Ngày đầu tiên đợt II kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 tại Đà Nẵng:

Đề thi có tính phân loại thí sinh cao

Thứ năm, 10/07/2014 10:59

(Cadn.com.vn) - Hôm qua (9-7), các TS dự thi đợt II kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 vào Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) dự ngày thi đầu tiên các khối B, C, D, M. Buổi sáng, tỉ lệ TS dự thi của các khối B, C, D, M đạt 84,85%.

Buổi chiều, do khối M được nghỉ thi nên tỉ lệ TS dự thi giảm xuống còn 84,14%. Theo phản ánh của đa số TS dự thi đợt II, ngoại trừ môn Địa của khối C tương đối dễ, đề thi các môn: Toán, Sử, Sinh, Ngoại ngữ của các khối B, C, D, M năm nay có sự phân hóa cao, phải thực sự giỏi mới hoàn thành tốt bài thi.

Nhiều người am hiểu về giáo dục cho rằng, đề thi năm nay đang hướng tới mục tiêu phân loại trình độ của TS một cách triệt để, trên cơ sở đó để đánh giá, nhìn nhận khách quan hơn về thực chất chất lượng dạy-học hiện nay nhằm tìm ra những giải pháp mang tính chiến lược trong việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục...

TS trao đổi cách làm bài sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên. 

Khó đạt điểm tuyệt đối

* Ngoài ĐHĐN, trong đợt II kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, tại Đà Nẵng, còn có thêm trường ĐH Thể dục Thể thao Đà Nẵng và ĐH Kỹ thuật Y- Dược Đà Nẵng tổ chức thi tuyển. 
Theo đó, trong ngày thi đầu tiên, số TS đăng ký dự thi vào ĐH Kỹ thuật Y- Dược có mặt tại 11 điểm thi đạt trên 85% (9.984 hồ sơ đăng ký dự thi), tỉ lệ TS đăng ký dự thi vào ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng có mặt tại 4 điểm thi cũng đạt trên 85% (2.545 hồ sơ đăng ký dự thi).

Đó là nhận xét của phần lớn TS thi các khối: B, C, D, M. Nhiều TS các khối: B, D và M  “than trời” với đề Toán, Sinh và Ngoại ngữ. Theo các TS thi khối B, đề Toán có nhiều câu khó hơn đề Toán khối A, A1 của đợt I, đề Sinh có khoảng 20/50 câu trắc nghiệm khó, có tính phân loại cao. TS Trần Thị Kim Thành (Gia Lai), cho rằng đề Toán có 6 câu đầu tương đối dễ thở,  3 câu sau quá khó. Do không làm được 3 câu sau nên làm bài hết 2/3 thời gian theo quy định, em xin ra khỏi phòng thi.

Tương tự, TS A Sước (Kon Tum, thi khối B) cũng cho rằng, đề Toán có 6 câu trình độ như kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 câu còn lại khó vì 2 câu nằm ở chương trình lớp 10 (tính phương pháp tọa độ trong mặt phẳng), một câu ra phần lượng giác lớp 11. Vì không ôn tập kỹ phần này nên em không làm được”.

Với môn Sinh, TS Huyền Trang (quê Nghệ An), dự thi khối B Sư phạm Sinh trường ĐHSP Đà Nẵng, thi tại HĐT CĐ Công nghệ, nhận xét: “Em đã tham khảo đề Sinh năm ngoái, nên tuy có dễ hơn, nhưng đề Sinh năm nay có khoảng 20 câu hỏi cực khó. Lý thuyết nhiều hơn bài tập, phần bài tập ra nhiều về tính toán di truyền, có nhiều câu khó. Tuy là môn “sở trường”, đạt điểm 9 kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng với đề thi Sinh em không tự tin vượt qua được điểm 7”.

Tương tự, các TS thi khối D cũng cho đề Toán khó, thậm chí khó hơn đề Toán đợt I khối A, A1. TS Trương Thị Trang (Quế Sơn, Quảng Nam) thi khối D ngành Giáo dục Tiểu học đánh giá khách quan hơn: “Em thi khối A1 đợt I rồi nên em thấy đề thi ngoại ngữ của khối D khó hơn, nhất là phần đọc hiểu để điền từ. Nếu bạn nào học “siêu” tiếng Anh sẽ thấy đề dễ, với em lực học khá nên thấy khó”.

