Gia đình ngư dân kiên cường bám biển

Thứ năm, 05/06/2014 09:46

(Cadn.com.vn) - “Mặc dù tàu Trung Quốc gây nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn động viên các con và anh em thuyền viên phải bám biển khai thác và góp phần gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc", ông Lê Văn Lễ, 69 tuổi, ở P. Thanh Khê Đông, Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng), mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Người thuyền trưởng già hồ hởi kể về chuyện được chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần dự Hội nghị "Đại biểu người cao tuổi tiêu biểu bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo" tại Hà Nội mới đây. Ông cũng bộc bạch niềm tự hào về một gia đình nhiều đời gắn bó với nghề biển và hàng chục bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương của các cấp trao tặng. Những năm qua, ông là tấm gương sáng về ý chí vươn khơi bám biển, đồng thời hăng hái tham gia diễn tập cứu hộ cứu nạn và các hoạt động phối hợp bảo vệ khu vực biên giới, biển, đảo.

Ông Lễ (trái) trên một chiếc tàu của gia đình ông.

Trên cương vị Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn, ông Lễ đã xây dựng quy chế hoạt động phối hợp giữa các tàu thành viên rất cụ thể. Theo đó, trong quá trình đánh bắt, các tàu có nhiệm vụ thông tin cho nhau về tình hình ngư trường, đặc biệt là thủ đoạn phá hoại của các tàu Trung Quốc để cùng nhau phòng tránh và hỗ trợ nhau về cứu hộ cứu nạn. Ông Lễ cho biết, tàu cá Trung Quốc to, vỏ bằng sắt, tốc độ nhanh, thường lấn lướt, chạy càn, kéo rách lưới của ngư dân Việt Nam. Họ có cả tàu hộ tống đi cùng, thường xuyên đe dọa, xua đuổi, phá hoại hoạt động của ngư dân ta trên vùng biển Hoàng Sa. Trong tổ của ông Lễ cũng có nhiều trường hợp bị tàu Trung Quốc xua đuổi, kéo rách lưới, gây nhiều thiệt hại, và trong chuyến biển mới đây, chính tàu ông Lễ đã bị tàu Trung Quốc kéo rách toàn bộ 4 tấm lưới, thiệt hại hơn 20 triệu đồng...

Ông Lễ bàn với các thành viên trong tổ phải chủ động quan sát, phát hiện tàu Trung Quốc để phòng tránh và mạnh dạn cho tàu đi ra phía ngoài quần đảo Hoàng Sa để khai thác. Các thành viên trong tổ ông đều xác định dù khó khăn thế nào cũng quyết bám ngư trường Hoàng Sa, bởi đây là ngư trường truyền thống của Việt Nam, hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam mà ông cha ta đã bao đời khai thác và ngư dân Việt Nam bây giờ cũng tiếp tục khai thác.

Ông Lê Văn Lễ.

Sau nhiều năm làm nghề biển, ông Lễ đã dìu dắt, bồi dưỡng 2 người con trai trở thành thuyền trưởng. Người con rể của ông cũng là một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm. Cả 3 tàu cá của gia đình ông chuyên đánh bắt xa bờ với nghề lưới cản. Mỗi tàu có 10 thuyền viên, trong đó đa số những thuyền viên trẻ đều tham gia lực lượng dân quân biển. Những lần các con ông trực tiếp điều khiển tàu ra khơi, ông Lễ lại chỉ huy, lo liệu mọi công việc ở "tuyến sau" và thường xuyên sử dụng phương tiện liên lạc để hướng dẫn, nhắc nhở các con trong các hoạt động đánh bắt và đối phó với tàu nước ngoài hoạt động trái phép trên ngư trường truyền thống.

Tại địa phương, ông Lễ được các cụ bầu làm chi hội trưởng người cao tuổi và đã 2 nhiệm kỳ được bầu vào Ủy ban Mặt trận TQVN Q. Thanh Khê. Đại diện cho những người dân sinh sống bằng nghề biển, ông Lễ tích cực nghiên cứu, đề đạt với Thường trực Mặt trận quận và các cấp lãnh đạo về các giải pháp phát triển nghề cá, nâng cao đời sống ngư dân. "Tôi thường động viên các con tôi và bà con ngư dân rằng, mình phải thường xuyên có mặt trên ngư trường Hoàng Sa để khai thác hải sản và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc", ông Lễ nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Lê Văn Thơm