Đường Trường Sơn ngày ấy, bây giờ (Bài 6: Kết nối cho đại ngàn xanh cất cánh)

Thứ tư, 22/05/2019 13:07

Lịch sử như dòng chảy kế thừa và nối tiếp không ngừng. Cung đường Trường Sơn Đông năm nào giờ tiếp tục đảm trách sứ mệnh mới, đó là một trong những tuyến giao thông huyết mạch kết nối, mở ra nhiều cơ hội phát triển giữa miền Trung- Tây Nguyên và là tuyến phòng thủ quốc phòng đặc biệt quan trọng của quốc gia.

Xã Sơn Lang đã thay đổi với diện mạo đầy hiện đại, năng động và trù phú từ khi con đường Trường Sơn Đông được đầu tư xây dựng mới. 

Cung đường Trường Sơn Đông huyền thoại giờ đây đã mang một diện mạo hoàn toàn mới. Năm 2008, Bộ Chính trị quyết định nâng cấp tuyến đường Trường Sơn Đông, giao Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 10.000 tỷ đồng, đến nay cơ bản hoàn thành việc thi công. Điểm đầu tại thị trấn Thạch Mỹ (Quảng Nam) và điểm cuối tại cầu Suối Vàng (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Tuyến đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài gần 700 km, qua 398 xã chủ yếu là vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng thuộc 7 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Phú Yên và Lâm Đồng. Trên địa bàn Tây Nguyên, đường Trường Sơn Đông đi qua nhiều vùng căn cứ cách mạng, kết nối nhiều vùng đất anh hùng như: xã Đăk Ring, Đăk Nên (Kon Tum), xã Sơn Lang, Tơ Tung, Đất Bằng (Gia Lai)… Và đó cũng là quê hương của các Anh hùng như: Anh hùng Núp, A Gió, Kpă Klơng, Wừu… Giờ này, tuyến đường Trường Sơn Đông không chỉ là tuyến phòng thủ quân sự đặc biệt quan trọng của quốc gia, mà đã góp phần “thay da, đổi thịt” nhiều vùng đất vốn bị chiến tranh tàn phá nặng nề và heo hút, nghèo nàn nơi đây.

Sau 44 năm giải phóng, bà con các dân tộc Hrê, Ca Dong ở xã Ngọk Tem, một xã vùng khó của H. Kong Plông (Kon Tum) có thêm niềm vui mới khi đường Trường Sơn Đông đi qua xã đã đầu tư mở rộng. Trên tuyến đường năm xưa, bà con đã từng chung tay với bộ đội băng rừng thồ lương, tải đạn, chi viện cho chiến trường miền Nam nay đã được đổ bê-tông, thảm nhựa thẳng tắp. Cùng với đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, lưới điện quốc gia, trường học, trạm y tế và nhiều chính sách khác dành cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nên, diện mạo nông thôn ở đây ngày càng khởi sắc. Bà Y Xai, xã Ngọc Tem phấn khởi: “Ngày trước đường Trường Sơn Đông chỉ là con đường mòn, nhỏ, đi lại rất khó khăn. Từ khi đường được mở rộng, cuộc sống bà con từng ngày thay đổi, thu nhập bình quân đầu người nâng lên, cơ sở hạ tầng cũng đã khác”.

Ngay tại vùng căn cứ cách mạng Sơn Lang (Kbang), bà con Ba Na ở đây hân hoan vì tuyến đường mòn xuyên rừng năm xưa giờ đã thênh thang rộng mở, đi lại thuận tiện. Cũng trên con đường mòn năm xưa, già Đinh Văn Đoàn (xã Sơn Lang) đã cùng với bà con Bahnar nơi đây tự hào khi đưa gỗ từ rừng Kbang ra tận thủ đô Hà Nội để xây lăng Bác Hồ. Ông Lê Quý Truyền- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang cho biết: “Ngày trước, đi từ xã ra TT Kbang chỉ khoảng 30km nhưng phải nửa ngày mới tới. Con đường đất lúc đấy mùa khô thì bụi mù mịt, phải qua suối, vượt núi, mùa mưa thì bùn đất đỏ ngập đến đầu gối, có lúc gần như bị cô lập. Giờ này, khi con đường hoàn thiện, chỉ có 30 phút bà con đã ra đến tận trung tâm thị trấn. Hàng hóa, nông sản nhờ tuyến đường này mà lưu thông thuận tiện hơn, đời sống bà con từ đó cũng được nâng lên. Điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng. Thế nên, tỷ lệ hộ nghèo từ năm 2014 trước khi có tuyến đường chiếm rất cao với 50,5% nhưng giờ có tuyến đường, buôn bán, đi lại thuận tiện, tỷ lệ hộ nghèo của cả xã giảm xuống chỉ còn 7,7% thôi”.

