Đối đầu Đông-Tây

Thứ bảy, 13/09/2014 10:02

(Cadn.com.vn) - Cuộc đối đầu Đông-Tây quanh vấn đề Ukraine lại leo lên nấc thang căng thẳng mới khi Nga lại tiếp tục hứng lệnh trừng phạt mới của Liên minh Châu Âu (EU).

Vòng trừng phạt mới, mạnh mẽ của EU nhằm vào Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 12-9, động thái khiến Moscow giận dữ cáo buộc phương Tây đang cố phá hỏng con đường thúc đẩy hòa bình ở Ukraine.

Trọng tâm khiến Nga phản ứng giận dữ là EU nhắm mục tiêu các tập đoàn dầu mỏ, tài chính và quốc phòng quy mô lớn gồm OAO Gazprom Neft, OAO Rosneft và OAO Transneft. Các biện pháp trừng phạt mới còn bổ sung 24 cá nhân vào danh sách những người bị cấm đi lại và đóng băng tài sản, trong đó có ông Sergei Chemezov - người được coi là đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin. Ông Chemezov hiện là Chủ tịch Tập đoàn quốc phòng và công nghiệp hàng đầu Rostec.

Theo AFP, thị trường Nga chao đảo trong ngày 12-9. Đồng rubles giảm xuống mức thấp lịch sử khi trái phiếu của các tập đoàn năng lượng không thể giao dịch tại EU. Tuy nhiên, khối 28 thành viên khẳng định có thể “sửa đổi, đình chỉ hoặc bãi bỏ” các biện pháp trừng phạt tùy thuộc vào kết quả đánh giá toàn diện về thỏa thuận ngừng bắn vào cuối tháng 9 này.

Gã khổng lồ trong ngành năng lượng Nga Gazprom nằm trong danh sách trừng phạt mới của EU. Ảnh: AFP 

Sau EU, Mỹ tiếp tục cô lập Điện Kremlin khi tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Moscow về “hành động bất hợp pháp” ở Ukraine. Tổng thống Barack Obama tuyên bố nhắm vào các lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga. Và cũng giống như EU, Nhà Trắng đưa ra điều kiện dỡ bỏ lệnh trừng phạt nếu “có bằng chứng thuyết phục rằng Nga thực thi đầy đủ các cam kết, ngừng các nỗ lực làm bất ổn Ukraine”. Động thái này phản ánh mối nghi ngờ khó cưỡng của Mỹ và EU đối với Moscow mặc dù trên thực tế lệnh ngừng bắn vẫn đang phát huy hiệu quả.

Ukraine bàn cách gia nhập EU

Tổng thống Ukraine Poroshenko ngày 12-9 tuyên bố, Quốc hội nước này sẽ triệu tập một phiên họp vào ngày 16-9 tới để thông qua thỏa thuận liên minh lịch sử với EU.

Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp quốc tế ở thủ đô Kiev, ông Poroshenko khẳng định, việc thông qua thỏa thuận chính trị-thương mại này sẽ là “thời khắc lịch sử” của Ukraine. Ngoài ra, Tổng thống Poroshenko bày tỏ hy vọng sẽ giành được “quy chế đặc biệt” với NATO trong chuyến công du Mỹ vào tuần tới.

Quyết định trừng phạt kiểu “song kiếm hợp bích” này được đưa ra sau khi Kiev và NATO cáo buộc, khoảng 1.000 binh sĩ Nga vẫn ở Ukraine sau khi vượt qua biên giới để giúp đỡ phe nổi dậy. Phương Tây mô tả đây là “cuộc xâm lược lén lút”. Kiev cũng tố Moscow đưa vũ khí vào miền đông. Đoàn xe này gồm 12 xe tăng, 48 xe bọc thép, 20 xe Ural chở đạn dược, 8 xe Ural chở người, 4 xe chở các hệ thống phòng không.

Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc và phản ứng giận dữ với các biện pháp trừng phạt từ đối tác thương mại lớn nhất của mình. “Bằng cách trừng phạt, EU quyết định chống lại quá trình giải quyết hòa bình khủng hoảng Ukraine”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, thúc giục EU trao cho Ukraine “một cơ hội hòa bình”. Nga đe dọa sẽ cấm các hãng hàng không EU bay qua không phận và có thể cấm nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng và ô-tô. “Các Cty Châu Âu và người nộp thuế “sẽ phải chịu chi phí” cho các lệnh trừng phạt”, Dmitry Peskov, phát ngôn viên Tổng thống Nga, nói với Interfax.

Thực tế cho thấy, tình hình ở đông Ukraine đang rất im ắng. Hy vọng hòa bình cho khu vực này được nhen nhóm khi lần đầu tiên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mở rộng cánh cửa hòa giải. Trong tuyên bố hôm 12-9, ông Poroshenko khẳng định “không thể có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở miền đông” và tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc phân quyền có chừng mực cho các khu vực này.

“Để duy trì sự thống nhất đất nước, chúng ta cần tiến hành một số quyết định phi tập trung hóa”, Tổng thống Poroshenko nói. Dù ủng hộ trao quyền tự trị cho một số khu vực, nhưng ông Poroshenko nhấn mạnh, các vấn đề chủ chốt về chính sách an ninh và đối ngoại phải nằm trong tay chính quyền trung ương.

Miền đông Ukraine đang có một lệnh ngừng bắn và nhất là động thái hòa giải của Tổng thống Poroshenko. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn lo ngại, căng thẳng chính trị đang âm ỉ có thể đánh úp bất kỳ thỏa thuận hòa bình lâu dài nào.

Khả Anh