Đất thiêng Côn Đảo (3)

Thứ tư, 17/05/2017 12:26

Bài 3: Những người tù đặc biệt

(Cadn.com.vn) - Đưa chúng tôi đi tham quan di tích Trại giam Phú Hải, thuyết minh viên Lê Nhất Nhân cho biết đây là một trong các nhà tù lớn và cổ nhất ở Côn Đảo, được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX. Nhà tù lúc đầu được làm bằng vách đất do 50 người tù đầu tiên được đưa từ đất liền ra, chủ yếu là tù thường phạm với mức án từ 1 đến 10 năm tù. Có thời gian do tù nhân kết hợp với người dân địa phương tổ chức vượt ngục nên sau đó thực dân Pháp đã đưa toàn bộ dân vào đất liền nhằm cách ly hoàn toàn người tù với thế giới bên ngoài. Khuôn viên trại giam nhìn từ ngoài vào trông rất đẹp, giống như một công viên, giữa sân có nhà nguyện lớn, các đoàn kiểm tra nhân quyền đâu có biết rằng bên trong vẻ hào nhoáng ấy lại là nơi tra tấn đày đọa, giam cầm người tù rất dã man. Toàn khu trại có 10 phòng giam tập thể (gọi là khám), 1 phòng giam tù đặc biệt, 20 xà lim, khu lao động khổ sai đập đá, hầm xay lúa. Ngoài ra còn có các công trình phụ như: câu lạc bộ; nhà ăn; giảng đường, nhà nguyện...

Đoàn cán bộ phụ nữ CATP Đà Nẵng tham quan nhà tù Côn Đảo.

Trong các khám, người tù ngoài hệ thống khóa cùm chân còn có 2 lớp cửa bảo vệ, lớp cửa ngoài bằng sắt  kiên cố, lớp cửa thứ 2 như một cái lồng sắt nhằm bảo vệ cai ngục, tránh việc người tù nổi dậy đấu tranh. Thời Pháp, một khám thường giam từ 80 đến 120 người tù, sang thời Mỹ-Ngụy có lúc  giam từ 180 đến 200 người. Người tù bị cùm, mọi ăn uống sinh hoạt đều ngay tại chỗ. Dưới thời thực dân Pháp, người tù   chỉ được mặc quần áo khi ra khỏi khám, còn vào bên trong khám thì không mặc gì cả, trần truồng nằm trên nền xi-măng lạnh lẽo.  Bác Tôn Đức Thắng (Phó Chủ tịch nước) được coi là người tù có “thâm niên” nhất ở Côn Đảo. Bác Tôn bị thực dân Pháp đưa ra Côn Đảo từ  ngày 12-7-1930 đến khi Cách mạng tháng 8-1945 thành công mới được trả tự do. Trong giai đoạn từ 1930 đến 1945, bác Tôn Đức Thắng lần lượt trải qua hầu hết các nhà tù ở Côn Đảo.

Theo thống kê của Bảo tàng Tôn Đức Thắng thì Bác bị giam ở Côn Đảo tổng cộng 5.550 ngày đêm, bằng 15 năm 1 tháng 20 ngày. Trong Trại Phú Hải có các khu nhà được dùng làm câu lạc bộ, bệnh xá, nhà nguyện, nhà ăn xây dựng hoàn tất năm 1963 nhưng chưa có một tài liệu hoặc một người cựu tù nào nói là đã được ăn tại đây, chế độ thực dân Pháp làm ra chủ yếu để đối phó với các đoàn kiểm tra nhân quyền quốc tế. Hầm xay lúa- nơi Bác Tôn và nhiều chiến sĩ cách mạng, chí sĩ yêu nước bị đày ải được xây tường đá bao quanh, các cửa sổ đều bị bịt kín. Các tài liệu để lại cho biết trung bình mỗi ngày ở đây có khoảng 60 người tù làm việc tại 4 cối xay lúa. Cối rất nặng, phải 4 đến 6 người tù mới có thể kéo nổi một cối xay lúa. Người tù làm quần quật từ sáng đến chiều, thức ăn chủ yếu là khô mắm nên hầu hết bị suy sinh dưỡng, thêm vào đó không gian làm việc toàn bụi trấu tỏa ra mịt mù không lối thoát khiến người tù bị ngạt thở, bị các bệnh về phổi và mắt, cứ thế chết dần chết mòn. Vào thời Mỹ-ngụy, lo ngại các đoàn kiểm tra nhân quyền quốc tế nên hầm xay lúa được chuyển thành bệnh xá, các cửa được mở ra để thông gió.

 Mô hình các tù nhân đặc biệt từng bị giam ở Côn Đảo.

