EU - Anh - “Cuộc hôn nhân” không êm ả

Thứ bảy, 01/04/2017 10:31

(Cadn.com.vn) - Brexit đánh dấu hồi kết được dự báo cho một cuộc hôn nhân thực dụng và không có tình yêu giữa Anh và Liên minh Châu Âu (EU) kéo dài 44 năm qua.

Trước tình thế dứt khoát ra đi của Anh, ngày 31-3, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk công bố dự thảo đường hướng thương lượng, trong đó cho thấy EU sẵn sàng đàm phán với London về một thỏa thuận thương mại tự do tương lai trước khi hai bên nhất trí các điều khoản cuối cùng về Brexit.

Theo AFP, EU bác bỏ đề nghị của Thủ tướng Anh Theresa May muốn đàm phán song song về việc ra đi và mối quan hệ tương lai. EU cũng tuyên bố sẵn sàng làm tất cả để đạt giải pháp Brexit tốt nhất với Anh, nhưng cũng sẽ chuẩn bị cho khả năng hai bên không đạt được một thỏa thuận - tức là “Brexit cứng”.

Giống như bất kỳ cuộc “ly hôn” nào, tiến trình rời khỏi EU của Anh cũng rất gian nan. Anh đe dọa sẽ bỏ đi nếu không có được những gì họ muốn. Nhưng EU cảnh báo liên tục rằng, bất cứ thỏa thuận nào hai bên đạt được - phân chia tài sản, quyền công dân, mối quan hệ tương lai - tất nhiên không thể có lợi cho nước Anh so với thời còn chung sống cùng liên minh này.

Người biểu tình phản đối việc Anh rời EU. Ảnh: AFP

Cuộc hôn nhân “thực dụng”

Mối tình Anh và EU hiếm khi diễn ra suôn sẻ. Hai bên lình xình trong nhiều năm trước khi quyết định “đường ai nấy đi”. Những gì diễn ra trong những tháng tới, sau tất cả, là sự kết thúc của cuộc hôn nhân thực dụng và không tình yêu kéo dài hàng chục năm qua.

Khi 6 thành viên sáng lập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (ECC) - tiền thân của EU - gồm Pháp, Tây Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, ký hiệp ước Rome năm 1957 và mời Anh tham gia, London chỉ nói cảm ơn rồi đứng ngoài. London lúc đó rất kiêu kỳ và phớt lờ lời mời gọi này bởi họ tự tin về những ký ức của đế quốc vĩ đại và một cường quốc lớn. Điều đó được chứng minh rõ ràng khi Anh chỉ cử một quan chức thương mại cấp trung, Russell Bretherton, đến quan sát việc ký Hiệp ước Rome.

Nhưng đến đầu những năm 1960, Thủ tướng Anh Harold Macmillan nhận ra sai lầm (tất nhiên là khi thương mại sụt giảm) và bắt đầu phàn nàn với Brussels. Nhưng lúc đó EU ngoảnh mặt làm ngơ với London.

Thậm chí không có “tuần trăng mật”

Mãi đến năm 1973, nước Anh - lúc đó do một nhân vật được Châu Âu tin tưởng là Ted Heath lãnh đạo - mới chính thức “về chung một nhà” với Châu Âu.

Nhưng thật buồn, cả hai sau đó thậm chí không hề có “tuần trăng mật” nào mà chỉ toàn cãi vã. Trong vòng 1 năm, Anh kêu gọi cải cách thương mại cho chính sách nông nghiệp chung (CAP) và vào năm 1975 chính quyền đảng Lao động của ông Harold Wilson kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời EU nhưng thất bại. Chiến dịch bầu cử năm 1983 của đảng Lao động cũng nhắm trọng tâm vận động rời EU - nhưng họ thất bại.

Tuy nhiên, năm sau đó, Anh lại đầu độc mối quan hệ với Châu Âu: Thủ tướng Thatcher lập luận, London đóng góp nhiều hơn cho CAP và muốn lấy lại tiền. Anh được giảm giá - dù không nhiều như họ mong muốn. Và nước Anh dưới thời “Bà đầm thép” Thatcher dần có vị thế lớn hơn. Nhưng vào năm 1992, nước Anh rơi vào tình trạng thảm khốc do Cơ chế Tỷ giá hối đoái Châu Âu (ERM), gây ra mối rạn nứt nghiêm trọng giữa hai bên. Năm 1997, Thủ tướng Tony Blair nỗ lực siết chặt vấn đề này. Đây là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc hôn nhân giữa Anh-EU.

Nhưng trong suốt những năm ông Blair cầm quyền, hầu hết giới báo chí và một nhóm bảo thủ cứng đầu, được một đảng chống EU mới gọi là Ukip thúc đẩy, vẫn đòi “ly hôn”. Năm 2009, mối quan hệ Anh-EU nhanh chóng xấu đi, chỉ một năm trước khi ông David Cameron trở thành Thủ tướng và triển khai vũ khí cuối cùng - quyền phủ quyết - tại hội nghị thượng đỉnh năm 2011. 2 năm sau, Thủ tướng Cameron - ngày càng hoảng sợ trước viễn cảnh bỏ phiếu của cử tri đảng Bảo thủ (và các nghị sĩ) dành cho Ukip - cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU nếu ông chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

Tất nhiên, chúng ta biết kết quả cuối cùng. Trong cuộc đấu vào tháng 6-2016, 52% người Anh quyết định ra đi. Cuộc hôn nhân kéo dài hàng thập kỷ giữa Anh - EU không thể cứu vãn.

Khả Anh