 Ngày làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:

Đề nghị quy trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra cháy

Thứ bảy, 26/10/2013 12:49

(Cadn.com.vn) - Chiều 25-10, QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Khó khả thi

Đối với quy định về trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, chủ hộ gia đình trong phòng cháy, chữa cháy, đại biểu (ĐB) Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đồng tình với việc bỏ quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình phải bồi thường khi để xảy ra cháy cho tổ chức, cá nhân khác.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) lại cho rằng quy định trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức cá nhân là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Theo ĐB, trong thực tiễn có rất nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản, thậm chí là tính mạng người dân chưa được xử lý nghiêm.

Dù trong luật hiện hành đã có quy định về xử lý sai phạm nhưng khi áp dụng vào thực tiễn rất khó xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra cháy nổ dẫn đến lúng túng trong việc xử lý. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc quy định rõ trách nhiệm để có tác dụng răn đe.

Đa số các ĐB thể hiện sự tán thành đối với quy định chủ hộ gia đình có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; thường xuyên kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy để có biện pháp khắc phục kịp thời; phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất dễ gây cháy, nổ...

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) cho rằng quy định “chủ hộ gia đình phải có trách nhiệm chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ, các điều kiện cần thiết phục vụ chữa cháy; phát hiện cháy, báo cháy, tham gia chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy” là không khả thi. ĐB nêu rõ hiện nay có nhiều hộ gia đình có khả năng trang bị được phương tiện chữa cháy nhưng cũng có hộ dân ngay cả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng chưa đầy đủ thì rất khó trang bị các phương tiện chữa cháy.

Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, các ĐB đã dành nhiều thời gian thảo luận về tổ chức lực lượng và chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy; về hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy; phòng ngừa cháy, nổ đối với vật tư, hàng hóa.

Nhà máy Diana thuộc Cụm công nghiệp Tân Chi, xã Tân Chi, H. Tiên Du, Bắc Ninh xảy ra vụ cháy lớn thiêu rụi nhiều nghìn mét vuông nhà xưởng vào lúc 14 giờ 30 ngày 25-10.

Phải kiểm soát được trái phiếu Chính phủ

Sáng 25-10, QH làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng “Vốn trái phiếu Chính phủ có ý nghĩa rất đẹp nhưng việc sử dụng còn lãng phí, dàn trải”. Từ đánh giá này, ĐB đồng tình với việc phải phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 để đầu tư phát triển nhưng phải rà soát lại và đầu tư vào công trình có hiệu quả.

Về phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung, đa số các ĐB thống nhất với mức 170 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng, Chính phủ cần làm rõ căn cứ đưa ra mức phát hành trái phiếu Chính phủ này. Cùng với phát hành trái phiếu Chính phủ, cần chú ý đến xây dựng thể chế chính sách chặt chẽ; củng cố năng lực bộ máy, chú ý đến con người, sử dụng nguồn lực có chất lượng cao; đầu tư khoa học công nghệ cao...

Nhất trí với Tờ trình Chính phủ, ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) đề nghị phải phát hành trái phiếu Chính phủ để đảm bảo nguồn chi. Tuy nhiên, ĐB băn khoăn về khả năng hấp thụ trái phiếu và vấn đề kiểm soát người sử dụng.

Các dự án quyết định sự phát triển KT-XH cần thiết phải sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Những dự án khác cần rà soát, cân đối, siết chặt kỷ luật để bố trí vốn hợp lý, đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng việc phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung là cần thiết, tuy nhiên cần tính toán kỹ bởi Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, nếu tính toán không kỹ sẽ dẫn tới tỷ lệ chi đầu tư công tăng lên.

Theo chương trình, các nội dung trong phiên làm việc sáng 25-10 sẽ được các ĐBQH tiếp tục thảo luận tại phiên họp toàn thể tại hội trường vào ngày 2-11.

Bảo Cầm – TTXVN