Gia đình Gandhi và đại án tham nhũng
(Cadn.com.vn) - Vào ngày 7-8 tới, "người đàn bà quyền lực", Chủ tịch đảng Quốc đại cầm quyền lâu năm của của Ấn Độ, Sonia Gandhi và con trai Rahul Gandhi - từng là ứng cử viên Thủ tướng - phải ra trình diện tại tòa.
Cả hai phải trình diện để giải trình những cáo buộc liên quan đến lạm dụng quyền lực, sử dụng sai mục đích hơn 16 triệu USD trong quỹ của Đảng để hưởng lợi theo kiểu "lợi ích nhóm" với tư cách chủ tịch, phó chủ tịch đảng.
Những cáo buộc trước bầu cử
Ngay sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5-2014, bà Sonia và con trai Rahul xin từ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch đảng Quốc đại, song bị từ chối. Nhưng ngay sau đó, dư luận lại được biết thêm nhiều thông tin liên quan đến cáo buộc tham nhũng nhắm vào đảng này cùng gia đình "danh gia vọng tộc" Gandhi.
Theo tờ India Today, một trong những vụ bê bối tai tiếng của đảng Quốc đại trước thêm bầu cử Quốc hội năm 2014 là vụ mua bán máy bay trực thăng trị giá 556 triệu EUR với Cty The Anglo-Italian.
Theo đơn tố cáo viết tay của một người trung gian tên Christian Michel gửi Peter Hullet, Giám đốc Cty The Anglo-Italian mà các công tố viên có được, giới chức liên quan đã nhận hối lộ. Trong thư, viết tháng 3-2008, Michel khuyên Hullet nhắm thẳng vào "đích" là những người thân cận của bà Sonia Gandhi, đặc biệt là 7 cố vấn, kể cả thư ký chính trị Ahmed Patel.
Một cáo buộc khác mà người ta nghi là của Guido Hashcke, chính khách cánh tả cung cấp cho Michel, nêu chi tiết việc hối lộ, số tiền chia thành 4 gói: Gói cho AF (phía không quân) 6 triệu EUR; gói BUR (nhóm quan chức) 8,4 triệu EUR; gói POL (chính trị gia) 6 triệu EUR và gói AP (Ahmed Patel) 3 triệu EUR. Tài liệu này được đính kèm những ghi chú viết tay nguệch ngoạc và được cho là tiền "bôi trơn".
Một bản sao các tài liệu nói trên cũng xuất hiện trên các phương tiện đại chúng ở Italia, thậm chí người ta còn nêu đích danh, mục tiêu là bà Gandhi và các cố vấn thân cận nhằm thực hiện trót lọt hợp đồng mua bán 12 máy bay trực thăng AW-101 dùng cho các quan chức cấp cao thay cho các loại máy bay Mi-8 già cỗi của Nga.
Ngay sau khi nguồn tin trên được tiết lộ, Bộ Quốc phòng Ấn Độ quyết định hủy giao dịch và tuyên bố AgustaWestland vi phạm nghiêm trọng hợp đồng, dùng trung gian để vận động hành lang nhằm giành thỏa thuận. Tuy nhiên, theo dư luận, việc vội vã hủy bỏ hợp đồng là sợ tham nhũng sẽ làm cho đảng Quốc đại bị thất sủng trong cuộc bầu cử Quốc hội đang đến gần.
Truyền thông Ấn Độ trích dẫn báo cáo cho hay, các nhà điều tra đang nhắm tới một chính khách, đó là ông Shashindra Pal Tyagi, người trong thời gian làm Tư lệnh Không quân Ấn Độ bật đèn xanh cho tham nhũng "có đất phát triển", nhất là trong tiến trình đàm phán hợp đồng mua 12 trực thăng với tập đoàn Finmeccanica của Italia.
Các công tố viên Italia nghi ngờ Finmeccanica trả khoảng 68 triệu USD, gần 10% tổng giá trị hợp đồng để mẫu máy bay trực thăng của AgustaWestland, Cty con của tập đoàn này được chấp thuận.
Theo Reuters, CEO của Finmeccanica là Giuseppe Orsi bị bắt giữ hôm 12-1 tại Rome. Trong khi đó, giám đốc AgustaWestland cũng bị quản thúc tại gia. Một số "cò" môi giới giúp bôi trơn hợp đồng như Christian Michel, Guido Haschke và Carlos Gerosa cũng bị sờ gáy và bị bắt giam ngay sau đó.
Đây là vụ bê bối mới nhất liên quan đến đảng Quốc đại cầm quyền kể từ năm 2004 và cũng là điềm báo trước nguy cơ thất bại của đảng này trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra hồi tháng 5 vừa qua.
![]() |
Cáo buộc sau bầu cử
Theo tờ Times of India, người đứng đơn tố cáo là thủ lĩnh đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), Subramanian Swamy, đảng vừa giành chiến thắng bằng việc đưa ông Modi lên làm thủ tướng, chấm dứt gần 4 thập kỷ cầm quyền của đảng Quốc Đại kể từ khi quốc gia này giành độc lập năm 1947.
Trong đơn, Swamy buộc tội bà Sonia và con trai Rahul và những người thân thực hiện nhiều phi vụ gian lận, thông qua Cty Young Indian Ltd (YI) như: dùng 50 rupee tiền quỹ của đảng để mua lại món nợ của tập đoàn Associated Journals Limited (AJL) ở New Delhi với giá RS 90,25 crores (tương đương 16 triệu USD) thông qua khoản vốn vay lãi suất bằng không.
Trong khi đó, AJL có tài sản ước hơn 300 triệu USD, tức bán đi dư sức trả nợ. AJL là Cty mẹ hay hãng xuất bản của một số tờ báo tiếng Anh, trong đó có tờ National Herald do ông Jawaharlal Nehru sáng lập năm 1938, trước khi ông trở thành thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ.
Cùng ra trình diện tại tòa với mẹ con bà Sonia còn có thủ quỹ đảng Moti Lal Vohra; Tổng thư ký đảng Oscar Fernandes Suman Dubey và Sam Pitroda - Giám đốc Cty YI vừa được thành lập vào năm 2010 để làm nhiệm vụ tiếp quản nợ và sở hữu toàn bộ tài sản của AJL. Cũng theo đơn tố giác, thủ quỹ Motil La Vora là người được chọn làm tổng giám đốc AJL, một cổ đông quan trọng của YI.
Sau khi tiếp quản nợ, AJL thực hiện nhiều giao dịch kiếm lời, trong đó mẹ con bà Sonia kiểm soát hơn 70% cổ phần, thậm chí còn chiếm dụng những khu đất "vàng" để dùng cho mục đích riêng gia đình. Hành vi này được ông Swamy ví như "nhóm lợi ích".
Theo tòa, với đơn tố giác và bằng chứng hiện có, và thông qua YI, những người đứng đầu đảng Quốc đại biển thủ công quỹ, nắm quyền sở hữu số tài sản trị lên tới Rs 200 crores (tương đương 41 triệu USD).
Phản ứng về những cáo buộc, người phát ngôn của đảng Quốc đại cho hay, họ không thể bình luận gì vì chưa nhận được thông báo của tòa. Hơn nữa, đảng Bharatiya Janata lại vừa thắng cử, một tổ chức đối lập xưa nay không ưa gia đình Gandhi, nhất là sau khi con trai của bà Sonia thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua. Một số nghị sĩ của đảng cho rằng, đây là âm mưu chính trị nhiều hơn là tố giác đơn thuần.
Kim Hùng
(Theo Reuters/TOI/HT)