Hòn Tàu nhằm sát hại hàng nghìn cán bộ các cơ quan Đặc Khu ủy Quảng Đà. Chúng liên tục tổ chức các cuộc phi pháo, tập kích trên đường hành lang từ căn cứ Hòn Tàu xuống các xã ven chân núi nhằm ngăn chặn đường vận chuyển lương thực lên căn cứ. Chúng thường xuyên dùng máy bay rải truyền đơn, kêu gọi chiêu hồi, hòng làm lung lay tư tưởng cán bộ, lực lượng vũ trang của ta.

Theo lời kể của bà Sáu, những năm ấy máy bay Mỹ quần thảo liên tục phát loa: "Tết năm ni đừng rang nổ để rổ đựng xương", "Bảy thằng cộng sản đứng không dập một ống đu đủ. Muốn sống thì theo, chống thì chết". Bom Mỹ dội liên tục kèm theo truyền đơn  tuyên bố khen thưởng cho những ai chỉ ra vị trí căn cứ cách mạng, chỗ nuôi giấu cộng sản tại Hòn Tàu. Thế nhưng đáp lại sự điên cuồng đó, bà con Duy Sơn vẫn một lòng quyết tâm bảo vệ căn cứ của ta.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà Sáu kể: "Ra khu dồn ở dân chúng tôi phải bỏ lại hết nhà cửa, vườn tược tại đây. Dù nhà mình bị Mỹ đốt cháy trơ trụi nhưng chúng tôi vẫn không nao núng bởi chiến tranh không chỉ có lực lượng bộ đội là đủ mà cả toàn dân cũng phải đồng lòng. Ra khu dồn ở thiếu thốn đủ điều trong khi đó quân Mỹ tìm đủ mọi cách kích động như uy hiếp, rải truyền đơn vậy mà dân chúng tôi không hề nao núng". Khó khăn là vậy nhưng người dân Chánh Lộc khi ấy không chỉ phải lo cho cuộc sống của bản thân mình mà còn cả cái ăn cái mặc cho bộ đội ta. Không chịu ở trong khu dồn, bà con đưa ra hàng chục lý do đòi về vườn sản xuất để có cái ăn. Cũng từ đó những buổi về vườn nhà sản xuất cũng là dịp gặp gỡ, tiếp tế lương thực giữa đồng bào và chiến sĩ Hòn Tàu. Từng mớ rau, củ sắn những ngày ấy không chỉ là thực phẩm mà còn là những giọt ân tình thấm đẫm tình quân dân. Đến mùa thu hoạch, lúa khoai bà con không đem hết về khu dồn mà để lại một phần bỏ vào chum chôn giấu trong bụi cây để cán bộ, du kích đến lấy. Và chính những sợi dây kết nối vô hình ấy đã gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc mãi cho đến ngày toàn thắng.

Bà Phẩm nhớ lại những ngày tháng hoạt động cách mạng dưới chân núi Hòn Tàu.

Người dân sống dưới thung lũng Hòn Tàu ai cũng biết câu chuyện giả câm suốt 3 năm làm cơ sở cho Đặc khu ủy Quảng Đà của vợ chồng ông Võ Đoàn (82 tuổi).  Từ tuổi đôi mươi, đến khi núi Hòn Tàu thành nơi đóng chân của Đặc khu ủy, cả gia đình ông theo vào vùng giải phóng. Địch khủng bố, đe dọa, bao phen pháo kích, bom bầy, nhiều cơ sở như nhà ông Đoàn vẫn kiên quyết bám trụ. Những ngày ấy ông Đoàn làm cơ sở cách mạng, vợ ông là bà Phạm Thị Phẩm ở lại thôn Chánh Lộc mà không chịu di dời ra khu dồn bởi bà phải ở lại để thông tin liên lạc. Dù đã ở vào tuổi gần đất xa trời nhưng kể lại những ngày tháng tham gia cách mạng giọng bà vẫn rất hào sảng: "Địch dồn dân xuống Giếng Tiên Trà Kiệu bây giờ nên công tác tuyên truyền của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi phải tranh thủ lúc bà con đi sản xuất để gặp gỡ, thông báo thông tin. Khi ấy địch đã nghi ngờ tôi theo cách mạng nên tìm cách bắt bớ. Để bảo vệ thông tin cho cán bộ, chồng tôi đành phải giả câm để qua mắt. Nhiều lần địch bắt tôi đánh đập nhưng tôi quyết chí không khai". Những ngày ấy Hang Dơi, Hang Sóc trên núi Hòn Tàu là nhà của vợ chồng ông Đoàn, cánh đồng lớn thôn Chánh Lộc là mặt trận liên lạc. Họ đã trải qua những ngày tháng đầy gian nan từng bước cùng bộ đội ta đến ngày toàn thắng.

Và cùng với ý chí quyết tâm của ông Đoàn, bà Phẩm, bà Sáu và hàng trăm hộ dân Duy Sơn, các chiến sĩ cách mạng trú tại đặc khu ủy Quảng Đà đã được bảo vệ suốt nhiều năm liền. Và cũng từ nơi đây, những tín hiệu về một cuộc giải phóng đã được truyền đi khắp mọi miền đất nước.

(còn nữa)

ĐỒNG DAO