Điều kiện cần và đủ

Thứ sáu, 26/09/2014 07:09

(Cadn.com.vn) - Vấn đề Ukraine trở thành đề tài nóng bỏng tại phiên họp ngày 25-9 của Đại hội đồng LHQ.

Trong đó, các nhà lãnh đạo phương Tây tính đến khả năng sẽ bãi bỏ lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Nga vốn được áp đặt với cáo buộc Moscow “có hành động xâm lược Ukraine”. Trong bài phát biểu tại phiên họp tâm điểm này, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, các biện pháp trừng phạt có thể được dỡ bỏ nếu Nga ủng hộ lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và phe nổi dậy, tức là Moscow phải thể hiện trách nhiệm đằng sau thỏa thuận hòa bình với Kiev.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đây dường như chỉ là “lời nói đầu môi” bởi điều kiện Washington đưa ra quá mơ hồ, không thực tế và tất nhiên sẽ không thể đủ sức thuyết phục Nga. Bởi lẽ, trên thực tế, cuộc xung đột ở Ukraine vượt ngoài tầm với của Điện Kremlin vì đó là vấn đề nội bộ của Kiev.

Thêm vào đó là sức ép của Kiev, trong đó, Thủ tướng Ukraine đã có hẳn bài phát biểu tại Đại hội đồng, kêu gọi phương Tây không dỡ bỏ biện pháp trừng phạt Nga đến khi Kiev giành lại quyền kiểm soát tất cả các lãnh thổ. Thủ tướng Yatsenyuk cáo buộc Nga vẫn “duy trì quân đội ở miền đông Ukraine”, tố cáo Moscow vi phạm hiến chương LHQ và tuyên bố Điện Kremlin cần bị coi là “thành viên không bảo an” của HĐBA LHQ.

Thủ tướng Yatsenyuk nêu rõ Nga phải tôn trọng “tất cả các điểm” trong thỏa thuận hòa bình vốn đã trao quyền tự trị cho miền đông Ukraine, vấn đề khiến người ta hoài nghi về khả năng giải quyết xung đột của Kiev cũng như tương lai của thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông.

Những cáo buộc của Kiev dành cho Moscow tất nhiên khiến mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng càng bùng nổ. Mọi việc lại thêm bế tắc khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 25-9 bất ngờ ra sắc lệnh yêu cầu chính phủ xem xét quyết định đóng cửa tạm thời biên giới ở phía Đông với Nga nhằm ngăn chặn động thái mà Kiev cáo buộc Moscow can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này.

Ukraine đang tỏ ra “hung hăng” trong chiến lược kêu gọi cô lập Nga mặc dù bản thân họ đang phải trả giá cho chính những hành động quyết đoán này. Kiev đang thiếu năng lượng nghiêm trọng khi mùa đông lạnh giá đang đến gần.

Ukraine đang đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU) về khối lượng khí đốt dôi dư (vốn nhập khẩu chủ yếu ở Nga) để trang trải nhu cầu ngày càng cao của đất nước trong mùa đông tới. Nhưng xem ra “chỗ dựa” này không thể hữu dụng khi EU tuyên bố sẽ không đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu nội khối chứ đừng nói gì đến việc bán lại cho Ukraine.

Thực tế cho thấy, Nga không dùng vấn đề năng lượng để gây sức ép với Ukraine mà bản thân Kiev đã quyết định chuyển hướng Châu Âu sau khi bất đồng về giá khí đốt mà Moscow đưa ra mặc dù Điện Kremlin cam kết sẽ xem xét giảm giá. Và vấn đề đặt ra ở đây không phải là giá cả mà là tư tưởng muốn rời xa và cắt đứt hoàn toàn sự phụ thuộc hay mối liên quan mật thiết nào với Nga của Ukraine.

Thanh Văn