Phép thử của Nga

Thứ hai, 08/09/2014 08:47

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Nga Vladimir Putin có lẽ đã nhìn thấy những lỗ hổng xung quanh hệ thống phòng thủ của NATO, và biết rằng, liên minh quân sự này phải nỗ lực nhiều hơn nữa để sửa chữa.

Một vài năm trước, khi các chiến lược gia NATO cân nhắc không bàn đến các mối đe dọa có thể đến từ Nga, mối quan tâm chính của họ, dù rất nhỏ, là Moscow sẽ mất kiểm soát kho vũ khí hạt nhân.

Điều lo lắng này ít nhất được thể hiện khi Ivo Daalder có chuyến thăm đến Moscow với tư cách là đại sứ Mỹ tại NATO năm 2010. Nhưng nhìn chung, NATO không mấy quan tâm đến Nga vào thời điểm đó bởi liên minh này quá bận rộn với kế hoạch tăng quân ở Afghanistan và các mối đe dọa mới như chiến tranh không gian mạng. “Nga thực sự không nằm trong chương trình nghị sự năm 2010” ông Daalder nói với Time.

Tổng thống Nga Putin tham dự lễ đón tuần dương tên lửa dẫn đường tại cảng Sochi ở biển Đen. Ảnh: Reuters

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Lisbon năm đó, đương kim Thủ tướng Dmitry Medvedev, người lúc đó nắm quyền tổng thống, đồng ý hợp tác với NATO về nhiều vấn đề cùng quan tâm, như chủ nghĩa khủng bố và buôn bán ma túy. Nhưng cuộc chiến ngắn gọn 2 năm trước tại nước láng giềng Georgia, một thành viên tham vọng của NATO, không được bàn đến tại hội nghị này, động thái được ví như “vết sưng” trên đường hướng đến hợp tác của Nga với NATO.

* Giao tranh lại bùng phát ác liệt vào đêm 6-9 tại thành phố cảng Mariupol, đông Ukraine khiến nhiều người chết và bị thương. Đây là lần đầu tiên có tin về tình hình xung đột khi kể từ sau khi đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine được ký kết cách đây 2 ngày. 

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng quốc phòng mà NATO duy trì trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh để chuẩn bị đối đầu với Nga ở Châu Âu rơi sâu hơn vào bế tắc. “NATO có nhiều năm không thực sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở phía đông”, ông Daalder nhớ lại. Theo ông, ngay cả những điều cơ bản nhất cũng không tồn tại như: căn cứ không quân ở Đông Âu, bến cảng, đường ống dẫn dầu và dụng cụ thiết yếu khác, để giúp NATO có thể dễ dàng phản ứng ở khu vực này.

Nhưng đầu năm nay, sau khi Crimea sáp nhập về với Nga; Kiev và phương Tây liên tục cáo buộc Moscow đưa quân vào đông Ukraine, NATO lần đầu tiên trong 2 thập kỷ bắt đầu xem xét về cách tiếp xúc với sườn phía đông. Và chương trình nghị sự tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở xứ Wales trong tuần qua được hình thành từ nhận thức này.

Ví dụ như thế bế tắc đang diễn ra dọc biên giới Nga với Estonia, một trong những đồng minh quan trọng của NATO nhờ vị trí địa lý và nhân khẩu học với Nga. Không chỉ có chung đường biên giới hơn 320km với Moscow, 1/4 dân số Estonia nói tiếng Nga, tạo thành nhóm dân tộc thiểu số mà Tổng thống Putin cam kết sẽ “bảo vệ đến cùng”.

Những lỗ hổng này là nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama chọn thăm Estonia hôm 3-9, trong nỗ lực thể hiện tinh thần đoàn kết với các quốc gia thành viên NATO. Trong một bài phát biểu tại đây, ông chủ Nhà Trắng cam kết bảo vệ Estonia trước mọi đe dọa từ Nga.

2 ngày sau, tại hội nghị ở xứ Wales, Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves báo động về những gì ông gọi là “một cuộc xâm lược lãnh thổ Estonia” khi cho biết, những kẻ tấn công không rõ danh tính đến từ Nga bắt cóc sĩ quan an ninh của họ.

Tuy nhiên, Moscow khẳng định, công dân Estonia này bị bắt trong khu vực Pskov của Nga. Theo Cơ quan an ninh liên  bang (FSB – tiền thân là KGB), đối tượng này còn mang theo “súng ngắn đã nạp đạn với nhiệm vụ làm gián điệp”.

Ắt hẳn, đã có những tiếng vỗ tay rầm rộ khi các nước NATO cuối cùng nhất trí thành lập lực lượng phản ứng nhanh nhằm đối phó trước nguy cơ xâm lược từ Nga ở Đông Âu. Lực lượng này gồm hàng ngàn lính bộ binh sẵn sàng được triển khai chỉ trong vài ngày và gồm cả những cơ sở và thiết bị trên đất liền và trên biển. NATO cũng quyết định sẽ thiết lập các cơ sở chỉ huy và kiểm soát tại khu vực phía đông.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin có vẻ phớt lờ động thái này. Bởi theo giới chuyên gia, ông chủ Điện Kremlin biết rằng, ở Đông Âu, liên minh quân sự này chỉ là “hổ giấy”. CNN thậm chí còn có bài viết cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở xứ Wales giống như một vở hài kịch mà ông Putin rất thích thú. Cho đến nay, Tổng thống Obama nói rõ “giới hạn đỏ” là biên giới của liên minh NATO, và nếu Nga vi phạm biên giới, Mỹ sẽ đáp trả bằng vũ lực.

Nhưng “giới hạn đỏ” đây là gì: một cuộc xâm lược hay một cái gì đó tinh tế hơn?

Khả Anh