Điểm lại quan hệ Việt Nam – EU

Thứ hai, 30/11/2015 06:50

(Cadn.com.vn) - Trong chuyến công du Châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 30-11 đến 2-12 dự kiến sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng, đặc biệt là Liên minh Châu Âu (EU).

Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, gặp gỡ Lãnh đạo cấp cao của CH Pháp từ ngày 30-11 đến 1-12; thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh Châu Âu (EU) ngày 2-12. Trong số các chủ thể tiếp xúc trong chuyến công du này, chủ thể đáng chú ý nhất và có không gian hợp tác rộng nhất là EU, bao gồm 28 nước thành viên.

Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28-11-1990. Trong năm 2015, Việt Nam và Liên minh Châu Âu tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Hàng loạt các sự kiện nổi bật và ý nghĩa với hai bên đã và đang được tổ chức xuyên suốt năm kỉ niệm này nhằm đánh dấu dấu mốc quan trọng của quan hệ hợp tác, hữu nghị nhiều mặt giữa Việt Nam và EU. Trong lĩnh vực chính trị, sau khi ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU, quan hệ song phương đã có bước phát triển vượt bậc. Hai bên đã tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU. Liên minh Châu Âu là đối tác thương mại thứ hai (sau Trung Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) của Việt Nam. Từ năm 2001 đến 2014, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 8 lần, từ mức 4,5 tỷ USD lên hơn 36,8 tỷ USD. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều cho đến hết tháng 9 năm nay đạt 30,8 tỷ USD, tăng gần 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam xuất khẩu là 22,6 tỷ USD và nhập khẩu 8,2 tỷ USD.

Vào ngày 4-8-2015 vừa qua, Lễ công bố kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và ông Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Với mức độ cam kết đã đạt được, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hiệp định EVFTA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung mạnh mẽ, do đó Hiệp định EVFTA được dự đoán sẽ mang lại tác động rất tích cực cho cả Việt Nam và EU, trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích kinh tế.

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, tính đến hết tháng 9-2015, đã có 23/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 1.718 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 21,53 tỷ USD. Trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam, Hà Lan hiện đứng đầu với 239 dự án có tổng vốn 6,66 tỷ USD. Sau đó là Pháp, Luxembourg, Đức, Cyprus, Đan Mạch... Từ phía ngược lại, đầu tư Việt Nam sang EU, nhìn chung chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào một số nước như Hà Lan, Czech, Đức. Tính đến hết tháng 6-2015, Việt Nam có 57 dự án đầu tư sang 13 nước EU với tổng vốn đăng ký đạt gần 152 triệu USD.

Trong hợp tác phát triển, Liên minh Châu Âu luôn cam kết là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam. Trong giai đoạn 1993-2013, tổng cam kết ODA của Ủy ban Châu Âu và các nước thành viên EU đạt gần 14 tỷ USD, chiếm 20% tổng cam kết của cộng đồng tài trợ quốc tế cho Việt Nam, trong đó viện trợ không hoàn lại của EU đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Ủy ban Châu Âu cho Việt Nam được thực hiện thông qua các Chiến lược hợp tác với Việt Nam với ngân sách viện trợ liên tục tăng. Giai đoạn 2014-2020, EC đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 400 triệu Euro trong khi danh sách các nước Châu Á được hưởng ODA giảm từ 19 xuống còn 12, tập trung vào hai lĩnh vực là năng lượng bền vững và thể chế.

Ủy ban Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu cũng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của Việt Nam và EU có thế mạnh như: hỗ trợ thể chế, khoa học công nghệ (trong đó có lĩnh vực an toàn hạt nhân), giáo dục, pháp luật, y tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai...

Theo TTXVN, trong chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh Châu Âu vào ngày 2-12 tới, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, hội kiến Chủ tịch nghị viện Châu Âu nhằm trao đổi các biện pháp hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của cả hai bên, phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Thu Thủy
(tổng hợp)