EU và Nga

Thứ sáu, 12/09/2014 09:34

(Cadn.com.vn) - Các nước Liên minh Châu Âu (EU) ngày 11-9 lại tiếp tục họp bàn về việc áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, nội bộ trong khối đang bị chia rẽ về vấn đề quan tâm duy nhất hiện nay là: có nên trừng phạt Moscow hay không?. Bởi lẽ, chỉ trong vài ngày qua, liên minh này 2 lần ra quyết định hoãn thực thi vòng trừng phạt mới nhằm vào Moscow trong bối cảnh khủng hoảng đông Ukraine đã có nhiều diễn biến tiến triển. 

Trong quyết định hoãn lần thứ hai hôm 10-9, giới chức ngoại giao EU cho biết, trong khi Đức hối thúc áp đặt các lệnh trừng phạt, một số nước EU khác muốn trì hoãn bởi lệnh ngừng bắn ở Ukraine đang được tuân thủ. Thực tế là các nước EU bị chia rẽ hai trường phái: một bên quyết tâm phạt Moscow trong khi một bên chỉ muốn hòa hoãn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu áp dụng lệnh trừng phạt trước, sau đó xem xét tạm hoãn nếu Moscow thực sự hướng đến kế hoạch hòa bình cho Ukraine. Nhưng "một số quốc gia muốn có thêm thời gian. Đoàn kết bây giờ là chiến lược tuyệt đối và quan trọng", Ngoại trưởng Italia Federica Mogherini, người vừa được chọn là Cao ủy đối ngoại mới của EU cho biết. Mặc dù ông Mogherini không cho biết đó là những nước nào nhưng dường như ai cũng biết đó là các quốc gia có mối quan hệ thân thiết với Nga như Italia, Áo và Phần Lan, vốn đều đang lưỡng lự trong việc trừng phạt Moscow.

Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE) cũng hối thúc hoãn vòng trừng phạt mới nhằm vào Nga. Chủ tịch OSCE, Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter, cho rằng, nên hoãn trừng phạt Moscow vì lệnh ngừng bắn hiện nay là "cơ hội thật sự" và cần có thời gian phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, phe yêu cầu phạt vẫn có sức mạnh và tiếng nói hơn ở EU (như Đức và Pháp), nên liên minh này cuối cùng quyết định thực thi các biện pháp trừng phạt được nhất trí hôm 5-9 và điều này sẽ được công bố trên Công báo EU vào hôm nay (12-9).

Nhà sản xuất xe tăng Uralvagonzavod, Cty hàng không vũ trụ Oboronprom và Tập đoàn do nhà nước kiểm soát United Aircraft Corporation (UAC) là một trong các Cty của Nga phải đối mặt với lệnh trừng phạt mới của EU. Khi những Cty này bị trừng phạt, hậu quả sẽ không hề nhỏ.  Vậy là EU lại ra đòn dù lệnh ngừng bắn vẫn có hiệu lực và khủng hoảng đang hạ nhiệt, nuôi hy vọng chấm dứt 5 tháng xung đột, vốn khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Nga tất nhiên sẽ không thể ngồi im chịu đòn!.

Thanh Văn