Khu xà lim mà người tù gọi là hầm đá được xây bằng đá tảng, chỉ những góc mới xây bằng gạch, đêm đến, nhất là những hôm có mưa sẽ rất lạnh. Nơi này chủ yếu để giam tù khổ sai, những người khi ra ngoài lao động đã tổ chức vượt trại và bị bắt lại. Trong 10 ngày đầu, người tù không được ăn bất cứ thứ gì, chỉ cho uống nước và bị cùm chân 24/24 giờ, mọi ăn uống, vệ sinh đều tại chỗ. Một tuần, người tù được tắm 1 lần bằng cách cai tù  đứng ngoài cửa dùng nước tạt vào. Khu này có tất cả 20 xà lim được xây đấu lưng với nhau, thời Pháp mỗi xà lim đơn giam từ 2 đến 4 người, xà lim đôi giam từ 6 đến 8 người. Sang thời Mỹ ngụy, lúc cao điểm nhất mỗi phòng giam từ 20 người đến 28 nữ, nam có thể đến 30 người. Phòng giam số 3 có diện tích nhỏ nhất, sang thời Mỹ ngụy có tên là “khám tử hình”, dùng để giam những tù nhân mang án tử hình.

Thực dân Pháp cai quản các nhà tù ở Côn Đảo trong 92 năm (từ 1862 đến 1954) nhưng không chăng lưới dây thép gai bởi trong khoảng thời gian đó không có người tù nào trốn được ra ngoài. Đến năm 1955, khi được Pháp chuyển giao chế độ nhà tù Côn Đảo, chính quyền Mỹ-ngụy đã từng tuyên bố: Người tù đã ra đến Côn Đảo thì không còn thuộc quyền quốc gia quản lý nữa, trong khi ngọn cỏ hay  không khí cũng là của quốc gia. Nhưng với người tù Côn Đảo ngày ấy, ngay cả đến cỏ cũng không được ăn, không khí không được hít, các cửa phòng giam bị bịt kín dẫn đến nhiều người bị chết ngạt. Ở đây chưa ghi nhận có trường hợp nào phá được nhà tù, chỉ khi nào mãn hạn mới được ra ngoài. Vậy mà vào một đêm tháng 10-1966, có 3 tù nhân trong khám tử hình trổ mái ngói và trốn được ra ngoài nhưng do không có phương tiện để vào đất liền nên khoảng 10 ngày sau thì  bị bắt lại và bắt đầu từ đó, toàn bộ các phòng giam đều được giăng dây thép gai bên trên, riêng phòng giam số 3 được giăng đến 2 lớp. Trong số 3 người tù trổ mái ngói vượt ngục năm ấy, sau này có 1 người đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, đó là ông Lê Văn Việt, hiện có một con đường mang tên ông tại Q.9 TP. Hồ Chí Minh. Ông Việt bị đày ra  Côn Đảo cùng với người sinh viên yêu nước Lê Hồng Tư và chiến sĩ Phạm Văn Dậu. Sau khi  trổ ngói vượt ngục và bị bắt lại, ông Lê Văn Việt bị tra tấn cho đến chết. Năm 1994, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, mộ ông hiện đang yên nghỉ tại khu C nghĩa trang Hàng Dương. Ông Phạm Văn Dậu và Lê Hồng Tư  bị phạt cấm cố xà lim vô thời hạn, đến ngày đất nước thống nhất năm 1975 mới  được trao trả.

 Các hình thức tra tấn dã man đối với người tù được tái hiện.

Tại Côn Đảo hiện còn ghi dấu nhiều lớp tù nhân từ thời chống chống Pháp như: Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lã Xuân Oai, Phan Châu Trinh... Nhiều chiến sỹ cách mạng Việt Nam như các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng... đến các thế hệ sinh viên, học sinh xuống đường chống Mỹ - Thiệu bị bắt đều trải qua những năm tháng lao tù tại đây. Trại giam Phú Hải là nơi có Chi bộ cộng sản đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo được thành lập vào cuối năm 1932. Hiện nay, bên cửa mỗi phòng giam tại nhà tù Phú Hải đều có bảng ghi tên những người tù tiêu biểu đã từng bị giam ở đây. Một điều thú vị là trong đoàn của chúng tôi lần này có một chị có cha là chiến sĩ cách mạng đã từng bị tù ở Côn Đảo. Khi biết đoàn đang tham quan trại giam Phú Hải, ông gọi điện bảo chị đứng trước cửa phòng giam số 7 và quay phim để cho ông xem lại nơi ông đã từng bị giam cầm từ cách đây gần 60 năm.

(còn nữa) K.T