Gần 350 nghìn khối bùn ở âu thuyền Thọ Quang được nạo vét, nhận chìm như thế nào?

Thứ sáu, 15/04/2022 18:14
Nhà thầu thi công bắt đầu phân ô, thực hiện phương án cuốn chiếu để  nạo vét gần 350 nghìn khối bùn dưới đáy âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) đưa đi nhận chìm ra biển. Toàn bộ diễn biến của công việc này được ghi nhận, truyền trực tiếp để cơ quan chức năng giám sát nhằm đảm bảo đúng như  báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Các loại rác sẽ được lọc để xử lý riêng, bùn được thả xuống ở độ sâu khoảng 30m tại vị trí được phê duyệt.
Các loại rác sẽ được lọc để xử lý riêng, bùn được thả xuống ở độ sâu khoảng 30m tại vị trí được phê duyệt.

Những ngày qua, 2 tàu ngoạm loại lớn và 4 sà lan có sức chứa 600 khối bùn bắt đầu đẩy mạnh hiệu suất nạo vét ở vùng nước phía đông âu thuyền Thọ Quang. Đây là hạng mục quan trọng và tốn kém trong kế hoạch tổng thể xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền, cảng cả lớn nhất miền Trung mà thành phố Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành từ nay đến năm 2025. Nhà thầu thi công dự án này là Liên danh Cty CP 126 và Cty CP Phú Xuân

Ông Trần Đức Sang - Phụ trách kỹ thuật của dự án cho biết, theo phương án được duyệt, trong thời gian đầu sẽ phân ô âu thuyền vừa nạo vét vừa đánh giá tác động, sau đó sẽ nâng dần công suất để đẩy nhanh tiến độ. Về cách thức thi công, gàu múc sẽ ngoạm sâu để thu gom lớp bùn bên trên khoảng 0,5-0,7m, tiếp đó là các lớp bùn pha sét, lớp sét và sét pha cát với độ dày 3 lớp này 1,3-1,5m. Trên sà lan dung tích 600m3 có màng lưới sắt giữ lại các loại rác phân loại và xử lý riêng, bùn sẽ lắng xuống để chở đi. Phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể múc đầy một sà lan, sau đó thêm gần 1 tiếng để di chuyển ra vị trí được phê duyệt nhận chìm tại tọa độ 16°11'25.10"N - 108°17'32.78"E , cách phao số 0 khoảng 12km. Các cửa xả ở dưới đáy sà lan được mở để xả chất nạo vét xuống biển ở độ sâu khoảng 30m và gần như không có dòng chảy trên biển. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là vị trí tối ưu, thuận lợi để làm lắng nhanh chất nạo vét với đa phần là sét, sét pha cát xuống đáy biển. "Do đang trong thời gian vừa làm vừa đánh giá, mặt bằng thi công bị vướng do người dân đậu tàu thuyền thiếu ngăn nắp nên mỗi ngày chỉ xử lý dứt điểm khoảng 3.000m3. Việc nạo vét, vận chuyển, nhận chìm phải tuân thủ hoàn toàn phương án được duyệt nên không có tác động nào đến môi trường. Sau khi đi vào quy củ, tàu thuyền được sắp xếp ngăn nắp thì công suất sẽ được nâng dần lên, đảm bảo hoàn thành trong tháng 10-2022, ngay trước mùa mưa bão", ông Sang cho hay.

Các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Môi trường, Cảng vụ hàng hải… thành lập riêng một bộ phận giám sát quá trình thi công từ khâu nạo vét, vận chuyển, nhận chìm. Ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tổ công tác phải trang bị các thiết bị ghi hình, đo các chỉ số môi trường và cập nhật thường xuyên. Đặc biệt toàn bộ bùn nạo vét phải được nhận chìm đúng phương án, đúng vị trí đã được khảo sát kỹ. "Diện tích nhận chìm khoảng 25ha trên vùng biển bên ngoài vịnh Đà Nẵng cách phao số 0 khoảng 12km về phía Đông. Chúng tôi dùng cả thiết bị ghi hình trên cao và dưới nước đồng thời kiểm tra chỉ số môi trường liên tục tại vị trí nhận chìm. Mọi diễn biến đều được cập nhật thông qua thiết bị giám sát hành trình và hình ảnh được truyền về thường xuyên. Hiện mọi việc đang diễn ra thuận lợi, đảm bảo đúng quy định", ông Chương cho hay. Cũng theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tại cuộc họp tổ giám sát ngay sau khi bắt đầu thi công, Sở cũng đã đề nghị phía Sở NN&PTNT tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đồng thời bố trí lại các vị trí neo đậu tàu thuyền để tạo thuận lợi cho việc nạo vét, di chuyển. Dự án ngoài cải thiện môi trường cũng hướng tới nâng cao khả năng tiếp nhận, neo đậu của tàu thuyền cho cộng đồng ngư dân miền Trung.

Theo ông Nguyễn Minh Huy - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, đây là một hạng mục trong kế hoạch do UBND TP Đà Nẵng ban hành, hướng tới việc đưa "điểm nóng" này ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường vào năm 2025. Tổng kinh phí cho hạng mục này là 99 tỷ đồng do Trung ương bố trí vốn.

CÔNG KHANH - NGỌC NGÂN

Xóa điểm ô nhiễm tại khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang

UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2375 hướng đến xóa điểm ô nhiễm tại khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang vào năm 2025. Đến hiện tại đang tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường; nước thải và cải thiện chất lượng nước mặt; xử lý mùi hôi và khí thải. Kế hoạch có 4 nhóm với 58 nhiệm vụ, giải pháp và phân công rất cụ thể cho 20 cơ quan, đơn vị thực hiện. Đến nay, thành phố đã đầu tư cơ bản hạ tầng bảo vệ môi trường thông qua các dự án, hạng mục như Trạm xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 1 với công suất thiết kế 25.500 m3/ngày đêm, Dự án cải thiện môi trường nước phía Đông, trong đó trạm xử lý nước thải giai đoạn 2 với công suất 30.000 m3/ngày đêm; Tiểu dự án nạo vét âu thuyền, cải tạo tuyến thu gom nước thải tuyến đường Vân Đồn, dự án nâng cấp mở rộng cảng cá giai đoạn 2… với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

C.K