Cũng nhờ tuyến đường Trường Sơn Đông được đầu tư xây dựng, hàng loạt tuyến xe đường dài đi Hà Nội, TPHCM, Bình Định, Quảng Ngãi… cũng đã được mở ngay tại xã Sơn Lang này. Già Đinh Văn Đoàn cười vui khoe: “Giờ thuận tiện lắm! Trước đây, bà con biết con mực, con sứa là gì, giờ chỉ cần gọi điện đặt thì vài tiếng sau xe từ TP Quy Nhơn đưa lên rồi! Vui lắm! Mỳ, cà-phê, hàng hóa của bà con buôn bán thuận tiện, tiền nhiều hơn trước đây rồi! Nhờ con đường Trường Sơn Đông mới cả đấy!”.

Tuyến đường Trường Sơn Đông qua xã Tơ Tung- quê hương của Anh hùng Núp.

Tại Gia Lai, tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua 26 xã đặc biệt khó khăn thuộc 6 huyện, thị xã gồm Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa và Krông Pa với tổng chiều dài 247km, chiếm 1/3 toàn tuyến. Không chỉ kết nối các địa phương mà dọc con đường này, nhiều vùng đất ngày càng được đánh thức tiềm năng, hình thành nên những cánh đồng tươi tốt, “đơm hoa kết trái”, mang đến cho nhân dân vùng đất cao nguyên này sức sống mới. Ngay con đường qua xã Tơ Tung, quê hương của Anh hùng Núp giờ xung quanh là cả cánh đồng mía bạt ngàn của bà con.

Không chỉ bộ mặt nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực kể từ khi tuyến đường Trường Sơn Đông đưa vào sử dụng mà đây còn là động lực để Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung “cất cánh” trong phát triển kinh tế- xã hội. Đường Trường Sơn Đông nằm ở giữa, song song với tuyến đường Trường Sơn Tây (đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14) và Quốc lộ 1A, kết nối với các quốc lộ: 14B, 14E, 40B, 24, 19, 25, 26, 29, 27… tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn và thông suốt. Khoảng cách đi lại không chỉ được rút ngắn mà sự liên kết để phát triển, mở ra nhiều vận hội cho mỗi địa phương có tuyến đường này đi qua. Chính nhờ thế, nhiều địa phương đã khai thác tốt hệ thống giao thông này nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Trường- Chủ tịch UBND H. Đak Pơ (Gia Lai) cho biết: “Sau khi có tuyến đường Trường Sơn Đông, huyện đã mở các tuyến đường liên xã kết nối ở phía Tây. Huyện cũng đã mở những tuyến đường tại các làng, đường ra khu sản xuất kết nối với tuyến đường Trường Sơn Đông, tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, phát triển sản xuất”.

Đặc biệt, từ điểm giao cắt giao thông trên trục đường Trường Sơn Đông đi 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, từ khi đường Trường Sơn Đông được xây dựng đã mở ra nhiều cơ hội liên kết vùng, phát triển kinh tế -xã hội, tăng cường đảm bảo quốc phòng- an ninh giữa miền Trung và Tây Nguyên. Nhờ đường Trường Sơn Đông thẳng tắp, trải nhựa, bê-tông mà nhiều vùng sâu, vùng xa ngày trước giờ trở thành những cánh đồng nguyên liệu mía, mỳ… mở ra hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, kết nối các địa phương trong phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch, giao lưu văn hóa.

Trên con đường Trường Sơn Đông huyền thoại này đã và đang viết nên trang sử mới trong công cuộc phát triển của Tây Nguyên và của đất nước, gắn kết giữa miền xuôi với miền ngược, giữa nông thôn và thành thị, giữa các tỉnh Tây Nguyên với duyên hải miền Trung. Cũng từ con đường này, mở ra nhiều vận hội mới để đại ngàn Tây Nguyên cất cánh!

Minh Tân

(còn nữa)