Đông Nam Á và những thách thức về năng lượng sạch

Thứ năm, 06/12/2018 12:00

Mặc dù Đông Nam Á chưa thể từ bỏ việc sử dụng than ngay bây giờ, nhưng có rất nhiều cách có thể làm để sử dụng năng lượng sạch hơn.

Công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) có thể trở thành công nghệ tiên phong trong việc giảm khí thải carbon.  Ảnh: HuffPost 

Ngày 12-12 tới là ngày kỷ niệm lần thứ ba của Hiệp định Paris, một thỏa thuận nhỏ gọn nhằm xúc tiến cho việc giảm lượng khí thải carbon toàn cầu. Tuy nhiên, tất cả các số liệu thống kê cho thấy, vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn: báo cáo mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, năm 2018 có khả năng sẽ lập kỷ lục mới về lượng khí thải carbon. Con số này là đáng ngạc nhiên và đáng báo động bởi từ năm 2017 thế giới đã chứng kiến mức độ kỷ lục của việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Vẫn phụ thuộc vào than đá

Làm thế nào để giải thích mâu thuẫn này? Trước hết, với dân số toàn cầu tăng khoảng 83 triệu người mỗi năm, các cơ sở năng lượng tái tạo mới không đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng của hành tinh chúng ta. Mặc dù năng lượng gió và mặt trời đang tạo ra những lợi ích to lớn trong ngành điện, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm tỷ trọng tương đương với mức tiêu thụ năng lượng tổng thể của 30 năm trước. Bất chấp những kế hoạch đầy tham vọng được phác thảo ở Paris, chúng ta vẫn không đủ khả năng để hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo.

Điều này được thể hiện rõ ở Đông Nam Á. Mặc dù tất cả 10 thành viên ASEAN, hiệp hội liên chính phủ của khu vực, đệ trình các cam kết của quốc gia về hành động chống biến đổi khí hậu và đồng ý về các kế hoạch hành động hoành tráng, họ hiện đang nằm dưới cùng của bảng xếp hạng sử dụng năng lượng tái tạo trên toàn thế giới. Chẳng hạn như, chính phủ mới của Thái Lan hầu như bế tắc trong việc phát triển năng lượng tái tạo, và Malaysia là quốc gia duy nhất trên thế giới giảm số tấm pin mặt trời trong những năm gần đây. Không có gì ngạc nhiên khi IEA dự đoán, than đá vẫn là nguồn nhiên liệu chính của Đông Nam Á vào năm 2040.

Tuy nhiên, theo nhiều cách, sự miễn cưỡng trong việc từ bỏ các nguồn nhiên liệu truyền thống có thể được giải thích một cách dễ dàng. Dân số Đông Nam Á tăng 23% trong khoảng thời gian từ năm 2000-2017, đạt khoảng 700 triệu người, và dự kiến sẽ tăng thêm 20% vào năm 2050. Sự tăng trưởng đáng kể này, đi kèm với việc đô thị hóa nhanh chóng và phát triển kinh tế, IEA dự kiến nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á sẽ tăng gần 2/3 vào năm 2040. Mặc dù chi phí của công nghệ gió và mặt trời đang giảm đáng kể, than vẫn hấp dẫn do lượng dự trữ lớn được tìm thấy trong khu vực ASEAN, đặc biệt là ở Indonesia.

Với tất cả những yếu tố này, rất ít khả năng Đông Nam Á sẽ sớm ngừng phụ thuộc vào than đá. Những hậu quả tiềm ẩn là rất rõ ràng: các nhà phân tích cho rằng, theo kịch bản "hoạt động như bình thường", lượng khí thải carbon của khu vực sẽ tăng 5,7% vào năm 2030. Kịch bản này chắc chắn là không thể tránh khỏi.

Công nghệ "than sạch"

Trên thực tế, IEA cho rằng, khu vực ASEAN có thể giảm khí thải chủ yếu bằng cách phát triển ngành điện hiệu quả hơn, đi kèm với đầu tư cho năng lượng tái tạo với công nghệ "than sạch".

Công nghệ hứa hẹn nhất trong số này là thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), hấp thụ khí CO2 được tạo ra trong quá trình đốt than và sẽ tái sử dụng nó sau này. Mặc dù CCS vẫn chưa được sử dụng phổ biến trong khu vực ASEAN, nhưng nó nhanh chóng trở thành công nghệ tiên phong ở một số nước - đặc biệt là ở Trung Quốc, nhanh chóng trở thành "nhà tiên phong" trên toàn cầu. IEA đã dự đoán rằng, nếu khai thác đúng cách, CCS có thể giảm 20% tổng lượng carbon, cần thiết để giữ cho lượng khí thải trong phạm vi hợp lý trong 30 năm tới.

Các nhà lãnh đạo ASEAN sẵn sàng khám phá những công nghệ như vậy. Tại Diễn đàn ASEAN về Than gần đây, các quan chức cam kết sẽ chia sẻ kỹ thuật giảm khí thải và khám phá tiềm năng của CCS. Các nước như Thái Lan cũng đang thúc đẩy các chiến lược riêng đối với công nghệ than sạch hơn, đặc biệt là các công nghệ được sử dụng trong các nhà máy điện "siêu quan trọng", đạt được hiệu quả bằng cách đốt than ở nhiệt độ cao hơn. Tuy nhiên, nếu Đông Nam Á muốn thực hiện lời hứa liên quan đến công nghệ "than sạch", các nước này cần phải vượt qua một loạt các thách thức.

Đáng nói nhất, công nghệ năng lượng sạch vẫn còn đắt đỏ. Các nhà phân tích cho rằng, việc lắp đặt CCS có thể làm tăng chi phí điện từ các nhà máy điện mới lên tới 90%, điều không thể thực hiện tại các nước ASEAN có dân số tăng cao. Các nước công nghiệp từng tuyên bố giúp đỡ các đối tác kém phát triển hơn, nhưng cho đến nay lời hứa này chưa thể thực hiện. Ví dụ như, Quỹ khí hậu xanh của LHQ, ra mắt năm 2010, cho đến nay chỉ cung cấp chưa tới một nửa số tiền 10,3 tỷ USD như đã hứa. Ngoài việc không hiểu được những thách thức mà khu vực ASEAN đang phải đối mặt, Ngân hàng Thế giới đã quay lưng lại bằng cách rút hết các dự án năng lượng. Điều này khiến các nhà lãnh đạo miễn cưỡng hơn trong việc nắm bắt chương trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, có một số động lực giúp các nước đang phát triển tăng khả năng nắm bắt mà không gây ra thảm họa khí hậu. Tại cuộc đàm phán khí hậu của LHQ tại Katowice, Ba Lan vào tháng tới, Mỹ lên kế hoạch tổ chức sự kiện theo cách mà các nước đang phát triển có thể sử dụng công nghệ để đốt cháy nhiên liệu hóa thạch một cách sạch sẽ hơn. Thật vậy, đối với khu vực Đông Nam Á - vấn đề khí thải là một mô hình thu nhỏ của những thách thức trên toàn cầu - những công nghệ này sẽ góp phần thay đổi đáng kể. Những thách thức về kinh tế và nhân khẩu học khiến khu vực này không đủ khả năng để loại bỏ than. Do đó, các công nghệ hiệu quả cao, ít phát thải sẽ là phương tiện quan trọng để thu hẹp khoảng cách.

AN BÌNH