So với TS dự thi khối B, D, M, tâm trạng của các TS dự thi khối C sau ngày thi đầu tiên với 2 môn: Địa, Sử có vẻ dễ chịu hơn, trong đó đề Địa dễ hơn  Sử, bám sát chương trình học và mang tính thời sự cao với vấn đề thời sự liên quan đến biển Đông. Môn Sử tuy không đòi hỏi phải nhớ chi tiết các sự kiện, nhưng lại đòi hỏi TS phải biết tư duy, suy luận tốt và có kiến thức tổng hợp tốt mới có thể đạt điểm cao. TS Nguyễn Thu Nga (Tam Kỳ, Quảng Nam)- thi SP Văn- nhận xét: “Trong 4 câu Sử, câu 3 “Nêu hoàn cảnh dẫn đến việc thống nhất về mặt Nhà nước năm 1975-1976” là khó nhất. Câu này, em không ôn tập kỹ nên đành bỏ. Các câu khác tuy làm được nhưng không trọn vẹn.

Theo em, đề Sử năm nay ra hay nhưng đòi hỏi TS phải biết  tư duy và suy luận. Học thuộc lòng khó làm bài tốt”. Đồng quan điểm đó, TS Trần Thị Như Hoa (Đăk Lăk) cho rằng, đề Sử năm nay không chỉ khó hơn đề Sử năm ngoái mà còn đòi hỏi TS phải biết hệ thống kiến thức một cách khoa học mới làm bài tốt. Hoa cũng bỏ câu 3 vì ôn tập phần này không kỹ...

Phụ huynh chờ đón TS trong cơn mưa chiều oi bức.

Tin thêm về TS trốn vào nhà vệ sinh

Như tin đã đưa, trong môn thi đầu tiên buổi sáng, 20 phút sau khi đề được bóc, giám thị và lực lượng chức năng tại HĐT ĐHBK khu F phát hiện N.L.Q.K đang ngồi trong nhà vệ sinh với 2 giấy báo thi nghi ngờ giả. Dò tên trong danh sách TS dự thi đợt II tại đây, HĐT khu F không thấy có trong danh sách TS dự thi nên lập tức đưa K. về phòng hội đồng.

Sau hơn 2/3 thời gian làm bài, HĐT đã bàn giao đối tượng cho lực lượng An ninh CAQ Liên Chiểu làm rõ. Được biết, K. tự lượng sức mình không thi đỗ ĐH nên em không có ý định dự thi. Nhưng vì để bố mẹ vui lòng, K. lên mạng in biểu mẫu phiếu dự thi xuống rồi điền tên, dán ảnh mình vào và đưa cho bố mẹ xem để an tâm là em có đăng ký dự thi.

Theo đó, đợt I, vì HĐT gần nhà nên em tự đạp xe đi thi. Nhưng thực tế, em không thi mà ra quán cà-phê ngồi cho hết giờ thi rồi về nhà. Đến đợt II, vì HĐT ở tận Liên Chiểu nên em được người nhà chở đi thi nên không thể... trốn được. Vì vậy sau khi vào HĐT, em đã vào nhà vệ sinh với mục đích chờ hết giờ thi rồi về. CAQ Liên Chiểu đã cho người nhà bảo lãnh K. về nhà...

Lực lượng CA nhắc nhở phụ huynh, người nhà TS đậu đỗ xe đúng quy định. 

Sự cố khác

Cũng trong môn thi đầu tiên, tại Điểm thi Hermann có 2 TS ngất xỉu và được lực lượng chức năng đưa về phòng hội đồng chăm sóc y tế, sau đó được trở về phòng tiếp tục thi. Đó là TS Nguyễn Thị Tú, phòng 404, SBD DDSC.33014 và Nguyễn Thị Ni Thoa, DDSC.32659 phòng 392.

Trong môn thi đầu tiên, có 1 TS ở HĐT Nguyễn Trãi bị khiển trách vì nhìn bài bạn; buổi chiều có 2 TS bị đình chỉ thi vì mang ĐTDĐ vào phòng thi là TS Trần Đăng Hà Nhi, DDFD1.42118, Phòng 89, Khu F ĐHBK và TS Lê Hoàng Long, DDFD1.41225, Phòng 67, Khu E – ĐHBK. Tình hình ANTT trước trong và sau khi thi được đảm bảo.

Sáng nay (10-7), TS khối B, C, D thi môn cuối cùng với: B: Hóa, C, D, M: Văn. Sau đó, khối M sẽ dự thi phần năng khiếu.

P.T