Đổi thay ở làng góa phụ
(Cadn.com.vn) - Thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh, H. Thăng Bình, Quảng Nam ) một thời được ví là "làng góa phụ" vì cơn bão Chanchu năm 2006 đã cướp đi mạng sống của hơn 50 người đàn ông trong làng. Nỗi đau vẫn còn đó, nhưng những thế hệ sau vẫn phải tiếp tục lớn lên, đổi khác...
Chúng tôi đến nhà của chị Trần Thị Thành (38 tuổi) vào một ngày đầu mùa mưa. Chị Thành cùng đứa con gái út học lớp 2 đang dùng cơm trưa. Ngôi nhà ẩm mốc bởi đã lâu không có bàn tay chăm chút, sửa sang của người đàn ông. Đứa con gái út của chị Thành bao nhiêu tuổi cũng là bấy nhiêu thời gian chị mất chồng, gánh vác luôn trách nhiệm làm trụ cột gia đình. Nhắc đến người chồng đã mất, chị Thành bật khóc: "Chồng tôi mất năm 2006, tôi với anh ấy lấy nhau sinh được 3 đứa con, các cháu đều chăm ngoan học giỏi, biết phụ giúp mẹ công việc nhà. Trước khi anh ra biển, anh nói đi chuyến ni về có tiền để cho tôi có tiền sinh con. Đó cũng là chuyến đi anh không bao giờ trở về nữa. Tôi suy sụp, nhưng vì thương con, vì đang mang giọt máu của anh nên tôi cố gắng vực dậy". Hiện nay chị lấy cá ở bến Bình Minh rồi chở đi bán lại ở các nơi khác, trung bình mỗi ngày thu nhập 70-100 nghìn đồng, trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.
Những người phụ nữ làng chài Bình Tịnh chọn cá cho buổi chợ sớm. |
Chị Hoàng Thị Tính (tổ 4, thôn Bình Tịnh) cũng mất chồng trong cơn bão Chanchu, một mình nuôi hai đứa con nhỏ ăn học, trong đó một cháu bị bệnh ung thư đã qua đời. Giờ đây, niềm an ủi cuộc đời chị là cậu con trai lớn học lớp 7 hiếu thảo, học giỏi. Để có tiền trang trải cuộc sống chị làm đủ mọi nghề từ gánh cá thuê, lượm vỏ chai nhựa, mùa mưa chị vào tận Tây Nguyên làm thuê.
Mùa mưa bão bắt đầu cũng là lúc những người phụ nữ làng góa phụ này bước vào những ngày gian khổ nhất. Biển động không có cá, các chị phải đi làm thuê đủ thứ việc. Nỗi lo cơm áo gạo tiền đã nặng trĩu lại thêm nhà dột, đèn đóm hư hỏng... Những việc vốn dĩ của đàn ông gánh vác giờ các chị phải một tay vẹn toàn. Để chống chọi với các cơn bão mạnh, nhiều chị tự tạo cho gia đình mình căn hầm. Điều kiện khó khăn, các chị dùng thúng chai xúc cát đổ vào bao chất xung quanh thúng tạo một căn hầm để trú ẩn mỗi khi gió bão đến. Chị Thành tâm sự: "Có lúc tưởng không thể vượt qua rồi đó chứ thế nhưng ngày tháng qua đi rồi mọi thứ cũng dần ổn định. Con cái lớn dần, biết học hành nghe lời tôi cũng an ủi phần nào".
Bên căn hầm trú bão tự chế. |
Hiện nay, cuộc sống người dân làng biển Bình Tịnh có phần đỡ vất vả. Cấp chính quyền địa phương đã mở các lớp đào tạo nghề như chăn nuôi thú y, làm xưởng cá... nhờ vậy nhiều chị có công việc ổn định, thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Anh Trưởng thôn Bình Tịnh Nguyễn Hồng Việt nói: "Các lớp học nghề giúp cho các chị có nghề nghiệp ổn định hoặc làm công nhân trong các cơ sở sản xuất chế biến cá ở địa phương nên cuộc sống khá hơn trước. Vào mùa mưa bão, để hỗ trợ cho những gia đình khó khăn xã thành lập lực lượng chống bão trong đó mỗi thôn 10 người đến từng nhà giúp đỡ các chị găng dây nhà cửa, di dời đến những nơi an toàn, chủ động thiết yếu lương thực thuốc men".
Nén lại khổ đau, mất mát, những người phụ nữ Bình Tịnh vẫn âm thầm nuôi con, chăm sóc cha, mẹ khi người chồng vĩnh viễn ra đi. Dù biển gây ra cho họ bao nhiêu nỗi đau thương, mất mát nhưng biển vẫn là nguồn sống, miếng cơm manh áo hàng ngày. Họ vẫn bám trụ, nương tựa vào biển. Trong tình thương yêu, đùm bọc của cộng đồng, bằng đức hy sinh, đảm đang, trung hậu và sự gửi gắm của những người đã khuất, những phụ nữ làng góa phụ Bình Tịnh âm thầm gieo những hạt mầm khát vọng cho tương lai.
Hà Dung - Chí Đại