“Duyên nợ” với một tiểu đoàn

Thứ sáu, 24/06/2016 10:55

(Cadn.com.vn) - Có một điều thú vị là trong các lần gặp mặt truyền thống cựu chiến binh (CCB) Tiểu đoàn 70 (Bộ CHQS Quảng Nam), tôi đều được Ban liên lạc mời cho bằng được. Có chú còn yêu mến gọi tôi là thành viên dự bị của Tiểu đoàn. Từ các CCB Tiểu đoàn tôi đã có đến 7 bài báo được đăng.

Năm 2010, kỷ niệm 45 năm chiến thắng Núi Thành, tôi lật cuốn sử về chiến thắng Núi Thành với những dòng viết về dũng sĩ Trần Ngọc Ảnh lấy quả lựu đạn chày đập tên Mỹ to lớn cứu Đại đội trưởng Vũ Thành Năm trong đêm 25-5 rạng sáng 26 lịch sử. Người xứng đáng là anh hùng ấy hiện giờ ở đâu? Vậy là qua Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng tôi đã tìm đến đường Dương Đình Nghệ, Q. Sơn Trà. Câu chuyện “Người dũng sĩ Núi Thành năm xưa”  được đăng trên Báo Công an Đà Nẵng đã miêu tả tỉ mỉ bối cảnh và thời điểm hành động tuyệt vời của Trần Ngọc Ảnh. Từ cuộc gặp gỡ, tôi có thêm bài viết “Người tù binh đặc biệt” về những năm tháng ông làm quản giáo ở chiến trường Campuchia và đã cảm hóa được một tù binh là đại đội trưởng Pôn-pốt làm “tay trong” cho ta. Bài được đăng trong tập sách “Dưới cánh rừng thốt nốt” do Nhà Xuất bản QĐND ấn hành năm 2011. Ông nói, các bài báo của tôi góp phần làm “nặng” hồ sơ để ông được tuyên dương Anh hùng LLVT năm 2012.

Các CCB Tiểu đoàn 70 trở lại Núi Thành.

Tình cờ tôi biết trong kho tư liệu bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5 đang lưu giữ lá cờ của MTDTGPMNVN tặng cho Tiểu đoàn 70 với dòng chữ “Núi Thành oanh liệt, quyết chiến lập công”. Lá cờ này đã bị cháy sém nhiều chỗ và lủng vết đạn làm tôi ngạc nhiên và quyết tìm cho ra nguyên nhân và bài viết “Hành trình lá cờ trận Núi Thành” đã được ra đời. Khi đoàn làm phim chiến thắng Núi Thành ra Đà Nẵng gặp Ban liên lạc để phối hợp làm phim, tôi đã kể về lá cờ gốc của Tiểu đoàn 70. Anh Hiển, đạo diễn rất mừng và nhờ tôi liên lạc với Bảo tàng để đoàn làm phim được tiếp cận. Tại đây, trước những người đồng đội, CCB Nguyễn Văn Tá mắt đẫm lệ kể lại trận ném bom ác liệt của kẻ thù làm cháy sém lá cờ trong ba lô. Sau này anh Tá còn kể tôi nghe về “Kỷ niệm mối tình đầu” của mình với một cô y tá Tiểu đoàn. Tôi còn gắn bó với Núi Thành và đoàn làm phim khi cùng với các CCB trở lại mỏm đồi 50 nơi cách đây 45 năm diễn ra trận quyết chiến. Một ngày trở lại chiến trường xưa, thăm làng quê Kỳ Thạnh, nơi Tiểu đoàn ra đời, lội núi ròng rã, sống cùng ký ức của các CCB, tôi có bài báo “Theo bước chân dũng sĩ Núi Thành” trên báo QĐND với những bức ảnh sống động, sau này được các CCB rất tâm đắc...

Tôi không nghĩ các bài báo về Trần Ngọc Ảnh và Tiểu đoàn 70 lại có sức lan tỏa nhiều hơn thế. Năm 2012, Quân khu 5 tổ chức tập huấn chiến dịch cho hơn 300 cán bộ chủ trì. Chiến lệ Núi Thành được Ban tổ chức chọn lựa đầu tiên để lớp tham quan, học tập. Hôm đó trước hàng trăm sĩ quan cao cấp, giữa mỏm đồi 50 lộng gió, CCB Trần Ngọc Ảnh như được tiếp lửa, kể lại trận đánh thật chi tiết và hùng hồn. Mọi người thêm cảm phục người dũng sĩ và các thế hệ đi trước đã làm nên một Núi Thành lừng lẫy. Nó cũng là tư liệu sống động để tôi viết “Nóng từ sa bàn” được đăng trên Báo Công an ngay sau đó.

Các CCB bên lá cờ MTDTGPMNVN tặng cho Tiểu đoàn.

Một hôm, các CCB cho tôi xem cuốn “Vượt sông” là cuốn sử của Tiểu đoàn 70. Tôi dừng rất lâu trước trang sách viết về Đại đội trưởng Đại đội 2 Lê Công Minh dũng cảm và tài hoa này đã hy sinh quá sớm để lại nỗi đau khôn nguôi cho người thân. Từ trang sách, tôi tìm đến số 10-Phan Bội Châu (Q. Hải Châu) là nhà Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ CHQS tỉnh QN-ĐN (cũ). Ông nói rằng, đã 50 năm trôi qua nhưng chưa một ngày nào vơi thương nhớ các em. Bài báo của tôi “Nhà có ba người đi B” càng làm cho ông tự hào về gia đình mình, tạo thêm nguồn vui sống. Từ đó, Đại tá Lê Công Thạnh coi tôi như con cháu thân thương. Ông cũng là “từ điển sống” để tôi hỏi những tư liệu trong chiến tranh trên đất Khu 5 mà tôi chưa nắm hết.

Các CCB  Tiểu đoàn 70 nói rằng, các bài báo của tôi là nguồn động viên rất lớn đối với họ nhưng cũng thắc mắc vì sao tôi lại gắn bó với Tiểu đoàn đến thế dù không hề có người thân trong đội hình đơn vị. Tôi đã  đưa cho các CCB xem lá thư của cô bé Nguyễn Minh Hằng, học sinh chuyên hóa trường THPT  Lê Quý Đôn, Đà Nẵng (nay đang du học ở Phần Lan) khi đọc những bài tôi viết về Tiểu đoàn 70: “Chiến tranh đã qua từ rất lâu rồi, cái thời kỳ gian khổ đớn đau ấy giờ đây, đối với con, không còn nữa, vậy mà con đã nhận ra nó từ các trang báo. Cảm ơn những bài viết của cô. Cô hãy viết thật nhiều thật nhiều nữa cô nhé, để tuổi trẻ chúng con hiểu hơn về một thời đã qua nhưng còn mãi, để chúng con được “sống”, chứ không chỉ “tồn tại”.

Tôi đã có thêm “fan” báo chí là Minh Hằng và sau này coi cô bé như con gái. Vậy là duyên nợ với Tiểu đoàn 70 cho tôi nhiều hơn tôi nghĩ.

Bài, ảnh: Hồng Vân