Dấu ấn Côn Đảo...

Thứ bảy, 02/09/2017 12:43

Sau 45 phút cất cánh từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), chuyến bay Vietnam Airlines đưa đoàn chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Cỏ Ống (H.Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu) trong ánh nắng rực rỡ trưa một ngày giữa hạ... Dẫn đầu đoàn hành hương về Côn Đảo của huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) lần nầy là Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tri Ấn cùng 12 cựu tù Côn Đảo và 9 thân nhân của liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ngay sau khi xuống sân bay Cỏ Ống, đoàn được ô-tô khách đón về trung tâm thị trấn cách đó chừng 15 km. Đi trên con đường nhựa băng qua những dãy đồi cây xanh trải dài, chúng tôi cảm nhận không gian nơi đây thật an bình, tĩnh lặng.  Trở lại Côn Đảo - nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian" thời chiến tranh, điểm đầu tiên đoàn đến tham quan là hệ thống nhà tù thời Pháp và Mỹ-ngụy. Tại đây, mọi người không khỏi bồi hồi, xúc động khi tận mắt nhìn thấy những nơi đã từng giam giữ, tra tấn dã man các chiến sĩ yêu nước của ta. Ở các khu trại giam, chúng tôi được giới thiệu tham quan các xà lim, hầm xay lúa, khu đập đá, chuồng cọp, biệt lập chuồng bò; các trại giam thời Mỹ ngụy gồm các sở tù, sở lưới, sở làm đá, sở chuồng bò...Tại đây, tận mắt chứng kiến cảnh phục dựng các tù nhân yêu nước bị kẻ thù cầm tù, tra tấn, hành hạ dã man, ai cũng rưng rưng nước mắt. Đứng trước một "chuồng cọp" được xây kín mít, bên trên có song sắt, ông Nguyễn Tài - một cựu tù Côn Đảo (hiện sống tại thị trấn Núi Thành) cùng đi trong đoàn nhớ lại: "Chuồng cọp ni thời Pháp chỉ giam một người, đến thời Mỹ ngụy, mùa nắng chúng giam đến 14 người, mùa mưa giam 1 người. Bọn chúng luôn theo dõi, nếu tù nhân nói chuyện hoặc có hành động gì thì dùng nước hoặc vôi bột rải xuống từ phía trên qua song sắt làm tù nhân sặc sụa. Còn về ăn uống hàng ngày thì bọn chúng đút cơm xuống qua khe sắt, hoặc cho tù nhân ra bưng cơm, mỗi lần như vậy người tù đều bị chúng đánh đập, có người ngã gục, hộc máu mũi...Tuy bị tra tấn man rợ nhưng chúng tôi vẫn giữ khí tiết, tổ chức liên lạc với nhau bằng ám hiệu, mooc-sờ rồi tuyệt thực phản đối"... Dưới chế độ lao tù hà khắc, nhiều chiến sĩ cách mạng đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Riêng H. Núi Thành cớ 9 cựu tù Côn Đảo được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương...

Tham quan các khu trại giam nhà tù Côn Đảo.

Trở lại nơi từng được mệnh danh là "địa ngục trần gian" lần này, những cựu tù Côn Đảo rất vui mừng vì sự đổi thay tại vùng đất tâm linh này, đặc biệt là sự quan tâm chăm sóc, bảo tồn, tôn tạo nghĩa trang Hàng Dương, các mộ liệt sĩ và các di tích khác. Ông Phan Thanh Bình-cựu tù Côn Đảo (hiện ở xã Tam Giang) bày tỏ: "Từ sau ngày giải phóng đến nay tôi đã 2 lần ra Côn Đảo, nhưng lần này tôi phấn khởi nhất bởi nhìn cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp. Chúng tôi rất xúc động và biết ơn khi tận mắt nhìn những ngôi mộ của đồng đội trong nghĩa trang Hàng Dương được chăm sóc, tôn tạo khang trang...Côn Đảo ngày nay đã khác xưa, Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công trình cùng cơ sở hạ tầng thông thoáng. Chúng tôi cảm thấy rất hài lòng, thanh thản khi đến vùng đất tâm linh này". Em Trần Tấn Bảo-sinh viên, quê xã Tam Mỹ Tây cùng đi trong đoàn chia sẻ: "Em ra Côn Đảo lần này là để thăm và dâng hương mộ ông nội em là liệt sĩ Trần Hy. Cảm nhận của em là không khí Côn Đảo rất trong lành, quang cảnh còn giữ được nét hoang sơ, mặc dù có nhiều công trình mới mọc lên. Là thế hệ trẻ, em rất biết ơn những người đã hy sinh vì đất nước để cho chúng em có cuộc sống tươi đẹp hôm nay".

Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho biết:  "Côn Đảo-nơi ghi dấu nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh của chiến sĩ cách mạng. Đặc biệt, Núi Thành có rất nhiều đồng chí đã từng bị giam cầm, hy sinh tại đây. Hôm nay về Côn Đảo, chúng tôi chứng kiến nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, hệ thống nhà tù và các di tích ở Côn Đảo được gìn giữ, tôn tạo chu đáo. Côn Đảo ngày nay từng bước được xây dựng trong môi trường xanh, sạch, đẹp...". Côn Đảo hôm nay đổi thay từng ngày. Nhà cửa, công trình mới mọc lên bên những con đường rợp bóng cây xanh. Ông Nguyễn Anh Nhựt - Phó Chủ tịch UBND H. Côn Đảo khẳng định: "Côn Đảo ngày càng vươn lên về mọi mặt, chúng tôi tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời sẽ làm hết sức mình để giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử và nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương cho thế hệ hôm nay và mai sau...".

VĂN PHIN