"Đáy sông còn đó bạn tôi nằm"!...

Thứ bảy, 22/07/2017 10:44

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cùng đoàn công tác đến Thành cổ, dâng hương và thả hoa
tri ân Anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn.

Cùng ngày, Đại tướng Ngô Xuân Lịch-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các tướng lĩnh trong Quân đội đã đặt vòng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị và bến thả hoa bờ nam sông Thạch Hãn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9.

Trong không khí linh thiêng và trang nghiêm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cùng đoàn công tác của Quân ủy Trung ương bày tỏ lòng xúc động và biết ơn các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; đồng thời tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hiến trọn tuổi thanh xuân, máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Sáng 21-7, tại Quảng trường Giải phóng TX Quảng Trị (Quảng Trị), Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 phối hợp tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng nhớ tri ân Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc và Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Hơn 10 ngàn tăng ni, Phật tử của 64 tỉnh thành trong cả nước cùng đông đảo cựu chiến binh (CCB), trong đó có 300 Chiến sĩ Thành cổ tham dự đại lễ. Buổi lễ diễn ra trong niềm thành kính, nhớ thương và biết ơn sâu sắc các liệt sĩ đã hy sinh vì tự do, tươi sáng của dân tộc khiến lay động cả không gian tâm linh đôi bờ Thạch Hãn.

Đại lễ cầu siêu tưởng nhớ, tri ân Anh hùng liệt sĩ tại Quảng trường Giải phóng TX Quảng Trị.

Tôi kể cho CCB già Phạm Minh Phương quê Hưng Yên đã 20 năm mới trở lại Quảng Trị nghe về câu chuyện xúc động gần mé sông Thạch Hãn vài năm trước. Đó là một ngày đầu tháng 9, người dân ở gần bến thả hoa nam Thạch Hãn đào móng cất nhà đã phát hiện nhiều kỷ vật của bộ đội. Ngay lập tức, Ban CHQS thị xã cùng lực lượng chức năng tiến hành khoanh vùng, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Sau ngày đầu tiên tìm thấy 4 hài cốt, cơ quan chức năng bước đầu xác định được đây là vị trí một trạm trung chuyển thương binh của bộ đội Giải phóng đã bị pháo địch vùi dập trong Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Những ngày tiếp theo, đã cất bốc được thêm 3 hài cốt liệt sĩ nữa... nhưng chưa xác định được danh tính. Tôi chưa kịp kể hết thì người CCB già đã lặng người đi, bàn tay đưa lên ngực, nghe đau thương đang xé tim mình, mang theo ký ức bi hùng những ngày chiến đấu trên mảnh đất hoa lửa này...

Khi đang học năm nhất khoa Toán ĐHSP Hà Nội, sinh viên Phạm Minh Phương lên đường nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư 320B và tiến vào mặt trận Quảng Trị, tham gia bảo vệ Thành cổ. Đây là 1 trong 2 Sư đoàn (cùng với 325) trực tiếp chiến đấu tại Thành cổ. "Bom đạn dữ dội và khốc liệt, lúc đó Thành cổ đêm cũng sáng như ngày", người cựu binh nhớ lại. Lời ông khiến tôi liên tưởng đến con số khủng khiếp: chỉ trong 81 ngày đêm, địch đã ném và bắn phá vào Thành cổ và vùng phụ cận gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945 hòng tái chiếm vùng giải phóng mà chủ yếu là Thành cổ và TX Quảng Trị. Ông Phương cũng kể tôi nghe chuyện vượt sông Thạch Hãn chưa bao giờ nguôi trong ông. Lúc đó, khoảng 10 giờ đêm, ông và đồng đội được giao liên đưa sang, cập mé sông thì bất ngờ một người làm rơi khẩu B40. Ngay lập tức, anh em lặn sông tìm. Nhưng những gì ông và đồng đội chạm thấy lại là thi thể đang vướng mắc, chồng lên nhau. Nhấp nhoáng trong ánh sáng từ pháo hạm đội của địch dội vào, chỉ thấy dòng sông thẫm đỏ và chiếc mũ tai bèo của bộ đội giải phóng dập dềnh... Đau đớn, mất mát biến thành sức mạnh, tất cả ào lên, hướng về quân thù. "Địch còn dùng máy chỉnh hầm OV-10 và máy bay L19 chỉnh pháo bay thẳng, pháo sáng cả đêm, chúng cứ thế mà dội bom xuống, anh em hy sinh nhiều", giọng CCB Phương nghẹn lại. Trong trùng trùng ác liệt, bộ đội ta lớp trước ngã xuống, lớp sau xông lên, kiên cường đến cùng.

CCB Phạm Minh Phương (phải) xúc động gặp lại đồng chí ở Sư đoàn 325
những ngày về thăm Thành Cổ.

Tiếp lời CCB Phương, thương binh 2/4 Hồ Xuân Long đến từ Bình Phước là CCB Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 cũng bội phần xúc động khi được gặp lại nhiều đồng đội trong dịp lễ hội linh thiêng này: "45 năm, màu thời gian đã vương trên tóc, còn biết bao nhiêu chuyện chưa kể hết, gặp đồng chí lại càng nhớ thương đồng đội hơn". Từng tấc đất Thành cổ thấm đỏ máu chiến sĩ Giải phóng, và cả dòng sông Thạch Hãn cũng trở thành nghĩa trang với hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh trên chặng hành quân ấy. "Pháo từ Hạm đội 7 của Mỹ và tàu chiến bắn vào, kinh hoàng. Nhiều thương binh được đưa qua sông cũng đã hy sinh như thế", CCB Phương một lần nữa chảy dài nước mắt rồi bật lên những câu thơ của CCB Lê Bá Dương như muốn lay gọi đồng đội đã nằm xuống trên dòng sông bi hùng này:

"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"

Trong nỗi niềm dâng tràn về trên chiến trường xưa, các CCB cho biết có nhiều đồng đội tuổi cao sức yếu không về kịp được dịp này, nhưng ở nơi xa đó, mọi người vẫn hướng về Thành cổ, người thân luôn mong mỏi, nhớ thương những người con, người em đã ra đi mãi không trở về... Những hồi chuông đã vang lên. Từng dòng người tiếp tục trật tự di chuyển hướng về lễ trường cầu nguyện rộng lớn. "Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến đại lễ cầu siêu lớn đến như vậy. Bạn bè và những người thân yêu trên mọi miền đã về đây với các anh rồi", ông Lê Văn Giảng đến từ Lạng Sơn nói lên tiếng lòng trong không gian đẫm tri ân ấy.

BẢO HÀ